Sidebar

Magazine menu

21
Thu, Nov

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ với các đối tác trong chương trình đào tạo Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp (V-LEX) và Hội thảo khoa học “Các vấn đề pháp lý về chuyển đổi số trong thương mại và kinh doanh quốc tế”

Hợp tác doanh nghiệp

Chào mừng ngày Pháp luật Việt Nam (09/11), trong khuôn khổ Tuần lễ Nghiên cứu và kết nối nghề Luật, sáng ngày 08/11/2021, trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ với các đối tác trong chương trình đào tạo Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp (V-LEX) bao gồm Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam, CLB Luật sư Long Biên, Trung tâm Pháp lý Anh Quốc.

 

Tham dự buổi lễ về phía các đối tác có Ông Vũ Ánh Dương - Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, LS Lê Hưng Quang - Chủ tịch Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam, LS Bùi Đình Ứng - Chủ tịch CLB Luật sư Long Biên. Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Hà Công Anh Bảo - Phó trưởng khoa phụ trách khoa Luật, lãnh đạo một số đơn vị cùng cán bộ, giảng viên trong trường.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn phát biểu trong buổi lễ ký kết: “Với triết lý giáo dục “hướng tới khai phóng, gắn với thực tiễn, nuôi dưỡng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo”, chương trình đào tạo của trường được xây dựng trên 3 nguyên tắc: căn bản, mở và linh hoạt. Trong đó, căn bản để tạo dựng nền tảng cho khả năng học tập suốt đời; mở để tăng cơ hội học tập trong nhiều môi trường học tập trong nước và quốc tế; và linh hoạt để tăng cơ hội lựa chọn định hướng nghề nghiệp. Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao Luật kinh doanh Quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp (V-Lex). Điểm nổi bật của chương trình này là chương trình thực hành nghề nghiệp và áp dụng mô hình V-Lex với ba đặc trưng: triển khai mô hình song giảng kết hợp giảng viên của nhà trường và việc thực hành thực tiễn; thăm quan thực tế tại các tổ chức thực hành nghề; tham gia các cuộc thi giả định tại Việt Nam và quốc tế. Nhà trường cũng xác định các tổ chức như Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam, Câu lạc bộ luật sư Long Biên, Trung tâm Pháp lý Anh Quốc sẽ là bốn đối tác quan trọng của chương trình V-LEX”

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Pháp lý Anh Quốc.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Hòa giải thương mại Quốc tế Việt Nam

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với CLB Luật sư Long Biên

Phát biểu tại lễ ký kết, đại diện các bên đối tác đều đánh giá cao ý tưởng của trường ĐH Ngoại thương trong việc triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao của ngành Luật, cũng như việc ký kết hợp tác với các tổ chức hành nghề thực tiễn để phục vụ cho chương trình. Đây là minh chứng cho mục tiêu đào tạo lý thuyết gắn liền với thực tiễn. Điều này tạo cơ hội thúc đẩy phát triển tư duy của sinh viên, giúp sinh viên có được hệ thống kiến thức và kỹ năng cần thiết. Ngoài ra, mô hình đào tạo này còn có ý nghĩa nâng cao tinh thần học tập, khơi gợi cảm hứng, lòng yêu nghề, giúp sinh viên hình dung và định hướng được nghề nghiệp của mình trong tương lai.

Tại hội thảo, các chuyên gia, luật sư và cán bộ, giảng viên đã lắng nghe, trao đổi, thảo luận về các vấn đề xung quanh các tham luận: Một số góp ý đối với Dự thảo Luật giao dịch điện tử; Đảm bảo tiếp cận công lý trong cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến; Xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến nhằm hoàn thiện pháp luật thương mại điện tử; Từ tiền mã hóa đến tiền kỹ thuật số Ngân hàng trung ương: Những vấn đề pháp lý đặt ra đối với Việt Nam; Số hóa và thách thức đối với Tư pháp quốc tế Việt Nam; Bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại và kinh doanh quốc tế - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam; Một số hành vi sử dụng nhãn hiệu mới trong thương mại điện tử - Quy định tại một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam; Mua bán và sáp nhập: Chìa khóa thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam; Xác định thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng thương mại điện tử.

Mục tiêu chung của chương trình Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp (V-LEX) là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng có kiến thức chuyên môn sâu về pháp luật kinh doanh quốc tế, và giải quyết tranh chấp kinh doanh quốc tế. Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên sẽ có kỹ năng cơ bản trong thực hành nghề nghiệp và ứng dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Sinh viên có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh pháp lý trong các hoạt động nghề nghiệp, tư vấn và tham gia giải quyết tranh chấp kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, sinh viên có thể đảm nhận được những công việc đòi hỏi khả năng ứng biến với thay đổi trong môi trường kinh doanh quốc tế, có năng lực phát hiện và giải quyết tốt các vấn đề về pháp luật kinh doanh quốc tế. Chương trình xác định đào tạo cả đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, có ý thức phục vụ cộng đồng, có năng lực khởi nghiệp và tạo việc làm cho mình, xã hội, có năng lực học tập suốt đời.

Ngay sau lễ ký kết, Hội thảo khoa học “Các vấn đề pháp lý về chuyển đổi số trong thương mại và kinh doanh quốc tế” được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số trên góc độ pháp lý.