Ngày 11/1/2017, Trường Đại học Ngoại thương đã ra mắt 4 chương trình nghiên cứu và 24 nhóm nghiên cứu giai đoạn 2017-2019 và tổ chức Hội thảo “Sử dụng dữ liệu StoxPlus trong nghiên cứu thực nghiệm”.
Chương trình có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cơ quan giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước và đông đảo các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Ngoại thương, các trường đại học và viện nghiên cứu khác. Các chương trình, nhóm nghiên cứu và hợp tác khai thác CSDL của Công ty StoxPlus là những hoạt động để thúc đẩy hoạt động NCKH của Nhà trường trong bối cảnh được giao thí điểm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động.
Đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cơ quan giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi ra mắt, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khẳng định quan điểm của Nhà trường luôn tin tưởng vào các nhà nghiên cứu, trao quyền gắn với trách nhiệm của các trưởng nhóm nghiên cứu để thực hiện các cam kết về sản phẩm khoa học. Nhà trường đã ban hành quy định về nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Ngoại thương nhằm tạo ra một cơ chế linh hoạt, giải phóng tiềm năng NCKH của giảng viên Nhà trường. Trên cơ sở đó, 24 nhóm nghiên cứu của Nhà trường đã cam kết sẽ công bố 35 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế thuộc danh mục ISI. Trường Đại học Ngoại thương cũng đã cam kết đầu tư số tiền ban đầu trị giá 4,375 triệu VND cho các nhóm nghiên cứu. GS, TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cho rằng, mức đầu tư bình quân 125 triệu/bài báo quốc tế là con số rất hiệu quả. khẳng định tiềm năng và năng lực nghiên cứu của Nhà trường. Với con số 35 bài quốc tế trong 3 năm, FTU sẽ vươn lên mạnh mẽ trong bảng xếp hạng các trường đại học.
PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu tại buổi lễ
Cũng tại Lễ ra mắt, GS, TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã có đôi lời nhắn nhủ tới các cán bộ giảng viên chủ nhiệm các nhóm nghiên cứu vừa ra mắt về mong muốn trường ĐHNT trở thành trường đại học đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đạt chuẩn quốc tế, có nhiều hơn nữa các GS - PGS và các công trình NCKH được công nhận ở tầm khu vực và TG, đăng trên các tạp chí khoa học uy tín. Những kỳ vọng của GS đối với cán bộ, giảng viên nhà trường là sự động viên, khích lệ niềm đam mê và khát khao chinh phục các đỉnh cao khoa học của các thầy cô giáo FTU.
GS, TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi lễ
Bên cạnh đó, để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu hoạt động, Trường Đại học Ngoại thương đã hợp tác với Công ty cổ phần StoxPlus, một công ty hàng đầu về cơ sở dữ liệu tại Việt Nam để cung cấp đầu vào cho các nhóm nghiên cứu. Không thể có một nghiên cứu có chất lượng nếu không có những dữ liệu đầu vào tốt. Các nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngoại thương đã hội tụ đủ cả những điều kiện cần về giải phóng năng lực nghiên cứu của cá nhân nhà khoa học và điều kiện đủ về hỗ trợ tài chính, nguồn số liệu để hướng tới các công trình NCKH xuất sắc.
GS, TSKH Trần Văn Nhung và PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện các nhóm nghiên cứu
GS, TSKH Trần Văn Nhung và PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện các nhóm nghiên cứu
Nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Ngoại thương không chỉ hướng tới các công trình công bố quốc tế mà còn luôn gắn chặt với thực tiễn. Bốn chương trình nghiên cứu chiến lược của Trường Đại học Ngoại thương là Đổi mới thể chế kinh tế xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; Kinh tế xanh và trách nhiệm xã hội; Tái cấu trúc tài chính và hành vi doanh nghiệp; Đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp. Các chương trình và các nhóm nghiên cứu của Nhà trường đã đề cập đến những vấn đề cấp bách, những nút nghẽn đang cản trở quá trình đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện Công ty Stoxplus ký kết thỏa thuận hợp tác
Cũng vào cùng ngày, Hội thảo “Sử dụng dữ liệu StoxPlus trong nghiên cứu thực nghiệm” đã giới thiệu kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại thương và Công ty StoxPlus. Quá trình hợp tác không chỉ đem lại những bài viết xuất sắc về học thuật mà còn cả những đóng góp thực tiễn cho ngành. Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết Ủy ban đã tham gia vào quá trình nghiên cứu, từ việc đặt đề bài, đến đánh giá chất lượng và sẽ tiếp nhận kết quả nghiên cứu để phục vụ hoạch định chính sách của ngành. Mô hình hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại thương và Công ty StoxPlus là một mô hình hợp tác toàn diện trong nghiên cứu khoa học nhằm đưa thực tiễn vào NCKH và đưa NCKH vào các quyết định chính sách của Nhà nước. Với sự chứng kiến của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cơ quan giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, hai bên đã ký tiếp văn bản thỏa thuận để mở rộng và phát triển mô hình hợp tác này. Đại diện Bộ giáo dục và đào tạo, TS Lê Trọng Hùng - Vụ trưởng Vụ khoa học, công nghệ và môi trường ghi nhận đây là những sáng kiến đột phá của Trường Đại học Ngoại thương trong bối cảnh các trường đại học và toàn ngành giáo dục đang phải trăn trở tìm cách phát triển hoạt động NCKH.
Trên con đường phấn đấu trở thành trường ĐH định hướng nghiên cứu chuyên sâu, nâng chuẩn chất lượng cán bộ giảng viên ngang tầm khu vực và thế giới, trường ĐHNT luôn tạo mọi điều kiện về cả nguồn lực tài chính lẫn tinh thần để các thầy cô giáo trong toàn trường cống hiến hết mình vì niềm đam mê khoa học, đóng góp những công trình nghiên cứu vừa có giá trị cao về mặt lý luận, vừa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn ứng dụng trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế của trường ĐHNT nói riêng và của nền khoa học VN nói chung.