Sidebar

Magazine menu

25
Thu, Apr

Hội thảo khoa học “Phát triển liên kết kinh tế vùng"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 27/08/2022, trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp cùng Hiệp hội Phát triển địa phương Nhật Bản tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển liên kết kinh tế vùng".

 

Tham dự hội thảo trực tiếp và trực tuyến về phía khách mời có Ông Atsuya Wada - Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản; Ông Kimura Toshiaki – Chủ tịch Hiệp hội phát triển địa phương Nhật Bản; TS. Tạ Đình Thi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS, TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cùng các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường Đại học và các cơ quan của 2 nước Việt Nam, Nhật Bản gồm: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công thương; Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường; Viện nghiên cứu Phát triển bền vững vùng; Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia; Trung tâm Kinh tế xanh và Phát triển bền vững; Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội; Học viện Ngoại giao; Trường ĐH Hyogo; Trường ĐH quốc tế Miasaki; Trường ĐH Hokkaido Bunkyo; Trường ĐH Fukui; Trường ĐH Teikyo... Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng Quản lý khoa học; PGS, TS Hoàng Xuân Bình - Trưởng khoa Kinh tế quốc tế; lãnh đạo một số đơn vị cùng cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho biết trong “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” của Việt Nam, “Phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu” là một mục tiêu quan trọng. Nhiệm vụ chủ yếu cần phải thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030 là “Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo các mục tiêu phát triển bền vững…”. Thầy khẳng định trường ĐH Ngoại thương đã và đang tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu nói trên. Nội dung các chương trình đào tạo của Nhà trường gắn kết với phát triển bền vững. Nhiều chương trình đào tạo mới như khoa học dữ liệu, kinh tế chính trị quốc tế đang được xây dựng và sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong nghiên cứu, trường đã xác định 4 định hướng chính, trong đó, một hướng trực tiếp gắn với phát triển bền vững, đó là “Đổi mới thể chế kinh tế, xã hội hướng tới phát triển bền vững”. Trường cũng đi tiên phong trong các hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là hoạt động ươm tạo và phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo kinh doanh xã hội. Trường cũng đã xây dựng một chương trình với sự đồng hành của UNDP để phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các hoạt động sáng tạo, đào tạo, cố vấn, chuyển giao, kết nối với hệ sinh thái khu vực và quốc tế. Cuối cùng, thầy nhấn mạnh trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Nhà trường, các tổ chức, trường đại học, doanh nghiệp của Nhật Bản giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Thầy bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Hiệp hội Phát triển địa phương Nhật Bản cũng như các tổ chức, cơ quan, các trường đại học của Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành cùng Nhà trường để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vì sự phát triển của hai quốc gia và khu vực.

Tại phiên toàn thể, các đại biểu tham dự hội thảo đã lắng nghe tham luận đề dẫn của TS. Tạ Đình Thi.

Cùng với đó, các đại biểu cũng đã nghe tham luận đề dẫn của Ông Atsuya Wada.

PGS, TS Vũ Hoàng Nam và PGS, TS Hoàng Xuân Bình đồng chủ trì các phiên thảo luận.

Các phiên song song của hội thảo, do PGS, TS Vũ Hoàng Nam và PGS, TS Hoàng Xuân Bình chủ trì, tập hợp các bài trình bày xoay quanh nhiều vấn đề như: Liên kết kinh tế vùng gắn với mục tiêu phát triển bền vững; Sự tuần hoàn của nền kinh tế, sự tuần hoàn giữa các vùng, các ngành, lĩnh vực và giữa các hệ sinh thái; Cơ chế cộng đồng; Thị trường và chính phủ; Tăng cường sự phân cấp, phân quyền để gia tăng tính chủ động trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế của các địa phương, gia tăng sự chống chịu của nền kinh tế, của các ngành và doanh nghiệp trước các bất ổn; Những lĩnh vực phát triển quan trọng từ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Nguồn nhân lực; Quản lý các ngành và quản trị doanh nghiệp...

PGS, TS Bùi Quang Tuấn phát biểu ý kiến.

Các nội dung trình bày và thảo luận tại hội thảo đã cho thấy một bức tranh chung về thực tiễn, thời cơ và thách thức đối với sự phát triển liên kết kinh tế vùng, các mô hình, kinh nghiệm quản lý của Việt Nam và Nhật Bản, từ đó, đề xuất những hàm ý đối với các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp.

Hội thảo cũng mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa trường ĐH Ngoại thương với Hiệp hội Phát triển địa phương Nhật Bản cũng như với các trường đại học, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản.