Với tầm nhìn chiến lược hết sức sâu sắc và nhân văn, ngày 27/07/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt và luôn nhắc nhở toàn Ðảng, toàn dân ta ghi nhớ công lao to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sỹ. Bác đã từng nói: "Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do…". Từ đó, ngày 27/07 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Nguồn ảnh: Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL
Trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Các đồng chí thương binh, bệnh binh với tinh thần "tàn nhưng không phế", cùng thân nhân, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân!".
Còn trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hậu quả của chiến tranh vẫn còn ở nhiều địa phương, nhiều vùng đất, nhiều gia đình trên khắp mọi miền đất nước hôm nay. Những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể của những người thương binh và gia đình của những liệt sỹ. Những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị của hòa bình. Năm nay, chúng ta kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ trong bối cảnh cơn bão dịch bệnh Covid-19 vừa đi qua, còn để lại những di chứng, ảnh hưởng nặng nề đời sống xã hội, cuộc sống của nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Vượt lên trên hết, cả dân tộc Việt Nam vượt qua dịch bệnh một cách kiên cường... Vô vàn câu chuyện xúc động của gia đình thương binh, liệt sỹ với những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong những lúc thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh hai tiếng Việt Nam, được bạn bè quốc tế trân trọng ghi nhận và khâm phục đất nước Việt Nam, con người Việt Nam!"
Phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", trong nhiều năm qua, trường ĐH Ngoại thương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhiều hoạt động nhằm tri ân những đóng góp, cống hiến của các cán bộ, viên chức, cựu giáo chức là thương binh, bệnh binh cũng như các sinh viên là con em, thân nhân của các anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh và gia đình có công với cách mạng, trong đó có các hỗ trợ về tài chính, học phí, học bổng, ký túc xá, thường xuyên thăm hỏi, động viên các em trong học tập cũng như trong cuộc sống. Vừa qua, Đoàn TNCS HCM trường ĐH Ngoại thương cũng đã ủng hộ 10 triệu đồng cho quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" năm 2022 do Thành đoàn Hà Nội phát động nhằm thực hiện các phần việc tại tỉnh Quảng Trị.
Nhân dịp này, Nhà trường xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, thành kính tri ân anh linh các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho Nhân dân và gửi lời chúc các thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ, người có công luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hùng cường.
Nguồn ảnh: Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL
-----