Sidebar

Magazine menu

19
Tue, Mar
33 Bài viết mới

Trường ĐH Ngoại thương 60 năm xây dựng và phát triển - Phần 2: Trường ĐH Ngoại thương trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ

Sứ mệnh, tầm nhìn, triết lý giáo dục và các giá trị cốt lõi

I. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với sự nghiệp đào tạo Đại học của đất nước

Bước vào năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta càng quyết liệt hơn. Đế quốc Mỹ ngày càng điên cuồng hơn với chiến dịch tấn công, đánh phá và ném bom miền Bắc. Các cuộc ném bom miền Bắc của Mỹ ngày càng dữ dội hơn. Để bảo toàn lực lượng, bảo vệ nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, các trường Đại học… và người dân Hà Nội được lệnh sơ tán khỏi Thủ đô. Hà Nội trở thành chiến trường với những hầm tránh bom, các đường hào quân sự, các ụ pháo phòng không…, tất cả chuẩn bị cho việc đánh trả máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm bầu trời Hà Nội.

Trong không khí quyết liệt đó, bên cạnh việc tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ đất nước, bảo vệ Thủ Đô, Đảng ta vẫn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Lãnh đạo các cơ sở đào tạo đã xác định rõ đây là giai đoạn đòi hỏi nhà trường phải giải quyết tốt nhiệm vụ giáo dục chuyên môn bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ Đô.

Trong bối cảnh như vậy, các trường Đại học ở Hà Nội trong đó có trường Đại học Ngoại thương thật sự là nơi cung cấp lực lượng cán bộ trẻ cho chiến trường miền Nam và cho các tuyến phòng không xung quanh khu vực Hà Nội. Nhiều thầy giáo trẻ, nhiều sinh viên của Nhà trường đã tình nguyện gia nhập các lực lượng vũ trang ra chiến trường, số ở lại đào hầm trú ẩn, tham gia các tuyến phòng không, các bệ pháo bắn may bay Mỹ tại địa bàn và khu vực xung quanh Hà Nội. Các giảng viên, sinh viên còn lại nỗ lực làm việc gấp đôi, gấp ba thay cho cả những người đi chiến đấu. Cuộc sống của Thầy và Trò trường Đại học Ngoại thương ở nơi sơ tán gặp nhiều khó khăn: bếp ăn tập thể đôi khi thiếu chất đốt, bữa ăn đạm bạc, nhiều khi buổi sáng nhịn đói để lên lớp. Buổi tối thày soạn giáo án, chấm bài, trò học bài dưới ánh đèn dầu hỏa lờ mờ… Mặc dầu vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng tất cả cán bộ, giáo viên và sinh viên Nhà trường đều quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp đội ngũ cán bộ trọng yếu ở giai đoạn này cho đất nước trong lĩnh vực ngoại giao và ngoại thương.

II. Thành lập trường Ngoại thương (nay là trường Đại học Ngoại thương) trên cơ sở chia tách trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương

Cũng vào giai đoạn này, để xây dựng các trường theo hướng đào tạo mang tính chuyên nghiệp và chuyên sâu. Hơn nữa, việc quản lý một trường trực thuộc cả hai Bộ trong hoàn cảnh sơ tán cũng đã gặp không ít khó khăn, phức tạp.Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương, vì vậy, đã được chia tách thành 2 trường độc lập là trường Ngoại thương và trường Ngoại giao với nhiệm vụ và chức năng mới nhằm thực hiện vai trò của mỗi trường trong tình hình mới của đất nước.

Để tiếp tục phát triển theo hướng chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo, và để khắc phục những khó khăn trong quản lý do hoàn cảnh sơ tán, năm 1967, theo Quyết định số 123/CP ngày 14/8/1967 của Hội đồng Bộ trưởng, trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương đã chia tách để trở thành hai trường độc lập. Khoa Ngoại thương được chuyển thành trường Ngoại thương (trực thuộc bộ Ngoại thương), còn khoa Ngoại giao trở thành trường Ngoại giao vẫn trực thuộc bộ Ngoại giao. Tại thời điểm này trường chúng ta chưa được mang danh Đại học Ngoại thương như hiện nay, nhưng trình độ đào tạo cũng đã được công nhận là bậc đại học. Trường Ngoại thương có nhiệm vụ đào tạo cán bộ làm công tác ngoại thương có trình độ đại học và bổ túc cán bộ, nhân viên của ngành lên trình độ đại học.

Việc chia tách trường cũng diễn ra nhanh, gọn vì tài sản nơi sơ tán cũng chẳng nhiều, chủ yếu là giải quyết các vấn đề tổ chức và nhân sự. Theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về việc chia tách trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương thành 2 trường độc lập, toàn bộ cán bộ trước đây mà bộ nào cử đến thì lại trả về trường thuộc bộ đó. Bộ máy quản lý của trường Ngoại thương do Bộ Ngoại thương chỉ đạo thành lập.

Sau khi chia tách thành 2 trường độc lập, Bộ Ngoại thương cũng đã quan tâm hơn tới trường Ngoại thương, đặc biệt về mặt nhân sự. Bộ trưởng Phan Anh và thứ trưởng Lý Ban cũng thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của trường và có những chỉ đạo và hỗ trợ thích hợp.

Về công tác Đảng, ông Nguyễn Quang Phụng được bộ Ngoại thương cử về làm Bí thư Đảng ủy của trường trong khi còn đang là vụ trưởng vụ Tuyên huấn (trong Đảng ủy có các ông Lê Đức Dục, Nguyễn Doãn Đính, Nguyễn Đức Dỵ, Huỳnh Tấn Phát). Ông Nguyễn Quang Phụng làm Bí thư Đảng ủy được 1 năm thì Bộ lại rút về và ông Nguyễn Doãn Đính được cử làm Quyền Bí thư, đến năm 1968 ông Phan Dũng Quý- Phó Tổng giám đốc TCTy Tocontap được Bộ điều động về làm Phó Hiệu trưởng và tại Đại hội Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương đầu tiên ông được bầu làm Bí thư (1968-1970).

Về Ban giám hiệu, Luật sư Lê Văn Ngọ đang là Chủ nhiệm khoa Ngoại thương (1962-1967) được Bộ Ngoại thương bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Phụ trách trường vì lúc mới thành lập trường chưa có hiệu trưởng.

Về các phòng, ban, dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại thương, trường đã thành lập các phòng như: phòng Tổ chức cán bộ và ông Nguyễn Văn Sự đang là phó phòng ở Vụ TCCB, được bộ cử về phụ trách phòng với chức vụ phó phòng (chưa có trưởng phòng, mấy năm sau thì ông được bổ nhiệm trưởng phòng, tới năm 1975 ông chuyển vào Nam); phòng Giáo vụ, Bộ bổ nhiệm ông Doãn Tường Vân làm trưởng phòng; phòng Quản trị-Hành chính Tài vụ, Bộ cử ông Huỳnh Công Lý về làm trưởng phòng.

Về các Khoa, bộ môn, bộ cũng sắp xếp lại gồm: Khoa Nghiệp vụ (gồm 2 tổ bộ môn: Lý luận Ngoại thương và Nghiệp vụ Ngoại thương) do ông Lê Đức Dục là Chủ nhiệm Khoa và ông Nguyễn Doãn Đính là Phó Chủ nhiệm khoa; Khoa Ngoại ngữ (gồm các tổ bộ môn Tiếng Anh, Nga, Pháp và Trung Quốc) do ông Lê Văn Mỹ là Chủ nhiệm khoa, Phó Chủ nhiệm khoa là các ông Nguyễn Xuân Thảo và Nguyễn Xuân Cảnh; Bộ môn Chính trị do ông Lê Duy Hải làm Chủ nhiệm Bộ môn và ông Trương Như Nghiêm là Phó Chủ nhiệm. Ngoài ra, bộ còn thành lập các bộ môn như: bộ môn Kinh tế cơ sở và bộ môn giáo viên Quân sự. Ngoài ra, các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thành niên cũng từng bước được hình thành. Thư ký Công đoàn (Chủ tịch) đầu tiên của trường là ông Doãn Tường Vân (1967-1970) và Bí thư Đoàn trường đầu tiên là ông Hồ Phúc (1967- 1970).

Khi chia tách thành 2 trường, trường Ngoại thương chuyển về xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Tây, còn trường Ngoại giao vẫn ở lại Phổ Yên.

Cuộc chia tay này được thực hiện sau 7 năm cùng chung sống, xây dựng và cùng tồn tại của những con người từng gắn bó với khoa Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Kinh tài (1960-1962) và sau này trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương (1962-1967). Những con người đã từng gắn bó với nhau trong 7 năm, khoảng thời gian khó khăn nhất do vì mọi cái đều phải bắt tay từ đầu và hoạt động ở nơi sơ tán, như cha ông ta từng nói “ Vạn sự khởi đầu nan ”.

Mặc dù cuộc chống Mỹ cứu nước còn gian nan, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ, của Đảng, nhất định ta sẽ thắng lợi, đất nước ta nhất định sẽ thống nhất. Cuộc chia tay này là để chuẩn bị cho đất nước ta bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển mình để phát triển kinh tế, giai đoạn mà sự phát triển kinh tế dần trở hành nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa trong những năm tới, như Điều 9 của Hiến Pháp năm 1959 đã khẳng định : “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến. Mục đích cơ bản của chính sách kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là không ngừng phát triển sức sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.”. Giai đoạn phát triển mới này đòi hỏi các trường đại học phải xây dựng chiến lược đào tạo theo hướng chuyên sâu hơn nhằm cung cấp đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế đất nước.

Với Trường Đại học Ngoại thương, cuộc chia tách này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Trường: Trường Đại học Ngoại thương chuyển từ trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương trực thuộc Bộ Ngoại Giao, sang trường Đại học Ngoại thương hoạt động với tư cách là một trường Đại học và trực thuộc Bộ Ngoại thương. Điều này có nghĩa là vị thế của trường Đại học Ngoại thương đã được nâng cao. Chức năng và nhiệm vụ của nhà trường cũng thay đổi: Không chỉ đào tạo cán bộ mà đào tạo để cấp bằng đại học cho đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực ngoại thương với những yêu cầu mới về chuyên môn, nghiệp vụ…

Chiến lược phát triển và mục tiêu đào tạo của trường Đại học Ngoại thương, sau khi chia tay với “người anh em sinh đôi”, đã được xác định rất rõ. Đó là: “ Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành Ngoại thương nhằm đẩy mạnh hoạt động Ngoại thương nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu với các nước XHCN anh em”.

Mục tiêu, yêu cầu của trường được xác định là: Trường Đại học Ngoại thương có nhiệm vụ đào tạo ra những cán bộ nghiệp vụ Ngoại thương, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, thành thạo ngoại ngữ, có sức khỏe tốt để công tác ở trong nước và cả ngoài nước (12 chữ: Vững Chính trị, giỏi nghiệp vụ, thạo ngoại ngữ, sức khỏe tốt). Thời đó, cũng có chương trình dạy võ thuật cho sinh viên, các môn thể dục và quân sự rất được coi trọng. Để thực hiện mục tiêu này, trường Đại học Ngoại thương đã xây dựng 5 tiêu chí, 5 yêu cầu để đánh giá chất lượng “ đầu ra ” của sinh viên. Nghĩa là, sinh viên Đại học Ngoại thương khi ra trường phải có thể làm việc tốt trong môi trường quốc tế. Muốn thế, họ phải đáp ứng tốt 5 yêu cầu dưới đây:

- Có sức khỏe,

- Trung thành với Tổ Quốc Việt Nam,

- Giỏi ngoại ngữ,

- Giỏi về nghiệp vụ Ngoại thương,

- Am hiểu pháp luật Việt Nam, pháp luật và tập quán thương mại quốc tế.

