Sidebar

Magazine menu

18
Thu, Apr

Hội thảo Đối thoại Giáo dục Toàn cầu 2016 (Global Education Dialogue)

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 16/6/2016, trong khuôn khổ Đối thoại Giáo dục Toàn cầu (Global Education Dialogue – GED2016) do Hội đồng Anh và Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh,

PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương đã có bài thuyết trình với chủ đề “Đưa tri thức quản trị vào thực tiễn: Bài học kinh nghiệm từ hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại thương và Công ty Rạng Đông”.

Trong bài thuyết trình của mình, PGS, TS Bùi Anh Tuấn khẳng định sự cần thiết của hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của cả doanh nghiệp và các trường đại học. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong và ngoài nước chỉ ra rằng, nếu như hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ tương đối phổ biến thì hợp tác trong lĩnh vực khoa học xã hội còn khá hạn chế.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn cũng đã  khái quát mô hình và quá trình hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại Thương và Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã khởi đầu và phát triển rất nhanh chóng trong một thời gian ngắn. Quá trình hợp tác này đã  nhanh chóng phát triển từ giai đoạn khởi động (initiation phase) sang giai đoạn hợp tác (engagement phase) và nhanh chóng hướng tới giai đoạn phát triển (advancement phase). Mỗi giai đoạn có những nét đặc trưng riêng nhưng nhìn lại cả quá trình, có thể rút ra 3 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, lòng tin được xây dựng từ những nỗ lực của từng cá nhân ở mỗi bên và được lan tỏa ra toàn tổ chức (bottom-up). Hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp không chỉ là việc ký một thỏa thuận hợp tác giữa hai bên mà thỏa thuận đó phải được xây dựng từ lòng tin, từ sự thành công của những dự án cụ thể. Thứ hai, trong lĩnh vực quản trị, phạm vi hợp tác cần toàn diện và áp dụng với mọi hoạt động của công ty. Trường Đại học cần làm việc với mọi đơn vị của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp cũng cần tiếp cận với giảng viên với các chuyên môn khác nhau. Thứ ba, hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp là quá trình cần làm việc. Đây không phải đơn thuần là việc chuyển giao kiến thức từ nơi sáng tạo đến nới thực hiện mà là quá trình cải biến tri thức cho phù hợp với điều kiện thực tế. Chính những cán bộ của doanh nghiệp mới là người hiểu doanh nghiệp rõ nhất để có thể áp dụng một cách sáng tạo tri thức vào thực tiễn.

Giới thiệu về Hội thảo Đối thoại Giáo dục Toàn cầu 2016

Chương trình đàm thoại chính sách giáo dục do Hội đồng Anh tổ chức nhằm mục đích đưa các nhà lập chính sách và những người có ảnh hưởng đến việc lập chính sách cùng suy ngẫm và tranh luận về những thử thách và cơ hội mà giáo dục đại học quốc tế đang đối mặt trong nước, trong khu vực và trên toàn cầu. Vào tháng 6 năm 2016, Hội đồng Anh Việt Nam đã cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổ chức Quốc tế Đại học Vương quốc Anh tổ chức diễn đàn tranh luận về việc thúc đẩy những chương trình hợp tác đậm nét và hiệu quả hơn giữa trường Đại học và Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế tri thức.

Diễn đàn đã tạo điều kiện cho cuộc đàm thoại giữa các tổ chức chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp với những đóng góp và quan điểm từ mạng lưới các nhà tư tưởng hàng đầu. Đại biểu tham dự đã có cơ hội tìm hiểu vai trò, trách nhiệm và mong đợi của trường đại học trong việc tạo ra những giải pháp sáng tạo cho doanh nghiệp và lực lượng lao động có kỹ năng làm việc.

Là đơn vị chuyên trách chính cho nghiên cứu và sáng tạo, các trường đại học đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Khi chính phủ mong muốn khai thác tối đa tiềm lực này thì các trường đại học cũng phải gánh những áp lực để tạo ra kết quả nghiên cứu thích hợp với doanh nghiệp. Chiến lược nghiên cứu và đối mới sáng tạo của các quốc gia đang đề cập đến vấn đề này như thế nào? Mối hợp tác của trường đại học và doanh nghiệp phát triển như thế nào? Mạng lưới quốc tế có thể đóng góp hỗ trợ hay không?

Trường Đại học đóng vai trò quan trọng trong phát triển lực lượng lao động – từ sinh viên mới ra trường đến các nhà nghiên cứu trẻ tuổi - tài năng và có kỹ năng cao. Các trường đại học ở các quốc gia khác nhau đã làm được việc này như thế nào? Những điều gì tạo nên một sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm việc? Tính toàn cầu của kiến thức, kỹ năng và những yếu tố tiên quyết nào là cần thiết – và làm sao chương trình học và kinh nghiệm của sinh viên phát triển được những vấn đề này?

Đại diện cấp cao từ Vương quốc Anh, Việt Nam và khu vực đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế của họ trong việc đối mặt với những thử thách này, và tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.