Sidebar

Magazine menu

18
Thu, Apr

Trường Đại học Ngoại thương tổ chức thành công Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục Đại học (FIHE) lần thứ 4 năm 2020

Hợp tác quốc tế

Là sáng kiến của Trường ĐHNT, Diễn đàn quốc tế hóa giáo dục đại học đã được tổ chức thường niên từ năm 2017 tới nay.

Tiếp nối thành công của các lần tổ chức trước đây, ngày 05/11/2020, Trường ĐHNT tiếp tục tổ chức Diễn đàn lần thứ tư với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác giáo dục đại học xuyên biên giới trong bối cảnh bình thường mới”. Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt hậu Covid 19, do vậy lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức theo hình thức kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Đây cũng là một trong các sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng 60 năm thành lập Trường ĐHNT (1960 - 2020). Diễn đàn năm nay có sự tham dự của các diễn giả: Ông Toshiyuki Matsumoto - Trưởng Ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và GS Yoo Taek Lee - Hiệu trưởng Trường Endicotte, ĐH Woosong (Hàn Quốc) cùng đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các trường đại học trong và ngoài nước. Về phía trường ĐHNT có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch HĐT, PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng, ThS. Đào Thị Thu Hà - PTP PTP HTQT, lãnh đạo các đơn vị cùng cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh năm 2020 đánh dấu sự khởi đầu của thập kỷ mới với các diễn biến phức tạp ảnh hưởng và tác động đến tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó, đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi phương thức hoạt động toàn cầu. Hoạt động hợp tác và quốc tế hóa tại các cơ sở giáo dục đại học cũng không nằm trong ngoại lệ. Để thích ứng với bối cảnh “bình thường mới”, các ý tưởng và mô hình hợp tác mới giữa các cơ sở giáo dục đại học đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Việc ứng dụng sáng tạo, linh hoạt công nghệ thông tin, số hóa giúp cho sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn hiện nay được diễn ra liên tục theo xu hướng mới.

Diễn đàn gồm 2 phiên thảo luận với chủ đề: "Nhìn nhận lại quốc tế hóa giáo dục đại học trong bối cảnh "bình thường mới" và "Hành động của các cơ sở giáo đại học thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới trong bối cảnh mới" với 2 tham luận dẫn đề của 2 diễn giả chính: "Giáo dục đại học trong bối cảnh Covid-19 và vai trò của UNESCO" - Ông Toshiyuki Matsumoto, Trưởng Ban Giáo dục, UNESCO Việt Nam và "Vận hành lớp học trực tuyến trên nền tảng hợp tác xuyên biên giới trong bối cảnh bình thường mới: Cơ hội và Thách thức từ kinh nghiệm phát triển chương trình “Nano-PAMS” - GS. Yoo Taek Lee – Hiệu trưởng Trường JWKIM, ĐH Woosong, Hàn Quốc

Các tham luận tại Diễn đàn đã làm rõ nhiều nội dung, để ứng phó với các thách thức và nắm bắt cơ hội trong giai đoạn “bình thường mới”, các ý tưởng về liên minh hoặc mạng lưới hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Việc ứng dụng sáng tạo, linh hoạt công nghệ thông tin, số hóa giúp cho sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn hiện nay được diễn ra liên tục theo xu hướng mới.

Diễn đàn đã đạt được mục tiêu cùng tìm hiểu, thảo luận và chia sẻ: Những cơ hội và thách thức trong việc phát triển bền vững mối quan hệ hợp tác xuyên biên giới giữa các cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn đại dịch Covid-19; Cách ứng phó với các thách thức và nắm bắt cơ hội trong giai đoạn “bình thường mới” nhằm xây dựng các mối quan hệ liên minh hoặc mạng lưới hợp tác.

