Phần 1: Khởi đầu đào tạo cán bộ trình độ Đại học cho ngành Ngoại thương
I. Bối cảnh của ngành Ngoại thương Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng nền kinh tế trên Miền Bắc XHCN
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công đã chấm dứt trên 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Sau khi giành được độc lập, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ cũng đã bắt đầu quan tâm tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và chú trọng giao lưu với bên ngoài. Nhưng thời gian giành độc lập chưa được bao lâu, thì Pháp quay lại chiếm đóng nước ta một lần nữa. Trong hoàn cảnh chiến tranh như vậy, Ngoại thương Việt Nam cùng một lúc phải thực hiện 2 mục tiêu: vừa đấu tranh chống âm mưu bao vây, phong tỏa của thực dân Pháp, vừa duy trì mở rộng và giao lưu với bên ngoài. Đối với vùng địch tạm chiếm, Chính phủ áp dụng chính sách đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa vùng tự do và vùng địch tạm kiểm soát. Ngoại thương nước ta thời kỳ này là đẩy mạnh xuất khẩu và nhập khẩu giữa vùng tự do với vùng địch tạm kiểm soát. Tới cuối năm 1950, sau khi ta giải phóng các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn và Lạng Sơn, phá được thế bao vây của Pháp ở vùng biên giới phía Bắc, từ đó các nước Trung Quốc và Liên Xô mới chính thức quan hệ, trong đó có cả quan hệ về kinh tế- thương mại với Việt Nam.
Sau 9 năm nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ, với chiến thắng Điện Biên Phủ, đã buộc thực dân Pháp phải rút khỏi Miền Bắc và hoà bình lập lại trên lãnh thổ Miền Bắc. Nhưng ngay sau đó, Mỹ thay chân Pháp chiếm đóng Miền Nam, và từ năm 1964 đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt ra Miền Bắc bằng không quân và Hải quân. Quân và dân Miền Bắc cùng một lúc phải tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược: vừa xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, vừa chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho chiến trường Miền Nam, đánh thắng Mỹ nguỵ nhằm thống nhất đất nước.
Trong bối cảnh đó, Ngành Ngoại thương Miền Bắc XHCN thời kỳ này cùng lúc phục vụ các nhiệm vụ chiến lược nói trên.
Một mặt, ngành Ngoại thương hỗ trợ ngành Quốc phòng tranh thủ viện trợ từ các nước XHCN. Mặt khác, phải triển khai các hoạt động thương mại của mình. Thời kỳ này tất cả các Tổng công ty XNK đều trực thuộc Bộ Ngoại thương, và chỉ có các đơn vị này mới được giao quyền làm nhiệm vụ XNK. Trong khói lửa chiến tranh, hoạt động Ngoại thương gặp rất nhiều khó khăn và quy mô cũng hạn chế. Có thể nói ngành Ngoại thương Việt Nam thời kỳ này chủ yếu quan hệ buôn bán với các nước XHCN anh em, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tiếp nhân viện trợ của các nước này phuc vụ cho cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước.
Khái quát lại, trong thời kỳ này sự phát triển Ngoại thương nước ta có thể chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Mở rộng và phát triển Ngoại thương phục vụ công cuộc khôi phục kinh tế miền Bắc, xây dựng hậu phương vững mạnh đảm bảo cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1955-1965).
Giai đoạn 2: Đấu tranh phá vỡ âm mưu bao vây và phong tỏa của Đế quốc Mỹ nhằm tranh thủ sự viện trợ quốc tế, duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1966-1975).
Cũng như các nước XHCN khác, thời kỳ này Nhà nước Việt Nam thực hiện chế độ Nhà nước độc quyền Ngoại thương và quản lý ngoại hối . Theo quy định, chỉ có Nhà nước mới có quyền thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu thông qua các cơ quan, tổ chức của Nhà nước và do Nhà nước thành lập. Ngoại thương phải được điều tiết thống nhất, theo kế hoạch phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Với tính chất và đặc thù như vậy, về tổng thể thì hoạt động của ngành Ngoại thương nước ta thời kỳ đó được thể hiện như sau:
- Về mặt tổ chức: Trong từng thời kỳ có những sự điều chỉnh, nhưng đại thể, trong Văn phòng Bộ có Vụ xuất, Vụ nhập, 2 vụ khu vực: Vụ khu vực I (với các nước XHCN), Vụ khu vực II (Với các nước TBCN). Tổ chức 8 Tổng công ty XNK trực tiếp hàng hoá (Agrexport, Vegetexco, Tocontap, Naforimex, Minexport, Artexport, Machinoimport, Technoimport). Một số các cơ quan khác trực thuộc Bộ Ngoại thương trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ công tác XNK là Tổng cục Hải quan, Cục kiểm nghiệm, Tổng công ty thuê tàu (Vietfracht), Công ty giao nhận hàng XNK (Vietrans), Phòng Thương mại… Trong lĩnh vực đào tạo, Bộ thành lập các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác trong toàn ngành. Mọi hoạt động đào tạo đều nằm dưới sự chỉ đạo thống nhất của Vụ Tổ chức Cán bộ (trong Vụ TCCB có phòng quản lý đào tạo), việc bổ nhiệm các chức danh từ phó phòng trở lên của các trường là công việc của Bộ Ngoại thương. Khi sinh viên tốt nghiệp do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương cấp bằng và cũng do bộ trực tiếp phân công công tác. Bộ trưởng bộ Ngoại thương khi đó là luật sư Phan Anh.
