Sidebar

Magazine menu

20
Mon, May

Hội thảo khoa học “Các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và tác động đối với Việt Nam” tại TP HCM

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 20/04/2024, trong khuôn khổ Dự án IISD – FTU, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp cùng Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (International Institute for Sustainable Development, IISD - Geneva, Thụy Sỹ) tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và tác động đối với Việt Nam” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều chỉnh biên giới carbon (BCA) là chính sách đang được nhiều quốc gia quan tâm xây dựng và thực hiện nhằm chống lại những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đi đầu trong xu hướng này là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), một chính sách thuộc thoả thuận xanh của Liên minh Châu Âu (EU). Theo đó, hàng hóa thuộc một số ngành nhất định nhập khẩu vào thị trường EU sẽ phải trả thêm một khoản chi phí dựa trên lượng khí thải carbon ở nước xuất xứ nếu nước xuất xứ chưa xây dựng được thị trường tín chỉ carbon tương đương với hệ thống của EU. Điều này cho thấy, BCA và CBAM sẽ có tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp cần sớm xây dựng chiến lược ứng phó.
Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan nhà nước có Bà Trần Thị Thu Huyền - Trưởng phòng Phòng Hội nhập Tài chính song phương, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính.
Về phía các cơ sở đào tạo có sự tham dự của PGS, TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh; PGS, TS Trần Thị Thuỳ Dương – Phó Tổng biên tập, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam; TS Đào Gia Phúc - Viện trưởng Viện Luật Quốc tế So sánh, Trường ĐH Kinh tế Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Về phía Trường ĐH Ngoại thươngcó TS Hà Công Anh Bảo - Trưởng ban quản lý dự án IISD – FTU, Trưởng Khoa Luật; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng tạo; TS Vũ Kim Ngân – Phó Giám đốc Chương trình WTO Chair cùng các cán bộ, giảng viên Nhà trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Hà Công Anh Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng của phòng chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay. Điều này đã thúc đẩy cộng đồng quốc tế phải cùng nhau triển khai các giải pháp nhằm xanh hóa hành động, từ sản xuất đến tiêu dùng và sau tiêu dùng. Các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ có những tác động đối với xuất khẩu của các quốc gia trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Chính phủ và các bên liên quan để chuẩn bị phản ứng phù hợp.


Hội thảo được trao đổi với hai phiên chính, phiên thứ nhất bao gồm tham luận của các diễn giả về các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon trên thế giới nhằm chống lại biến đổi khí hậu được điều hành bởi TS Hà Công Anh Bảo.
Bài tham luận đầu tiên của PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon trên thế giới tương tự CBAM, từ đó chỉ ra những tác động của các chính sách này đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, diễn giả khuyến nghị doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch ứng phó sớm với CBAM, đặc biệt là yêu cầu về báo cáo kiểm kê khí nhà kính.
Bài trình bày thứ hai, Bà Lý Thị Ngân - Chánh văn phòng Hiệp hội nhôm Việt Nam đã chỉ ra dự báo CBAM có thể làm giảm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu nhôm của Việt Nam sang EU. Cụ thể đối với quá trình sản xuất nhôm, nguồn phát thải khí kéo dài từ giai đoạn khai thác nguyên liệu thô đến các giai đoạn luyện hợp kim nhôm và xử lý bề mặt nhôm. Do đó, các nhà sản xuất nhôm cần tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, sớm hướng đến mô hình ESG, đồng thời tích cực tham gia trồng rừng và tự tạo ra tín chỉ carbon trong nội khối.


Bài trình bày thứ ba của ông Nguyễn Phương Nam - Giám đốc Công ty Klinova Climate Consulting đã đưa ra một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là 1 trong 15 đối tác thương mại lớn nhất của EU đối với các sản phẩm thâm dụng carbon. Doanh nghiệp cần hiểu rõ vai trò và vị trí của mình trong chuỗi cung ứng, qua đó chủ động đánh giá cường độ carbon, xác định rủi ro và lập kế hoạch kịch bản để giảm phát thải carbon cũng như tận dụng hiệp định thương mại tự do để mở rộng đối tác.


Phiên thứ hai của Hội thảo là phiên Thảo luận bàn tròn xung quanh chiến lược của Việt Nam nhằm ứng phó với BCA do TS Vũ Kim Ngân điều phối với sự tham gia thảo luận của Bà Trần Thị Thu Huyền - Trưởng phòng Phòng Hội nhập Tài chính song phương, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính; TS Đào Gia Phúc - Viện trưởng Viện Luật Quốc tế So sánh, Trường ĐH Kinh tế Luật, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Ông Ngô Tiến Thọ - Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Công ty TNHH Thép VinaKyoei - Thành viên Uỷ ban Môi trường (ESCO), Viện Gang thép Đông Nam Á (SEAISI); Ông Nguyễn Phương Nam - Giám đốc Công ty Klinova climate Consulting; Luật sư Nguyễn Tuấn Phát - Giám Đốc Pháp Lý, Asia Clean Capital Việt Nam.


Tại phiên thảo luận các diễn giả nhấn mạnh, trong ngắn hạn doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề về chi phí để ứng phó với BCA, nhưng trong trung hạn và dài hạn, doanh nghiệp cần chủ động quan sát chuỗi cung ứng toàn cầu để tận dụng nguồn tài chính xanh và tham gia vào chuỗi cung ứng xanh. Các diễn giả của Hội thảo đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sự tương thích của chính sách điều chỉnh biên giới carbon đối với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO liên quan đến rào cản kỹ thuật, thuế quan,…; vấn đề dòng chảy công nghệ trong quá trình chuyển đổi sang công nghệ xanh, sạch,…; nhận thức của doanh nghiệp về các loại chi phí nhằm xây dựng chiến lược đối với thị trường tín chỉ carbon và ứng phó với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.


Kết thúc Hội thảo, TS Hà Công Anh Bảo gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các diễn giả, các vị khách quý đồng thời cũng bày tỏ niềm vinh dự khi Trường ĐH Ngoại thương được tin tưởng lựa chọn là đối tác của Viện phát triển và bền vững quốc tế (IISD) để thực hiện hoạt động nghiên cứu đánh giá tác động của BCAs tại một số quốc gia trên thế giới. Trường ĐH Ngoại thương nói chung, và Khoa Luật của Nhà trường nói riêng luôn chú trọng đề cao các hoạt động nghiên cứu sáng tạo, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến vấn đề về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, từ đó góp phần vào việc bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững cho cả Việt Nam và toàn thế giới.