Nói chung, mục tiêu, yêu cầu đào tạo nói trên là cao so với khả năng mọi mặt của trường ta thời đó, nhưng thấy vẫn cần đề ra để còn phấn đấu về lâu dài. Mục tiêu này đã được Lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ quán triệt, quyết tâm thực hiện trong nhiều năm, cả những năm chiến tranh khó khăn nhất cho đến những năm sau này. Uy tín của Trường Đại học Ngoại thương có được cho đến ngày nay một phần cũng là nhờ việc xác định rõ sứ mệnh và mục tiêu đào tạo của nhà trường khi tách ra để trở thành một trường đào tạo độc lập, chuyên ngành và chuyên sâu, ở bậc đại học; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho ngành Ngoại thương trước đây và cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Về chương trình, kế hoạch đào tạo thời đó quy định theo quy định chung của bộ Đại học, cụ thể, thời gian đào tạo là 5 năm chia làm 10 học kỳ học lý thuyết, tự học và thực tập. Tổng số tiết học tại trường khoảng 4200 tiết học cả khóa, tỷ lệ chia cho các phần như sau: 20% các môn học chính trị; các môn chuyên ngành Ngoại thương 40% và ngoại ngữ 40%. Các môn chính trị chủ yếu có 3 môn: Triết học, Kinh tế- chính trị và Lịch sử Đảng. Các môn nghiệp vụ gồm 2 nhóm: Lý luận ngoại thương (Ngoại thương Việt Nam, Ngoại thương các nước XHCN và Ngoại thương các nước TBCN) và Nghiệp vụ Ngoại thương (Tổ chức Kỹ thuật Ngoại thương, Thanh toán Quốc tế, Vận tải- giao nhận và Bảo hiểm Ngoại thương). Ngoài ra còn có các môn bổ trợ như: Luật áp dụng trong Ngoại thương, Thương phẩm học, Thị trường- Giá cả, Phân tích kinh tế, Địa lý kinh tế Việt Nam và Thế giới…. Trường ta ngay từ khi mới thành lập đã rất coi trọng dạy ngoại ngữ cho sinh viên. Khi còn sơ tán ở Hồng Sơn, Trường Đại học Ngoại thương đã dạy 4 ngoại ngữ (Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc), và khi trở về cơ sở Láng Thượng mở thêm tiếng Nhật do các chuyên gia Đảng Cộng sản Nhật bản cử sang (đầu năm 1973) và thày Nguyễn Ngọc Cảnh, thày Trần Sơn giảng dạy. Nhìn chung, trình độ ngoại ngữ của sinh viên Ngoại thương khá cao và có thể đó là ưu thế và cũng là truyền thống của Đại học Ngoại thương.

Về các hệ đào tạo: thời kỳ đó trường ta chủ yếu tổ chức hệ đào tạo chính quy dài hạn về nghiệp vụ ngoại thương, về sau này có mở một số khóa đại học tại chức và đối tượng tuyển sinh là cán bộ trong ngành Ngoại thương đã có chứng chỉ sơ cấp hoặc trung cấp chính trị và đã biết 1 ngoại ngữ nên chỉ học các môn nghiệp vụ Ngoại thương và lý luận Ngoại thương. Trong những năm 1970 đến 1976 trường có mở đào tạo hệ phiên dịch ngoại thương, nhưng được 7 khóa thì không mở tiếp để tập trung cho chuyên ngành nghiệp vụ Ngoại thương (tăng thời lượng dạy ngoại ngữ cho các khóa nghiệp vụ).

Về phương pháp và phương châm đào tạo, cũng như các trường đại học khác là học phải đi đôi với hành, phải gắn với thực tế để sau này phục vụ cho ngành Ngoại thương. Thực hiện chủ trương này, trường đã triển khai các kế hoạch như sau: dành hẳn 1 học kỳ để sinh viên đi thực tập nghiệp vụ tại các tổng công ty XNK và các đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại thương. Đồng thời cử các giáo viên theo sát sinh viên về các đơn vị đó để hướng dẫn và tự mình thâm nhập thực tế; các giáo viên không có giờ giảng trong học kỳ (thời kỳ này số giờ lên lớp của giáo viên không nhiều vì sinh viên không nhiều, mỗi khóa chỉ khoảng 70-80 sinh viên) sẽ được cử về các tổng công ty XNK làm việc như một cán bộ nghiệp vụ trong công ty. Tuy nhiên, do ngành Ngoại thương Việt nam thời đó chưa thực sự là “buôn bán quốc tế”, theo những luật lệ và luật chơi của thị trường, mà chủ yếu là đi xin và tiếp nhận viện trợ từ các nước XHCN. Xuất, nhập khẩu với vài thị trường TBCN, kim ngạch nhỏ bé chủ yếu qua thị trường Hồng Kông. Vì vậy, nghiệp vụ ngoại thương mà các giáo viên tiếp nhận được từ các công ty XNK cũng không nhiều.

Về nội dung, sách giáo khoa giảng dạy một thời gian dài trường ta sao chép các chương trình của Liên Xô và Trung Quốc, nhưng thực chất là sao chép của Liên Xô vì Trung Quốc thời đó cũng sao chép của Liên Xô. Tài liệu, sách tham khảo quá ít và chủ yếu là sách dịch từ các giáo trình, sách giáo khoa của Liên Xô.

Thi tốt nghiệp có 2 hình thức: thứ nhất, là đối với các sinh viên khá, giỏi (khoảng 15% mỗi khóa) sẽ được viết luận văn tốt nghiệp. Sinh viên có thể đề xuất đề tài luận văn nhưng phải được trường duyệt. Lễ bảo vệ luận văn thường được tổ chức rất trang trọng, có sự tham dự của đại diện văn phòng Bộ Ngoại thương, các Vụ, Cục và một số Tổng công ty XNK. Thứ hai, là thi một số môn Lý luận và Nghiệp vụ Ngoại thương chủ yếu. Tuy nhiên, dù viết luận văn hay thi một số môn thì tất cả sinh viên đều phải thi môn Chính trị và Ngoại ngữ.

