Sidebar

Magazine menu

21
Thu, Nov

Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục Đại học lần thứ 5 “Quốc tế hóa giáo dục đại học thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thế giới VUCA”

Hợp tác quốc tế

Ngày 09/12/2021, trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục Đại học lần thứ 5 với chủ đề “Quốc tế hóa giáo dục đại học thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thế giới VUCA”.

 Diễn đàn năm nay có sự tham dự của hơn 500 đại biểu, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo dục, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ 75 cơ sở giáo dục, 16 tổ chức, doanh nghiệp, 30 đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam; trong đó có 3 diễn giả chính là Ông Csaba Bundik - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Trung và Đông Âu (CEEC) tại Việt Nam, PGS, TS Thái Thị Thanh Mai - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội toàn cầu (Social Business Creation - SBC) - Đại học HEC Montreal (Canada) và PGS, TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo, trường ĐH Ngoại thương.Tham dự diễn đàn về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Cao Đinh Kiên - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường.

Được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, diễn đàn có năm mục tiêu chính:

(1) Chia sẻ những hiểu biết, nghiên cứu, kinh nghiệm và các bài học liên quan đến thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo;
(2) Chia sẻ những đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học đã được thực hiện nhằm thích ứng với thế giới VUCA thông qua các hoạt động quốc tế hóa giáo dục;
(3) Thảo luận về vai trò của các cơ sở giáo dục đại học và quốc tế hóa giáo dục đại học đối với việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo;
(4) Tìm hiểu nhu cầu của các cơ sở giáo dục đại học trong việc thiết lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục đại học với các tác nhân đổi mới sáng tạo khác;
(5) Trao đổi về quốc tế hóa khởi nghiệp trong môi trường giáo dục đại học và các nguồn lực cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học có thể tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thế giới VUCA.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh mặc dù trong gần 2 năm qua, toàn thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gây ra bởi đại dịch Covid 19, tuy nhiên, với nỗ lực lớn và quyết tâm cao, trường ĐH Ngoại thương vẫn tiếp tục duy trì tổ chức diễn đàn thường niên này theo những hình thức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh mới.

Thầy Hiệu trưởng cũng chia sẻ: “Là một trong 5 quốc gia được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá là có tiến bộ đáng kể nhất về đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới, Việt Nam được cho là có tiềm năng để thay đổi cục diện đổi mới sáng tạo toàn cầu trong những năm tới. Trong thế giới VUCA nơi mà sự thay đổi ngày càng lớn và tương lai hầu như không thể dự đoán, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, tinh thần đổi mới sáng tạo ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, động lực chính của đổi mới sáng tạo chính là nguồn nhân lực, những người cần được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, tinh thần đổi mới sáng tạo và tư duy khởi nghiệp. Để có thể chuẩn bị lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của bối cảnh VUCA, các cơ sở giáo dục đại học cần nhận thức đúng và chủ động thể hiện vai trò của mình đối với đổi mới sáng tạo bằng việc huy động các nguồn lực khả thi để khơi thông và củng cố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong một thế giới đầy biến động. Trong đó, quốc tế hoá giáo dục đại học sẽ đóng góp một phần không nhỏ nhằm thu hút các nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Do đó, trường ĐH Ngoại thương lựa chọn chủ đề cho diễn đàn là “Quốc tế hóa giáo dục đại học thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thế giới VUCA” với mong muốn tạo cơ hội để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà giáo dục, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ những hiểu biết, nghiên cứu, kinh nghiệm và các bài học liên quan đến thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nói chung và vai trò của quốc tế hóa giáo dục đại học thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thế giới ngày nay nói riêng.”

Thầy bày tỏ mong muốn rằng Diễn đàn quốc tế hóa giáo dục đại học năm nay sẽ là nơi để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo dục, doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận, chia sẻ các ý tưởng, lên kế hoạch và triển khai các hoạt động hợp tác với những đối tác có mong muốn lan tỏa những sáng kiến và kinh nghiệm tốt liên quan đến đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng. Trường ĐH Ngoại thương hy vọng và tin tưởng rằng sau diễn đàn sẽ có thêm nhiều sáng kiến và mô hình hợp tác mới hướng tới thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi bên trong bối cảnh VUCA.

Tham luận “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thế giới VUCA” của Ông Csaba Bundik

Tham luận “Các xúc tác cho sự phát triển của tinh thần doanh nghiệp xã hội: Vai trò của trường đại học trong nền kinh tế tri thức toàn cầu” của PGS, TS Thái Thị Thanh Mai.

Tham luận “Tiếp cận hệ sinh thái mở thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học” của PGS, TS Lê Thị Thu Hà.

Phiên thảo luận toàn thể với chủ đề “Thích ứng với thế giới VUCA” do Ông Florian J. Beranek và PGS, TS Phạm Thu Hương đồng chủ trì.