Ở các thành phố, tỉnh có Công ty Ngoại thương địa phương với nhiệm vụ tổ chức các trạm thu mua, gia công hàng XK đặt ở những nơi Trung tâm (Huyện, Thị xã) có nhiều hàng XK. Ngoài ra, có một số ít Xí nghiệp sản xuất hàng XK (Mây tre đan, mành tre…) trực thuộc các Tổng công ty XNK của bộ Ngoại thương. Các công ty Ngoại thương các tỉnh không được trực tiếp xuất, nhập khẩu với nước ngoài, mọi hàng hóa đều bán cho các TCT trung ương hoặc ủy thác xuất qua các Tổng công ty trung ương.
- Về hàng hoá: Hàng xuất khẩu còn mạnh mún, giá trị thấp, phân tán khắp nơi, nên đa số phải thu gom từng ít một, chưa có mặt hàng nào là hàng xuất khẩu chủ lực. Nông sản như: Lạc, vừng, chè…Lâm sản như: Gỗ ván sàn, các dược liệu: Ba kích, thảo quả, hạt sen khô, nhãn vải sấy khô…Tạp phẩm: Cao sao vàng, giầy vải… Khoáng sản: Apatit Lào Cai, than Quảng Ninh và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ: hàng mây tre đan… và thu mua cả lông gà lông vịt, chổi chít, chổi tre để XK.
Hàng nhâp khẩu: Ngoài việc tiếp nhận viện trợ xây dựng các công trình, như xây dựng hệ thống các nhà máy điện, nhà máy nước, gang thép, xi măng, hệ thống các xí nghiệp cơ khí, các công trình giao thông, bến cảng, sân bay, các công trình phục vụ quốc phòng, phục vụ chiến đấu, hệ thống các nhà máy phục vụ dân sinh và xuất khẩu như dật may, chế biến rau quả..vv, hàng nhập khẩu chủ yếu những máy móc lẻ, những bộ phận linh kiện để duy trì sản xuất một số ngành công nghiệp nhẹ, phục vụ đời sống như: một số hoá chất, dược liệu, dược phẩm, giấy báo…thậm chí một vài loại nhạc cụ, một số bộ phận, linh kiện để duy trì một số dây chuyền sản xuất cho một số xí nghiệp công nghiệp.
- Về vận tải: Khi hòa bình lập lại ở Miền Bắc, hoạt động Ngoại thương còn chưa phát triển và chỉ có ít quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô, mọi giao dịch chủ yếu bằng đường sắt và đường biển. Từ năm 1964 khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại Miền Bắc, do đường biển bị địch phong toả, cảng Hải phòng bị địch rải thuỷ lôi, mìn…nên hàng hóa viện trợ chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt liên vận qua Trung Quốc. Hàng nhập khẩu phục vụ đời sống nhân dân vẫn do tầu Liên xô và Cu Ba chuyên chở cho ta qua Cảng Hải Phòng, bất chấp sự phong tỏa của Mỹ.
- Về thị trường: Trong điều kiện chiến tranh, số nước có quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam giảm rất nhiều, từ 40 nước năm 1964 giảm xuống còn 27 nước vào năm 1974. Quan hệ buôn bán được duy trì chủ yếu với các nước XHCN. Từ những năm 1964 đến 1975, xuất khẩu của nước ta sang các nước XHCN chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu, năm cao nhất tới 90,5% và nhập khẩu chiếm trên 80% tổng kim ngạch nhập khẩu, năm cao nhất tới 99,5%. Ngoài ra, ta có giao dịch với một số thị trường TBCN nhưng không nhiều chủ yếu là với Hồng Kông.
