Sidebar

Magazine menu

20
Mon, May

Hội thảo quốc tế ICEBSH 2024 “Hợp tác nghiên cứu và quan hệ đối tác công nghệ vì tác động toàn cầu: Giáo dục đại học và phát triển bền vững”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 25/4/2024, Trường Đại học Ngoại thương phối hợp cùng Trường Đại học Tarumanagara (Indonesia) tổ chức Hội thảo quốc tế về Kinh tế, Kinh doanh, Xã hội và Nhân văn (International Conference on Economics, Business, Social and Humanities - ICEBSH) với chủ đề “Hợp tác nghiên cứu và quan hệ đối tác công nghệ vì tác động toàn cầu: Giáo dục đại học và phát triển bền vững”.

Hội thảo nhằm mục đích hình thành diễn đàn để thúc đẩy các hoạt động trao đổi, giao lưu, hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy giữa các nhà nghiên cứu về kinh tế, kinh doanh, xã hội và nhân văn. Đồng thời, thúc đẩy sự gắn kết của các nhà nghiên cứu, các giảng viên với các tổ chức quốc tế, các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ nhằm mục đích nghiên cứu.


Tham dự phiên khai mạc Hội thảo, về phía các đơn vị phối hợp và đồng hành có: GS, TS Ir. Agustinus Purna Irawan, Hiệu trưởng trường Đại học Tarumanagara; GS, TS Ariawan Gunadi, Chủ tịch Quỹ Tarumanagara; GS, TS Toong Hai Sam - Giám đốc Quan hệ & Hợp tác Quốc tế, Đại học Quốc tế INTI (Malaysia); PGS, TS Jap Tji Beng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Gắn kết Cộng đồng Đại học Tarumanagara cùng các nhà nghiên cứu, giảng viên Trường Đại học Tarumanagara.


Về phía Trường Đại học Ngoại thương có: PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học; PGS, TS Hoàng Xuân Bình - Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế; Trưởng, Phó các đơn vị trong Trường cùng cán bộ giảng viên Nhà trường.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo là động lực chính của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trên phạm vi quốc gia và toàn cầu. Đổi mới được thực hiện thông qua nghiên cứu hợp tác chiến lược và quan hệ đối tác công nghệ, trong đó các tổ chức giáo dục đại học đảm nhận vai trò trung tâm. Bằng chứng cho thấy rằng việc nắm bắt hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ sẽ khai thác sự đổi mới, góp phần vào SDGs và tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người trên toàn cầu”.

Trong chiến lược phát triển mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Trường Đại học Ngoại thương đặt mục tiêu trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo,nằm trong nhóm hàng đầu Châu Á. Một trong những mục tiêu chiến lược của Nhà trường trở thành một trung tâm trao đổi và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển để tạo ra, chia sẻ và chuyển giao những ý tưởng và kiến thức tiên tiến cho cộng đồng để phát triển bền vững. Và để thực hiện chiến lược này, Nhà trường đã tích cực thúc đẩy sự hợp tác với ngành công nghiệp, chính phủ và học viện trên toàn thế giới để thúc đẩy đổi mới trong giáo dục, nghiên cứu và phát triển cộng đồng. Hội thảo quốc tế phối hợp tổ chức giữa Trường Đại học Ngoại thương và Đại học Tarumanagara Indonesia ngày hôm nay cũng thể hiện mong muốn và nỗ lực của Nhà trường.

Đồng phát biểu khai mạc Hội thảo, GS Agustinus Purna Irawan - Hiệu trưởng Trường Đại học Tarumanagara đã chia sẻ quan điểm của ông về tầm quan trọng của các tổ chức giáo dục đại học đối với quá trình thúc đẩy đổi mới và thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh thế giới kết nối ngày nay. Theo ông Irawan, bằng cách học hỏi nghiên cứu và áp dụng công nghệ, giáo dục đại học có khả năng giải quyết các thách thức toàn cầu phức tạp được nêu trong SDGs.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hàng trăm bài nghiên cứu đã được gửi về từ các nhà khoa học Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Ban tổ chức đã phản biện và lựa chọn được 194 bài viết có chất lượng và mời đến trình bày trong 27 phiên thảo luận song song về các chủ đề Kinh tế và kinh doanh; Truyền thông; Tâm lý học; Nghệ thuật và thiết kế; Luật, Khoa học xã hội và Công nghệ thông tin.