Phiên thảo luận “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của của các cơ sở giáo dục đại học” do TS. Michael Rosen và PGS, TS Đào Ngọc Tiến đồng chủ trì.

Các phần trình bày và thảo luận trong diễn đàn đều nhất trí cho rằng biến động luôn là động lực cho phát triển. Trong những năm gần đây, thế giới đã trải qua nhiều biến động lớn, chưa từng có trong lịch sử. Nhận thức của con người về đại dịch Covid-19, những thảm họa về môi trường và những bất ổn chính trị khiến cho khái niệm về thế giới VUCA (Volatility - biến động; Uncertainty - không chắc chắn; Complexity - phức tạp; Ambiguity - mơ hồ) ngày càng trở nên phổ biến. Trong bối cảnh đó, đổi mới sáng tạo là một yếu tố quan trọng, trở thành mối quan tâm thường trực, nhằm tăng khả năng thích ứng và phát triển bền vững của tất cả các cá nhân, tổ chức cũng như các quốc gia. Trên con đường dài của đổi mới sáng tạo, các trường đại học trong nước đã phối hợp chặt chẽ với nhiều trường đại học, các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nước, các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trường đại học, hòa chung vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tuyên bố chung bế mạc diễn đàn được PGS, TS Phạm Thu Hương trình bày đã nhấn mạnh, thế giới VUCA đã gây ra những thách thức chưa từng có đối với con người. Sự đổi mới của các cá nhân hoặc tổ chức khác nhau theo các hướng khác nhau có thể không đủ mạnh để ứng phó với thế giới VUCA. Điều này khiến chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với nhau trong việc hạn chế những sự biến động, sự không chắc chắn, sự phức tạp, sự mơ hồ và tìm ra những giải pháp hiệu quả. Diễn đàn kêu gọi các bên liên quan cùng chung tay hành động theo các định hướng cụ thể:

- Việc hài hòa sự đa dạng và tạo sự gắn kết giữa các bên liên quan trong một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở nên được ưu tiên và các cơ sở giáo dục đại học nên là chủ thể tiên phong kết nối để các bên liên quan khác tham gia vào hệ sinh thái đó.

- Các cơ sở giáo dục đại học trong phạm vi nguồn lực khả thi của mình nên cùng hành động để nâng cao nhận thức của mọi người về thế giới VUCA cũng như sự cần thiết phải chung tay hợp tác để phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy mọi người cùng nhau hành động.

- Mối liên kết giữa các quốc gia và mối liên kết giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp cần được tăng cường hơn nữa trong thế giới VUCA này để tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngày càng mở rộng, nơi quốc tế hóa giáo dục đại học có thể đóng góp một phần.

- Nếu tác động của đổi mới sáng tạo đủ lớn và có giá trị thì sức mạnh khơi nguồn cảm hứng sẽ mạnh mẽ hơn và kết quả là tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ được lan tỏa rộng khắp. Điều này tạo ra một vòng tròn đổi mới đi lên. Các hoạt động chia sẻ và các dự án hợp tác sẽ giúp lan tỏa tác động của đổi mới sáng tạo.

Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh: “Trên hết, chúng ta cần phải luôn thích ứng và đổi mới, và quan trọng hơn là phải dung hòa được sự đa dạng, tăng cường đoàn kết, hợp tác giữa các bên và luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Sự kết hợp của các sáng kiến khác nhau này mang lại hy vọng to lớn rằng chúng ta có nhiều khả năng thành công hơn bao giờ hết trong việc nắm bắt các cơ hội thúc đẩy quan hệ đối tác vì một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tốt hơn trong thế giới VUCA này. Bằng cách hợp tác cùng nhau và kiên định tinh thần đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ có sự thích ứng mạnh mẽ và hiệu quả hơn trước bất kỳ sự biến động, sự không chắc chắn, sự phức tạp và sự mơ hồ nào”.

Các đại biểu quốc tế tham dự diễn đàn.

Lãnh đạo trường ĐH Ngoại thương tham dự diễn đàn.

MC của diễn đàn.

Tiết mục văn nghệ của các em sinh viên CLB Tuyên truyền ca khúc Cách mạng - trường ĐH Ngoại thương chào mừng diễn đàn.

 

Các báo đài đưa tin về sự kiện:
Đài PTTH Hà Nội: hanoitv.vn/ban-tin-thoi-su-11h30-ngay-10122021-v183194.html (xem từ phút 5:25)
Báo Dân trí: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/dai-dich-covid19-thuc-day-doi-moi-sang-tao-trong-giao-duc-dai-hoc-20211209185835604.htm
Báo Vietnamnews: https://vietnamnews.vn/society/1105772/forum-discusses-higher-education-internationalisation.html
Báo GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/quoc-te-hoa-giao-duc-dai-hoc-thuc-day-he-sinh-thai-doi-moi-sang-tao-U0Bicxh7g.html