Đó là những bài học kinh nghiệm được áp dụng trong hoạt động quốc tế hóa giáo dục trong bối cảnh hiện nay; Cách thức chuyển giao tri thức và hoạt động đổi mới sáng tạo được áp dụng trong hoạt động quốc tế hóa giữa các cơ sở giáo dục đại học; Các khuyến nghị về chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác xuyên biên giới của các cơ sở giáo dục.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, PGS, TS Phạm Thu Hương khẳng định với mong muốn tạo ra một diễn đàn mở cho các đại biểu tham dự có cơ hội trao đổi, thảo luận về các vấn đề hợp tác giáo dục đại học xuyên biên giới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen hậu Covid-19, diễn đàn hy vọng đã mang tới một luồng gió mới đưa chúng ta đến gần nhau hơn để cùng tìm ra một tiếng nói chung, đề xuất nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo nhằm thích nghi với điều kiện mới, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xu hướng quốc tế hóa giáo dục đang diễn ra tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Tuyên bố chung của Diễn đàn khẳng định: "Thế giới đang thay đổi, văn hóa làm việc và giao tiếp cũng đang thay đổi và các cách thức hợp tác cũng thay đổi theo. Chưa ai có thể đoán trước được khi nào đại dịch Covid 19 mới kết thúc. Điều này khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với nhau để hạn chế sự lây lan của vi rút và tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất. Chúng tôi - với tư cách là các trường đại học với sứ mệnh sáng tạo, chuyển giao tri thức và phổ biến các giá trị cộng đồng sẽ cần phải là người tiên phong đón nhận thách thức và dẫn đầu những thay đổi. Chúng tôi - với tư cách là các đại biểu đến từ các tổ chức và trường đại học hàng đầu đã phân tích, thảo luận và đưa ra các phương pháp tiếp cận và cải cách giáo dục mới. Từ đó, chúng tôi sẽ hành động theo các định hướng cụ thể:

- Thúc đẩy chuyển đổi từ phương thức học tập truyền thống sang phương thức học trực tuyến. Học tập kết hợp cho phép chúng ta linh hoạt và chủ động hơn để phản ứng với các tình huống bất ngờ. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chương trình trao đổi quốc tế thông qua việc cùng nhau thiết lập các nền tảng trực tuyến.

- Mở rộng quan hệ hợp tác xuyên quốc gia, thúc đẩy công nhận lẫn nhau giữa các trường đại học, tạo ra hệ sinh thái mới sẽ là giải pháp khả thi cho sự dịch chuyển của người học trong bối cảnh “bình thường mới”.

- Đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học trong bối cảnh “bình thường mới” đóng vai trò rất quan trọng, các cơ sở giáo dục đại học cần xem xét cách tiếp cận hệ thống cân bằng, tập trung vào hỗ trợ người học, các khía cạnh sư phạm và quản lý, tiến tới một cách tiếp cận dựa trên hiệu suất cao hơn và thúc đẩy văn hóa chất lượng và cải tiến liên tục. Đây chắc chắn là yêu cầu đối với bất kỳ sự hợp tác chặt chẽ nào giữa các trường đại học trong bối cảnh "bình thường mới".

- Truyền thông nhanh chóng và kịp thời những thay đổi trong quá trình thích ứng với tình huống bất ngờ sẽ là giải pháp hiệu quả để duy trì và tăng cường hợp tác xuyên quốc gia.

- Tiếp tục thực hiện 4 trụ cột của giáo dục thế kỷ XXI (do UNESCO đề xuất): học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình.

Trên hết, chúng ta cần phải luôn thích nghi và đổi mới, quan trọng hơn là chúng ta phải tăng cường sự đoàn kết, hợp tác và luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Sự kết hợp của các sáng kiến khác nhau mang lại niềm tin và hy vọng lớn rằng chúng ta có nhiều khả năng thành công hơn bao giờ hết trong việc nắm bắt các cơ hội thúc đẩy các quan hệ đối tác. Chúng ta tin tưởng rằng bằng cách làm việc cùng nhau và giữ vững tinh thần của mình, chúng ta sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn để vượt qua đại dịch Covid 19 hoặc bất kỳ thách thức nào khác trong tương lai."

 

PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc Diễn đàn 

 

  Các diễn giả trình bày các tham luận tại diễn đàn

Các diễn giả trình bày các tham luận tại diễn đàn

PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu bế mạc Diễn đàn