Các phiên thảo luận đều được chủ trì bởi các nhà khoa học hàng đầu của Trường Đại học Ngoại thương. Hội thảo bắt đầu với hai tham luận dẫn đề của 2 diễn giả chính: Ngài Denny Abdi - Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam và TS Nguyễn Kỳ Sơn – Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

Tham luận dẫn đề đầu tiên của Ngài Denny Abdi - Đại sứ Cộng hoà Indonesia tại Việt Nam với “Hợp tác nghiên cứu và hợp tác công nghệ giữa Indonesia và Việt Nam”. Trong phần chia sẻ của mình, ông Denny Abdi có nói: “Dù hai quốc gia đã có quan hệ chia sẻ lợi ích và hợp tác nghiên cứu, công nghệ trong thời gian qua, quan hệ đối tác giữa Indonesia và Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Các thách thức này bao gồm sự khác biệt trong khung pháp lý, rào cản ngôn ngữ và mức độ khác biệt về cơ sở hạ tầng nghiên cứu. Ngoài ra, sự cạnh tranh về kinh phí và nguồn lực hạn chế cũng đặt ra những trở ngại đáng kể cho hoạt động hợp tác. Tuy nhiên, vượt qua những thử thách này sẽ mang đến những cơ hội to lớn cho tăng trưởng và tiến bộ của đôi bên. Các chiến lược nhằm tăng cường quan hệ đối tác nghiên cứu và công nghệ giữa Indonesia và Việt Nam bao gồm thúc đẩy liên kết thể chế mạnh mẽ hơn, thúc đẩy các sáng kiến nghiên cứu chung và tận dụng các nền tảng khu vực hiện có như ASEAN. Bằng cách sắp xếp các ưu tiên nghiên cứu, tập hợp các nguồn lực và thúc đẩy trao đổi kiến thức, cả hai quốc gia có thể đẩy nhanh quá trình đổi mới và giải quyết các thách thức xã hội chung. Ngoài ra, cần tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị học thuật, các ngành công nghiệp, và đơn vị chính phủ là rất quan trọng để chuyển hoá các kết quả nghiên cứu thành kết quả hữu hình. Đầu tư chung vào cơ sở hạ tầng nghiên cứu, phát triển nhân tài và cơ chế chuyển giao công nghệ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đồng sáng tạo các giải pháp đổi mới với tác động xã hội rộng lớn hơn”.

Trong tham luận dẫn đề thứ 2, TS Nguyễn Kỳ Sơn – Vụ trưởng Vụ Châu Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng đã trình bày nội dung “Bối cảnh quốc tế và khu vực: Cơ hội, thách thức đối với hợp tác quốc tế”. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập và hợp tác quốc tế là nhu cầu của mọi quốc gia. Quá trình hội nhập và hợp tác cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục sau khủng hoảng và có thể rơi vào suy thoái. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải có sự kết nối rộng mở và đa dạng hơn.

Bài thứ hai, GS, TS Ariawan Gunadi - Chủ tịch Quỹ Tarumanagara đã chia sẻ về chủ đề “Luật quốc tế tại Đông Nam Á: Thúc đẩy hội nhập pháp lý khu vực để hợp tác nghiên cứu và hợp tác công nghệ”. GS, TS Gunadi cũng khẳng định để đạt được mục tiêu SDGs vào năm 2030, chúng ta sẽ cần đổi mới sáng tạo nhằm bù đắp đi khoảng trống của luật pháp khu vực.

Bài thứ ba, TS Vũ Thị Phương Mai - Giảng viên Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương đã có phần trình bày kết quả nghiên cứu của mình về việc FDI có tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số ở các nước đang phát triển hay không. TS Vũ Thị Phương Mai đã dẫn chứng bằng các bằng chứng thu thập được từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Và bài cuối cùng của TS Sri Tiatri - Trưởng khoa Tâm lý học Trường Đại học Tarumanagara đã chỉ ra điều kiện tiên quyết cho một nền văn hóa hợp tác đó là sự hình thành các kỹ năng xã hội và kỹ năng tư duy thông qua giáo dục chất lượng. Từ đó, Bà Sri Tiatri đã đưa ra cho Hội thảo những phương pháp để định hình sự hình thành của kỹ năng xã hội và kỹ năng tư duy thông qua giáo dục đại học chất lượng.

Phiên thảo luận toàn thể diễn ra với sự điều phối của TS Joana Jaya từ Đại học Quốc tế INTI Malaysia và PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Ngoại thương. Bên cạnh 2 bài tham luận chính, trong phiên thảo luận vào sáng ngày 25/4/2024, Hội thảo cũng được lắng nghe 4 bài chia sẻ từ các nhà khoa học hàng đầu tại Việt Nam và Indonesia.


Bài đầu tiên, GS, TS Toong Hai Sam - Giám đốc Quan hệ & Hợp tác Quốc tế, Đại học Quốc tế INTI (Malaysia) - đem đến Hội thảo một chủ đề rất thời sự “Tối đa hóa hiệu quả kinh doanh: Khai thác sức mạnh của quản lý công nghệ trong các ứng dụng công nghiệp”. Từ đó, GS. Toong Hai Sam đã chỉ ra những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện quản lý công nghệ ở Đông Nam Á.