Mặc dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn như vậy, nhưng trường Đại học Ngoại thương đã đào tạo và cung cấp cho Nhà nước, cho Bộ Ngoại thương và Ngoại giao hàng loạt đội ngũ các Tham tán thương mại có kinh nghiệm, có trách nhiệm, các cán bộ kinh doanh XNK vừa hồng vừa chuyên làm việc tại các tổng công ty XNK, các cơ quan quản lý và kinh doanh như Hải quan, Ngân hàng, Tài chính, tại cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài qua các thời kỳ, kể cả trong thời kỳ bao cấp, trong giai đoạn Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường mở rộng quan hệ hợp tác thương mại với các nước phát triển cũng như trong giai đoạn mở cửa và tự do hóa thương mại ngày nay. Trong số những cựu sinh viên tiêu biểu của trường Đại học Ngoại thương được đào tạo trong thời chiến tranh đó, nhiều người đã trở thành các cán bộ Ngoại thương chuyên nghiệp đóng góp công sức đáng kể vào sự phát triển của ngành Ngoại thương, nhiều người đã trở thành các Nhà đàm phán thương mại có tầm cỡ quốc tế, để lại ấn tượng tốt và sự nể trọng của các đối tác nước ngoài như ông Đinh Phú Định – Đại sứ Việt Nam bên cạnh EU là Trưởng đoàn Đàm phán Hiệp định khung về hợp tác Việt Nam - EU năm 1992 - 1995 , ông Nguyễn Đình Lương, người đã có gần 20 năm đi đàm phán các Hiệp định thương mại dài hạn và hàng năm với các nước XHCN cũ, là Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Song phương Việt nam - Hoa Kỳ (1996-2000), một Hiệp định khó khăn và phức tạp nhất, Nhà đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO Lương Văn Tự (2000-2005), ông Phan Thế Ruệ Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đầu tư Việt Nam - Nhật bản….

III. Tổ chức đào tạo đại học trong thời kỳ “sơ tán”

Lần thứ 2 trường Đại học Ngoại thương lại đi sơ tán do cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt.Sau khi tách ra khỏi trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương,trường Đại học Ngoại thương sơ tán về Hà Tây. Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương được thành lập ngày 29/11/1967 và trực thuộc trực tiếp Đảng bộ tỉnh Hà Tây và của Đảng đoàn Bộ Ngoại thương.

Xã Hồng Sơn, Mỹ Đức, Hà Tây có 3 thôn: Thượng, Trung và Hạ nằm rải rác cách nhau khoảng vài ba cây số, không có đường lớn chạy qua, ít người các địa phương khác qua lại nên rất kín đáo, đảm bảo bí mật tránh máy bay Mỹ phát hiện oanh tạc. Môi trường thiên nhiên rất tốt, có hồ nước to mà dân địa phương gọi là Hồ Quan Sơn, là nơi trú ngụ của các loại chim trời như mòng, két, vịt trời và cả sâm cầm. Đặc biệt, ốc nhồi rất nhiều và là nguồn cung cấp “dinh dưỡng” dồi dào cho sinh viên Đại học Ngoại thương. Hầu như ngày nào, thày trò trường Ngoại thương cũng khai thác nguồn thực phẩm “trời cho” này. Do có núi, có hồ nên khí hậu ở nơi sơ tán khá mát mẻ, một số cán bộ, giáo viên còn đưa cả gia đình lên nơi sơ tán. Việc cung cấp lương thực tại chỗ và từ Hà Nội lên cũng không quá khó, nhưng nhìn chung hầu như tất cả cán bộ, giáo viên và sinh viên cũng đều phải sống nhờ dân, ở với nhà dân, cũng có nơi do dân quá nghèo, nhà chật hẹp nên trường phải tự dựng nhà để làm việc và ở. Nhà cửa, hội trường, lớp học, nhà ăn… chỉ dựng bằng tranh, tre, nứa, lá nên chỉ khoảng 1 tháng là các công việc đã hoàn thành, ổn định và trường đi vào hoạt động theo đúng chương trình, kế hoạch.

Được sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn bộ Ngoại thương, sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Hà Tây, Đại hội Đảng bộ lần thứ Nhất của trường Đại học Ngoại thương đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí và đồng chí Phan Dũng Quý được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội nhận định rằng, việc thành lập trường Ngoại thương và chuyển đến địa điểm mới trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh có nhiều khó khăn:

- Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (chống chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân của Mỹ) đã bước sang năm thứ 3 vô cùng ác liệt;

- Bộ máy quản lý của trường chưa được củng cố, cán bộ, giáo viên thiếu và yếu;

- Cơ sở vật chất của trường hết sức thiếu thốn….

Trong một thời gian rất ngắn, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong di việc chuyển đến nơi sơ tán, nhưng được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, với sự cố gắng của tất cả cán bộ, giáo viên và sinh viên, trường Đại học Ngoại thương đã đạt được một số thành tích nhất định, trong đó:

- Đã sớm ổn định cuộc sống của cán bộ, giáo viên và sinh viên trong hoàn cảnh mới;

- Bằng nội lực của mình với sự giúp đỡ tích cực của địa phương, nhà trường đã xây dựng được nơi ăn, chốn ở, địa điểm giảng dạy và học tập cho Thầy và Trò một cách kịp thời;

- Giáo viên và Sinh viên tích cực tham gia lao động tại nơi sơ tán nhằm tự túc có thêm lương thực (ngô, khoai, sắn…) để cải thiện bữa ăn hàng ngày như trồng lúa, trồng rau, trồng sắn, chăn nuôi…

- Quan hệ với nhân dân ở địa phương tốt, được nhân dân yêu thương giúp đỡ;

- Đã thực hiện kế hoạch giảng dạy năm học 1967 – 1968.

Đại hội lần thứ Nhất cũng đã nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá rằng chất lượng của Đảng bộ chỉ xếp vào loại trung bình, vẫn còn tư tưởng cá nhân chủ nghĩa dẫn đến một vài mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, bộ máy quản lý của nhà trường còn sộc sệch, cơ sở vật chất của nhà trường còn nghèo nàn, cán bộ và giáo viên vừa thiếu vừa yếu, chương trình đào tạo về cơ bản là sao chép ..vv. Sau khi phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan của những yếu kém nêu trên, Đảng bộ nhiệm kỳ thứ Nhất đã xác định mục tiêu phấn đấu của nhà trường trong nhiệm kỳ tiếp theo là :

- Quyết tâm xây dựng Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương thành Đảng bộ 4 tốt và trường ta trở thành trường Đại học tiên tiến;

- Hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của năm học 1968 – 1969 trong bất kỳ tình huống nào;

- Chuẩn bị cơ sở vững chắc cho những năm tiếp theo.

Cũng trong năm 1968, lần đầu tiên trường Đại học Ngoại thương có Hiệu trưởng là Luật sư Lưu Văn Đạt.