- Về thanh toán: đồng tiền thanh toán với các nước XHCN là đồng Rúp, với TBCN là đồng USD. Khi Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế, trong buôn bán với các nước XHCN, theo thỏa thuận chung, ta thanh toán theo phương thức Clearing (ghi sổ) cả mậu dịch và cả phi mậu dịch, bằng đồng Rúp chuyển đổi. Trong thống kê Ngoại thương ta thường cộng gộp Rúp và Đôla, vì về danh nghĩa, đồng Rúp có giá trị theo quy định bản vị vàng bằng đồng Đôla Mỹ, nhưng thực tế thì đây chỉ là đồng Rúp ghi sổ, để thanh toán bù trừ.
- Phương thức giao dịch: Với một số nước TBCN: khối lượng hàng hoá giao dịch nhỏ bé, ký kết hợp đồng theo luật, tập quán giao dịch quốc tế, cũng phải FOB, cũng phải CIF, cũng phải L/C…cơ bản theo Incoterms- 53.
Với các nước XHCN: Áp dụng theo “Điều kiện chung giao hàng giữa các nước XHCN”. Từng thời kỳ kế hoạch có phối hợp kế hoạch dài hạn 5 năm, đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại dài hạn 5 năm một với từng nước. Hằng năm, chúng ta có ký Nghị định thư thương mại với từng nước. Hàng năm, hai bên thỏa thuận danh mục hàng hóa XNK trong đó ghi rõ các mặt hàng trao đổi (tên hàng, số lượng, ký Hiệp định về nguyên tắc áp dụng giá cho thời kỳ 5 năm…) rồi cân đối tổng kim ngạch của hai danh mục xuất, nhập…. Trên cơ sở danh mục hàng hóa đã được thỏa thuận với từng nước, Bộ Ngoại thương giao cho các Tổng công ty XNK ký kết các Hợp đồng XNK cụ thể về từng mặt hàng và thực hiện hợp đồng. Cuối năm, tổng kết thanh toán xem hai bên đã thực hiện được đến đâu. Bên nợ phải trả một số hàng vào năm sau, nếu không sẽ trừ bớt một số hàng hoá của bên có nợ vào năm sau. Thậm chí có khi khó khăn quá, Việt Nam đã đề nghị các nước bạn (các nước XHCN mà chủ yếu là Liên Xô) giúp chuyển qua mục “Viện trợ không hoàn lại” viện lý do đất nước có chiến tranh.
II. Tách ra từ trường đại học Kinh tế - Tài chính (Kinh Tài) trở thành cơ sở đào tạo cán bộ đại học đầu tiên của Việt nam cho ngành Ngoại giao - Ngoại thương (tiền thân của trường Đại học Ngoại thương hiện nay).
Ngành Đại học Ngoại thương ra đời từ ngày 20/8/1960, nhưng thời sơ khai chỉ là một bộ môn trong khoa Quan hệ quốc tế do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý về nội dung và trong sự điều hành quản lý chung của trường đại học Kinh tế- Tài chính (thường gọi tắt là trường Kinh- Tài), nay là trường đại học Kinh tế Quốc dân. Điểm cần lưu ý ở đây là Khoa Quan hệ Quốc tế khi đó có quy chế tương đối độc lập và được sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Ung Văn Khiêm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lúc đó và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ cũng dành nhiều thời gian tới thăm và động viên cán bộ, giảng viên và sinh viên của khoa.
Khoa Quan hệ Quốc tế được đặt văn phòng tại tầng 2 trong 1 toà nhà 3 tầng của trường Kinh tế- Tài chính. Chủ nhiệm khoa là ngưòi do Bộ Ngoại giao cử về phụ trách, và chủ nhiệm khoa đầu tiên là ông Dương Thiết Sơn và sau đó là ông Phạm Ngọc Quế. Khoa Quan hệ quốc tế ban đầu chỉ có 2 bộ môn: bộ môn Ngoại giao và bộ môn Ngoại thương. Trưởng Bộ môn Ngoại thương (tiền thân của trường Đại học Ngoại thương ngày nay) là ông Lê Văn Mỹ (quyền chủ nhiệm bộ môn) và giảng viên lúc ban đầu có thày Nguyễn Xuân Thảo và một số cán bộ của Bộ Ngoại thương được điều động về. Đội ngũ cán bộ giảng viên của Bộ môn Ngoại thương hầu hết được điều động về từ Bộ Ngoại thương và du học từ Trung Quốc hoặc Liên Xô tốt nghiệp về nước và được cử về. Tới cuối năm 1961 các thày giáo đầu tiên của Bộ môn Ngoại thương là luật sư Lê Văn Ngọ, Thày Nguyễn Đức Dỵ và Thày Nguyễn Doãn Đính tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Bắc Kinh. Số du học sinh tốt nghiệp tiếp theo về từ Trung Quốc có các thày Doãn Tường Vân, Lê đức Dục, Huỳnh Tấn Phát . Như vậy, thuở ban đầu tiền thân của trường Đại học Ngoại thương chỉ vẻn vẹn có gần 10 giảng viên và ít bữa sau khi thành lập, luật sư Lê Văn Ngọ được bổ nhiệm làm chủ nhiệm Bộ môn. Với đội ngũ giảng viên ít ỏi như vậy, nên các môn học cơ sở như Địa lý, Thống kê, Kinh tế, Toán…vv đều do các giảng viên của trường đại học Kinh tế - Tài chính giảng dạy. Các giảng viên do Bộ Ngoại thương cử về chủ yếu đảm nhận giảng dạy các môn học về nghiệp vụ ngoại thương như các kiến thức về Luật, Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương và Lý luận về Ngoại thương.
