Sidebar

Magazine menu

19
Fri, Apr

NGHỊ ĐỊNH 81/2021/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CƠ CHẾ THU, QUẢN LÝ HỌC PHÍ ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN VÀ CHÍNH SÁCH MIẾN, GIẢM HỌC PHÍ, HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP; GIÁ DỊCH VỤ TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO

Văn bản - Quy định

Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Nghị định có một số nội dung cơ bản sau:

1. Về đối tượng áp dụng:
Nghị định này áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (sau đây gọi chung là người học) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Về nguyên tắc xác định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo:
Nghị định quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được xác định theo các quy định của pháp luật về giá và quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm.

3. Về học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông:
Mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Về khung học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2021-2022, Nghị định quy định: Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí do hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành năm học 2020-2021 đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

4. Về học phí đối với giáo dục đại học:
Mức trần học phí đại học năm học 2021-2022 từ 980.000 đến 1.430.000 đồng/sinh viên/tháng. Mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đối với các ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập được áp dụng bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước quy định áp dụng cho năm học 2020-2021, mức cụ thể như sau:
Mức trần học phí năm học 2021-2022 đối với các khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quy định từ 980.000 đến 1.430.000 đồng/sinh viên/tháng.
Từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được quy định theo từng khối ngành với mức từ 1.200.000 đến 3.500.000 đồng/sinh viên/tháng.
Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí nêu trên tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.

5. Quy định nhiều đối tượng được miễn, giảm học phí:
Nghị định cũng quy định rõ những đối tượng không phải đóng học phí, những đối tượng được miễn, giảm học phí, cụ thể: Theo Nghị định, có 2 đối tượng không phải đóng học phí gồm: Học sinh tiểu học trường công lập; Người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Chi tiết Nghị định 81/2021/NĐ-CP: xem tại đây!

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021./.