Tháng 09 năm 1969 Đại hội Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương lần thứ II đã được tổ chức. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 12 đồng chí và đồng chí Phan Dũng Quý tiếp tục giữ cương vị Bí thư Đảng ủy. Nhằm góp phần tích cực vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ vào đặc điểm của Nhà trường, Đại hội Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương lần thứ II đã đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện kế hoạch giảng dạy của toàn trường, vì vậy, Nghị quyết Đại hội đã khẳng định lấy nhiệm vụ giảng dạy và học tập làm nhiệm vụ chính, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học mới với chất lượng và kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, nhiệm vụ ổn định mọi hoạt động tại nơi sơ tán và nhiệm vụ sớm hoàn thành việc tách cơ sở vật chất giữa 2 trường tại Láng cũng được đặc biệt chú trọng. Đến cuối năm 1970, sau khi Bộ Ngoại thương rút ông Phan Dũng Quý trở lại công tác tại Bộ, ông Nguyễn Tâm- trưởng phòng tuyên truyền báo chí của Bộ Ngoại thương được điều về làm Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Hiệu trưởng (1971-1976).

Để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên, nhà trường đã củng cố bộ máy và thành lập các khoa giảng dạy. Khoa Nghiệp vụ Ngoại thương chính thức được thành lập (nay là Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế). Tiếp theo là Khoa Ngoại ngữ (đào tạo tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc). Công tác giảng dạy bắt đầu được đẩy mạnh trên cơ sở tăng quy mô và loại hình đào tạo. Từ cuối năm 1969 quy mô tuyển sinh hệ chính quy tăng từ 50 sinh viên (là chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi năm trước đó) lên 75 – 100 sinh viên cho mỗi khóa. Ngoài ra, nhà trường còn tuyển sinh các lớp bồi dưỡng cán bộ ngắn hạn về nghiệp vụ kinh doanh XNK, các lớp tại chức…

Tháng 11 năm 1970 Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ III đã được tiến hành và bầu ra Ban chấp hành gồm 12 đồng chí và đồng chí Nguyễn Tâm được bầu làm Bí thư đảng ủy nhà trường. Ông Nguyễn Tâm đã có nhiều đóng cho sự phát triển của trường trong giai đoạn này và đến năm 1976 thì chuyển về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Từ giữa năm 1968, Đế quốc Mỹ tạm dừng ném bom từ vĩ tuyến 18 trở ra, mọi hoạt động ở các tỉnh không bị ném bom trở lại bình thường. Nhưng tới cuối năm 1971, tình hình đàm phán 4 bên tại Pari không tiến triển, để gây sức ép đối với Hà Nội Mỹ lại tiếp tục ném bom trở lại miền Bắc với quy mô và cường độ ác liệt hơn. Mỹ dùng B52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực trọng điểm của miền Bắc. Đời sống cán bộ, giáo viên, sinh viên rất khó khăn, Nhà trường đã tìm đủ mọi cách để tự cải thiện đời sống cho thày và trò, như chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất magi, bao bì cho hàng xuất khẩu....

Học tập mô hình của “Trường thanh niên xã hội chủ nghĩa Hòa Bình”, cộng với mối quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo 2 trường, từ năm 1972 trường triển khai cho một số khóa lên Lương Sơn, Hòa Bình khai hoang trồng sắn và nuôi bò. Khóa 12 là khóa đầu tiên và sau đó là các sinh viên khóa 13 được đưa đi thực hiện chủ trương trên của nhà trường theo mô hình vừa học vừa làm. Đi cùng sinh viên là các giáo viên trong Ban chỉ huy trại chăn nuôi, trồng sắn. Các thày giáo vừa cùng sinh viên sản xuất tăng gia, vừa trực tiếp giảng dạy (mỗi Ban chỉ huy gồm khoảng 6- 6 giáo viên). Tại nơi “nông trường” nuôi bò và trồng sắn này, nhà trường phải xây dựng toàn bộ cơ sở vật chất đảm bảo cho mọi sinh hoạt và hoạt động đào tạo bằng cách huy động sinh viên đi chặt tre, nứa làm nhà. Các khu nhà ở, giảng đường, nhà làm việc, nhà bếp được làm bằng các loại tre, nứa, lá của núi rừng Hòa Bình và nằm rải rác trên các sườn đồi cạnh các nhà sàn của người Mường. Hai năm đầu, đất rừng vừa khai phá rất mầu mỡ nên năng suất trồng sắn khá cao, nhưng dần dần, đất bạc mầu, năng suất giảm nên phải chuyển lên vùng xa hơn canh tác. Trại bò ở Lương Sơn đã đủ cung cấp thịt cho cán bộ, giảng viên và cải thiện đời sống cho sinh viên. Cứ mỗi dịp Tết hay ngày Quốc Khánh, trường lại thịt vài ba con để chia cho cán bộ, giáo viên mỗi người dăm ba lạng thịt, và tổ chức bữa ăn tươi tất niên cho sinh viên.

Ngày 5 và 6 tháng 2 năm 1972 Đại hội Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương lần thứ IV được tổ chức tại nơi sơ tán. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 11 đồng chí và đồng chí Nguyễn Tâm được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội được tiến hành trong hoàn cảnh miền bắc và thủ đô Hà Nội chuẩn bị cho một thời kỳ vô cùng gian khổ do các cuộc oanh tạc bằng các máy bay ném bom chiến lược B 52 của Mỹ. Đại hội đã xác định các phương án hoạt động của trường trong thời kỳ này là sẵn sang đối phó với các tình huống xấu nhất có thể xẩy ra, nhưng dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo hoạt động đào tạo theo đúng kế hoạch. Cán bộ và sinh viên trường Đại học Ngoại thương đã tích cực tham gia các hoạt động phục vụ chiến tranh, như đào bom, cứu thương, giải phóng hàng hóa nhập khẩu tại các kho hàng ở cảng Hải Phòng và ga Yên Viên, ga Đồng Đăng, Lạng Sơn...

Trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Thủ đô vào những ngày cuối tháng 12/1972, đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi lại vào bàn đàm phán và ký vào bản Hiệp định Pari. Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ trên lãnh thổ miền Bắc chấm dứt. Nhưng Thủ đô Hà Nội, nhiều thành phố lớn đã bị tàn phá nặng nề. Cả nước lại bắt tay vào khôi phục và tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho tới thắng lợi hoàn toàn.

