Sidebar

Magazine menu

22
Wed, Jan

Giới thiệu về Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Văn bản - Quy định

Toàn văn văn bản xem tại đây >>>


Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIII, ký họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 với 142 điều thay thế Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10, Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12 (PLXLVPHC). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, các hình thức xử phạt, các biện pháp xử lý, đối tượng bị xử lý, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và mức phạt tiền tối đa trong các các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Với mục đích phòng ngừa, xử lý các hành vi phạm pháp luật trong 101 lĩnh vực quản lý nhà nước, có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật giao cho 188 người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có một số nội dung cơ bản như sau:
1. Về thẩm quyền xử phạt
- Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 5000.000 đồng và được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng.
- Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng, nhưng không quá 50 triệu đồng.
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh được phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng và được áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Riêng đối với tổ chức vi phạm hành chính sẽ bị áp dụng mức phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân vi phạm.
2. Về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
Chủ tịch UBND cấp xã có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.
3. Về việc giao quyền xử lý vi phạm hành chính
Người được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nếu là cấp trưởng thì có thể giao cho cấp phó thực hiện. Việc giao quyền phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền hoặc ủy quyền cho bất kỳ người nào khác.
4. Về các biện pháp xử lý hành chính, gồm có:
- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
- Đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tuy nhiên, Luật quy định, các biện pháp như: đưa đối tượng vi phạm vào trường giáo dưỡng; vào cơ sở giáo dục bắt buộc; vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định, còn biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn vẫn do chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, luật không quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở giáo dục bắt buộc nhưng đối tượng này cũng vẫn bị xử lý hành chính bằng các hình thức khác.
5. Về thủ tục xử phạt và quyền giải trình
Đối với hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức vi phạm thì áp dụng thủ tục xử phạt không lập biên bản, người xử phạt phải ra quyết định xử phạt tại chỗ.
Đối với hành vi vi phạm bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân từ 250.000 đồng, phạt tiền đối với tổ chức từ 500.000 đồng trở lên và áp dụng hình thức đình chỉ hoạt động, tước quyền xử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính… thì phải áp lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt.
Để đảm bảo cho việc xử phạt được đảm bảo khách quan, chính sác, hạn chế đến mức thấp nhất việc sai xót dẫn đến khiếu kiện, luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc giải trình được áp dụng đối với đối tượng vi phạm và chỉ áp dụng đối với mức phạt từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân và 35 triệu đồng trở lên đối với tổ chức. Đồng thời luật quy định người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tổ chức phiên giải trình trực tiếp hoặc thông qua bộ máy giúp việc.
6. Về việc nộp tiền phạt
Trong thời hạn 10 ngày, tổ chức, cá nhân bị xphatj phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quyết định có ghi thời hạn nộp tiền phạt nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Đồng thời luật cũng quy định cho phép khi cá nhân bị xử phạt trên 20 triệu, tổ chức bị xử phạt trên 200 triệu được nộp tiền phạt thành nhiều lần, nhưng không quá 3 lần trong thời hạn 6 tháng, lần thứ nhất nộp phạt không dưới 40% tổng số tiền phạt.
Để triển khai thi hành luật này, ngày 05/10/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai và danh mục Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó sẽ có 56 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính theo trong từng lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực quản lý nhà nước sẽ được Chính phủ ban hành.

--------------------------------------------------------