Trong lịch sử xây dựng và phát triển của trường Đại học Ngoại thương không thể không nhắc tới một sự kiện, đó là, trực thuộc Bộ Ngoại thương trong thời kỳ này gồm có các trường: trường Ngoại thương được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ ngành Ngoại thương bậc đại học; trường Cán bộ Ngoại thương được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ ngành Ngoại thương và Hải quan trình độ trung học (Trường Cán bộ Ngoại thương lúc này sơ tán tại Tam Dương, Vĩnh Phúc và còn gọi là trường Nguyễn Văn Trỗi) và trường Bổ túc văn hóa tập trung có nhiệm vụ bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ trong ngành để chuẩn bị thi tuyển vào học trường Đại học Ngoại thương (trường này sơ tán tại Hồng Sơn, Thường Tín, Hà Tây và Văn Lâm, Hưng Yên). Để tập trung quản lý và đào tạo cán bộ cho ngành Ngoại thương, Bộ đã quyết định hợp nhất 3 trường thành trường Đại học Ngoại thương theo Quyết định số 663-BNgT/TCCB, ngày 21/9/1972. Như vậy, tên Trường Đại học Ngoại thương được gọi chính thức bằng văn bản (Quyết định của Bộ) là từ thời điểm này. Nhưng bản chất của cuộc hợp nhất này, phải được hiểu cho đúng là Bộ Ngoại thương giải tán 2 trường kia và chuyển một số cán bộ, giáo viên mà Bộ không bố trí công tác khác được vào biên chế của trường Đại học Ngoại thương.

Tháng 11 năm 1973 Đại hội Đảng bộ lần thứ V được tổ chức tại Hà Tây dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh ủy Hà Tây và Đảng đoàn Bộ Ngoại thương. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 13 đồng chí và đồng chí Nguyễn Tâm tiếp tục được bầu làm Bí thư. Tình hình của trường trong thời gian này cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt công tác sản xuất, chăn nuôi để cải thiện đời sống cho cán bộ, giáo viên và sinh viên trong hoàn cảnh tiếp tục phải sơ tán.

Hòa bình được trở lại miền Bắc, trường Đại học Ngoại thương trở về cơ sở của mình. Tháng 10 năm 1974, Đại hội Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương lần thứ VI được tổ chức tại Hà Nội. Đây là đại hội lần đầu tiên được thành ủy Hà Nội trực tiếp chỉ đạo kể từ khi thành lập trường và cũng là đại hội cuối cùng của Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đại hội đã bầu ra được Ban chấp hành gồm 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tâm là Bí thư Đảng ủy. Các vấn đề quan trọng của trường ta trong năm này cũng được Đại hội đề cập như công tác chính trị tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, chuyên môn, đoàn thể... Đại hội cũng đề ra mục tiêu, phương hướng phát triển trường khi chiến tranh kết thúc.

IV. Tổ chức đào tạo đại học trong thời kỳ thống nhất đất nước

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hoàn toàn thắng lợi. Chiến tranh kết thúc. Nước Việt Nam trở thành Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Ngày 6 tháng 12 năm 1975 Đại hội Đảng bộ lần thứ VII đã khai mạc tại Hà Nội và Ban Chấp hành Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương khóa 7 đã được bầu gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tân giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.

Đảng ủy nhiệm kỳ thứ VII đã xác định rất rõ mục tiêu của trường Đại học Ngoại thương trong giai đoạn mới, đã khẳng định rằng mục tiêu của nhà trường là nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, phấn đấu đi lên chính quy hiện đại, lãnh đạo trường đại học Ngoại thương trở thành trường Đaị học chính quy, hiện đại, tiên tiến. Đất nước ta đã chuyển sang xây dựng kinh tế hòa bình, cần phải chú trọng vào phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu. Sự phát triển kinh tế, sự gia tăng xuất khẩu đóng vai trò quyết định trong cuộc xây dựng thành công CNXH, vì vậy, nội dung giảng dạy phải thay đổi, phải tăng cường kiến thức thực tế của ngành, tăng cường kiến thức về nghiệp vụ XNK. Trường Đại học Ngoại thương từ giờ trở đi có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ Ngoại thương cho cả nước, nên quy mô tuyển sinh sẽ tăng lên, nhiệm vụ của nhà trường sẽ nặng nề.

Trường Đại học Ngoại thương cần phải có sự thay đổi cơ bản về môi trường đào tạo, về chương trình đào tạo, về đội ngũ, về cung cách làm việc… thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho toàn ngành trong giai đoạn mới. Cụ thể, nhiệm vụ ưu tiên số một của Trường Đại học Ngoại thương trong giai đoạn này là phải nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, giáo viên phải tích cực nâng cáo trình độ, gắn lý luận với thực tiễn của ngành và đã xây dựng chiến lược đào tạo dài hơi đội ngũ giáo viên của nhà trường.

Thực hiện chiến lược này, cuối năm 1975, nhiều sinh viên được đào tạo và tốt nghiệp ở các trường đại học thuộc các nước XHCN như Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc… đã được tuyển dụng làm cán bộ giảng dạy của nhà trường; Nhiều giáo viên được cử đi học tập dài hạn, ngắn hạn ở nước ngoài… Sinh viên được bố trí đi thực tập tại các tổ chức Ngoại thương khắp cả nước để gắn lý luận với thực tiễn; Chương trình đào tạo được đổi mới theo hướng tăng cường thêm thời lượng học ngoại ngữ, thời lượng học các môn nghiệp vụ chuyên sâu.

Những thay đổi này đóng vai trò quan trọng trong việc từng bước đưa trường Đại học Ngoại thương trở thành một trong những trường đại học tiên tiến trong cả nước và là trường đại học đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về kinh tế đối ngoại của đất nước. Trong thời kỳ này, chỉ tiêu tuyển sinh không ổn định, ngoài sinh viên Việt Nam hàng năm còn có một số sinh viên Lào học theo chế độ học bổng được thỏa thuận giữa 2 chính phủ.

Tháng 9 năm 1976, hơn một năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, các tỉnh phía Nam thiếu trầm trọng cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu, Nhà trường đã quyết định cho toàn thể Khóa 13 vào Nam thực tập cuối khóa. Gần 100 sinh viên Khóa 13 đã vào công tác tại các công ty xuất nhập khẩu của các tỉnh: Đà Nẵng, Nghĩa Bình (Đảo Lý Sơn), Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai – Kontum, thành phố Hồ Chí Minh,…, để hỗ trợ các tỉnh trên làm công tác ngoại thương. Thời gian thực tập cuối khóa của Khóa 13 đã kéo dài gần 1 năm, dài nhất trong lịch sử thực tập của trường Đại học Ngoại thương.

Trong giai đoạn này, trường Đại học Ngoại thương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ phục vụ cho xây dựng đất nước sau chiến tranh, hàng năm được Nhà nước giao cho trường Đại học Ngoại thương chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 100-150 chỉ tiêu, cá biệt năm 1978 chỉ tiêu tuyển sinh lên 245 sinh viên. Số sinh viên đầu vào có điểm thi tuyển sinh cao. Chương trình đào tạo tiếp tục được đổi mới nhằm thích ứng với điều kiện thị trường thế giới. Nhà trường thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng không ngừng nhu cầu ngày càng cao của đội ngũ cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại. Song song với công tác đào tạo, Nhà trường còn làm tốt công tác nâng cao đời sống của cán bộ công nhân viên chức. Nhà trường có nông trường chăn nuôi bò lấy thịt và trồng sắn tại Hòa bình. Với xưởng magi và nông trường tại Hòa bình đã góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong thời kỳ đất nước khó khăn. Để giảm bớt những khó khăn cho cán bộ công nhân viên và sinh viên, Nhà trường đã tổ chức sản xuất hộp cao sao vàng để xuất khẩu, gia công mành trúc xuất khẩu và làm giấy, rồi có thời gian còn tổ chức cấy lúa lấy thóc chia cho cán bộ công nhân viên, tuy nhiên do không chuyên nghiệp nên các hoạt động này chỉ diễn ra trong một số năm nhất định mà thôi. Mặc dù không nhiều nhưng các hoạt động này đã góp phần quan trong trong việc cải thiện đời sống cuả cán bộ, giáo viên và sinh viên, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian khó khăn nhất của Trường. Cơ cấu tổ chức Nhà trường ở thời kỳ này ngoài các khoa phòng như các trường Đại học khác nhà trường còn có 1 Xưởng trường, một bộ phận quản lý nông trường chăn nuôi và trồng sắn tại Hòa bình.

Bộ Ngoại thương đã có chủ trương về mô hình phát triển cho trường Đại học Ngoại thương trong tương lai: theo chủ trương này, Bộ muốn xây dựng trường Đại học Ngoại thương thành một trường vừa học vừa lao động sản xuất theo mô hình “Trường Thanh niên Xã hội Chủ nghĩa Hòa Bình”. Theo mô hình này, sinh viên trường Đại học Ngoại thương bình thường học ½ ngày, trồng sắn, nuôi bò ½ ngày, còn nếu đến mùa vụ thì lao động cả ngày, học buổi tối. Tuy chủ trương đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng trường ta cũng có cả một khu vực trồng sắn ở Lương Sơn và một trại nuôi bò ở xã Hoa Sơn, Hòa Bình.

Ngoài việc đào tạo và nghiên cứu khoa học, cán bộ giáo viên và sinh viên nhiều thế hệ đã tham gia lao đông công ích chỉnh trang thành phố Hà nội như nạo vét sông Tô lịch, đào hồ Thành công. Hòa bình chưa được lâu thì 2 cuộc chiến tranh biên giới lần lượt nổ ra, Nhà trường lại chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, hàng năm có hàng trăm sinh viên, giáo viên và cán bộ vào bộ đội tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở nhiều mặt trận khác nhau. Trường đã huy động hàng trăm sinh viên đi đào phòng tuyến sông cầu bảo vệ thủ đô Hà nội, tham gia vào huấn luyện sỹ quan dự bị và hưởng ứng đợt tổng động viên nhập ngũ, hàng trăm sinh viên Đại học Ngoại thương cùng với sinh viên Đại học Tổng hợp thành lập một tiểu đoàn pháo binh bảo vệ thủ đô và đã tham gia huấn luyện tại trường pháo binh Sơn tây 3 tháng. Sau khi Trung quốc rút quân về nước thì tiểu đoàn này giải tán, trở về Trường học tiếp. Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, đất nước bị các thế lực thù địch quốc tế bao vây cấm vận, nền kinh tế giảm sút trầm trọng dẫn đến việc đầu tư cho giáo dục ngày càng eo hẹp, chỉ tiêu tuyển sinh giảm đáng kể có năm chỉ được tuyển 23 sinh viên và cá biệt có năm đã không được nhà nước giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Cùng với công tác đào tạo và tham gia vào các hoạt động xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trường Đại học Ngoại thương đã tích cực đẩy mạnh công tác quy hoạch và xây dựng cở sở vật chất. Trong thời kỳ này với kinh phí hàng năm của Nhà nước cấp, Nhà trường đã thiết kế và xây dựng tòa nhà Đa năng 5 tầng (Nhà B) vừa làm phòng học vừa thêm phòng làm việc. Tham gia vào công tác xây dựng, Nhà trường đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, giáo viên và sinh viên tham gia lao động ở công trình Nhà B một cách an toàn và có hiệu quả. Sau khi khánh thành tòa Nhà B, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của nhà trường đã được cải thiện một bước. Việc đưa tòa nhà 5 tầng vào khai thác đã thay thế toàn bộ các nhà cấp 4 để lại từ thời trước.

Trong bối cảnh chung như vậy, các kỳ Đại hội Đảng bộ tiếp theo được tổ chức theo đúng quy định và thời gian để đưa ra những quyết sách và bầu BCH mới (theo quy định từ Đại hội khóa I tới khóa VIII, Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương mỗi năm tổ chức đại hội 1 lần). Đại hội lần thứ VIII được tổ chức ngày 30/10/1976 và đồng chí Nguyễn Tâm lại được bầu làm Bí thư (Ban chấp hành gồm 11 người); Đại hội lần thứ IX tổ chức vào năm 1980 và đồng chí Nguyễn Doãn Đính – Quyền Hiệu trưởng, được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Trong thời gian này, Đảng bộ trường Đại học Ngoại thương trực thuộc trực tiếp Quận ủy Đống Đa (lúc đầu trực thuộc trực tiếp Thảnh Ủy Hà Nội).

Những năm 80 của thế kỷ XX là những năm đất nước ta trải qua một thời kỳ hết sức khó khăn về kinh tế - xã hội và quan hệ quốc tế. Một số nước tạm ngừng các quan hệ với Việt Nam sau khi Việt Nam đưa quân đội vào Campuchia giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi bọn diệt chủng Ponpot. Do đó, quan hệ đối ngoại của Việt Nam lúc này chủ yếu với Liên Xô và các nước trong Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV), nhưng bản thân các nước này cùng có những thay đổi nghiêm trọng trong chính sách nói chung, và chính sách đối ngoại nói riêng. Và những thay đổi đó ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động Ngoại thương Việt Nam. Sau chiến tranh, nền kinh tế Việt Nam từng bước chuyển từ mô hình kế hoạch tập trung, quan liêu bao cấp sang mô hình năng động hơn. Chủ trương xóa bỏ bao cấp (bỏ tất cả các loại tem phiếu, bỏ chế độ phân phối) là đúng nhưng thời gian đầu gặp rất nhiều trở ngại và tạo ra tâm lý hoang mang trong nhân dân, đặc biệt là cán bộ, công nhân viên Nhà nước. Nhiều chính sách thử nghiệm đều chưa mang lại kết quả mong muốn (giá- lương- tiền, bù giá vào lương, đổi tiền…) và hậu quả là nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội tồi tệ nhất trong lịch sử. Lạm phát “phi mã”, mức lạm phát trên 700%, làm cho đồng lương của cán bộ, giáo viên trở nên vô nghĩa, tâm lý hoang mang lo lắng cho cuộc sống hiện tại khá phổ biến trong quần chúng nhân dân. Một số cán bộ- giáo viên không an tâm với công việc của mình, có người đã tìm cách ra khỏi trường để về làm ở các đơn vị có điều kiện tăng thu nhập hơn. Trong ngành Ngoại thương khi đó đã truyền tụng câu ca:”Nhất Tổng, Nhì Bộ, khốn khổ về Trường” (Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương được về công tác tại các Tổng công ty XNK là tốt nhất, nhì là được điều về công tác ở Văn phòng Bộ Ngoại thương, còn nếu phải ở lại làm giảng viên ở Trường thì khốn khổ). Nhiều cán bộ, giảng viên, kể cả những người đã có chức sắc cũng tìm cách chuyển công tác về Văn phòng Bộ và các đơn vị kinh doanh XNK trực thuộc Bộ Ngoại thương. Tất cả những cái đó đã ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của Nhà trường. Đại hội Đảng bộ trường Đại học lần thứ X đã được triệu tập trong hoàn cảnh đó. Đại hội tiến hành trong 2 ngày (ngày 29 và 30 tháng 10 năm 1982). Đại biểu tham dự có ông Nguyễn Tu – thứ trưởng Bộ Ngoại thương và đại diện Quận ủy Đống Đa. Đây cũng là kỳ Đại hội Đảng bộ cuối cùng trường Đại học Ngoại thương trực thuộc Bộ Ngoại thương. Sau khi phân tích, đánh giá nghiêm túc những khuyết điểm và tồn tại, Đại hội đã đề ra những phương hướng và biện pháp khắc phục. Trước mắt, tìm mọi cách để cải thiện đời sống và điều kiện làm việc của cán bộ, giáo viên, quan tâm hơn tới chất lượng đào tạo, tăng cường công tác quản lý sinh viên. Chú trọng hơn nữa công tác tư tưởng và xây dựng đội ngũ, coi công tác xây dựng Đảng là cốt lõi…. Tại Đại hội này TS. Nguyễn Văn Trung được bầu làm Bí thư Đảng ủy.

Năm 1984, đánh dấu mốc chuyển quan trọng đối với trường Đại học Ngoại thương. Theo quyết định của Thủ tướng chính phủ, trường Đại học Ngoại thương chuyển từ Bộ Ngoại thương sang trực tiếp quản lý của Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trong thời kỳ trường Đại học Ngoại thương còn trực thuộc Bộ Ngoại thương, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cũng đã gián tiếp quản lý trường theo quy chế chung đối với một trường đại học, nhưng từ năm 1984 Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trực tiếp quản lý trường ta về mọi mặt. Ngay sau khi chuyển sang Bộ Đại học và THCN, Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ và Thứ trưởng Mai Hữu Khuê đã về làm việc với trường để nắm bắt tình hình và đã có nhiều chính sách hỗ trợ trường phát triển và tháo gỡ những khó khăn.

Từ khi chuyển sang Bộ chủ quản mới, trường Đại học Ngoại thương cũng có nhiều thay đổi. Trước hết, Bộ Đại học và TNCH đã dành cho trường quyền chủ động trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức, nhân sự và bổ nhiệm, đề bạt các chức danh trưởng, phó phòng, khoa… Việc sắp xếp giáo viên, chánh phó chủ nhiệm khoa, BGH vào khung, bậc của ngành đại học được thực hiện cũng giảm bớt sự thiệt thòi cho họ như khi trường còn trực thuộc Bộ Ngoại thương. Bộ Đại học cũng quan tâm và khuyến khích cho các giáo viên đi học tập, nghiên cứu sinh ở nước ngoài, thường xuyên xét phong học hàm cho giảng viên. Và sau một thời gian đồng chí Q.Hiệu trưởng Nguyễn Doãn Đính mới chính thức cử làm Hiệu trưởng. Công tác tuyển sinh vào trường tiến hành theo chế độ quốc gia, một vài yêu cầu đặc thù của Ngành Ngoại thương (như không tuyển nữ, không tuyển học sinh chưa là đoàn viên…) từng bước bãi bỏ. Về cơ sở vật chất, mặc dù Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quản lý hàng trăm trường nên việc quan tâm giúp đỡ phát triển cơ sở vật chất có hạn, nhưng cũng đã cấp kinh phí xây dựng nhà học và làm việc khu 5 tầng khá quy mô. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình của Nhà trường cũng từng bước được cải thiện, cán bộ - giảng viên cũng đã yên tâm công tác hơn, chất lượng đào tạo ngày càng tốt hơn.