Khoá 1 sinh viên đại học Ngoại thương (lớp Ngoại thương của Khoa Quan hệ quốc tế, vì lúc đó có lớp Ngoại giao và lớp Ngoại thương) gồm có 42 người. Lớp trưởng là ông Ngô Chí Trọng kiêm Bí thư chi bộ lớp. Khoá I Ngoại thương được chia thành 2 lớp nhỏ để học Ngoại ngữ: lớp Anh và lớp Nga (tiếng Anh và tiếng Nga) và do các giảng viên của bộ môn Ngoại giao giảng dạy. Các môn nghiệp vụ lại được phân thành môn Lý luận Ngoại thương và Nghiệp vụ Ngoại thương do 9 giảng viên cơ hữu của Bộ môn đảm nhận giảng dạy. Trong thời gian này còn có chuyên gia Liên Xô tham gia giảng dạy như ông Karavaep do Bộ Ngoại thương gửi về. Chuyên gia Karavaep chỉ là trợ giảng nhưng đã tham gia cùng các giáo viên Việt Nam giảng hầu như tất cả các môn từ Lý luận ngoại thương tới các môn như Tổ chức & Kỹ thuật ngoại thương, Thanh toán quốc tế và cả môn Thị trường và giá cả.
Về giáo trình giảng dạy, các giảng viên biên soạn chủ yếu dựa vào các chương trình của Liên Xô và Trung Quốc về Nghiệp vụ xuất, nhập khẩu. Hầu hết các bài giảng được các giảng viên biên soạn trên cơ sở các sách giáo trình của Liên Xô và một số của Trung Quốc còn đơn giản và sơ sài. Vì thực ra các môn học nghiệp vụ thời kỳ ban đầu không nhiều và chỉ gồm 2 phần cơ bản: Lý luận Ngoại thương (gồm Ngoại thương XHCN và Ngoại thương TBCN) và một số môn hướng dẫn các thao tác cụ thể về đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương, Vận tải giao nhận trong ngoại thương, Thanh toán quốc tế và Luật áp dụng trong Ngoại thương (thời đó gọi chung là nghiệp vụ Ngoại thương). Từ khi khởi đầu cho tới thời gian dài sau này, chương trình đào tạo của trường Đại học Ngoại thương vẫn xoay quanh những vấn đề đó. Có thể nói, chương trình đào tạo của trường Đại học Ngoại thương giai đoạn này chủ yếu phục vụ cho việc đào tạo cán bộ cho ngành Ngoại thương Việt Nam và hoạt động Ngoại thương Việt nam thì chủ yếu với Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN anh em và theo kế hoạch, theo Hiệp định 5 năm và theo các Nghị định thư hàng năm, còn quan hệ với thị trường tư bản gần như chưa có mấy.
Trong thời kỳ đầu, đội ngũ cán bộ công tác trong ngành Ngoại thương chủ yếu là bộ đội chuyển ngành và cán bộ đang công tác từ các ngành, lĩnh vực khác điều động sang nên cũng chỉ cần hướng dẫn về một số nghiệp vụ xuất nhập khẩu hoặc đào tạo ngắn hạn tại trường nghiệp vụ của Bộ Ngoại thương là đã có thể làm được việc. Các khoá học như vậy đã được tổ chức như lớp Nghiệp vụ Ngoại thương 1 năm ở xã Trang Liệt, Từ Sơn, Bắc Ninh, trường trung cấp Nghiệp vụ Ngoại thương ở Bãi Phúc Xá, sau chuyển về Yên Viên…vv. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh chung của đất nước khi hai miền bị chia cắt và thực trạng hoạt động của ngành ngoại thương Việt Nam như đã nói ở trên.
Kể từ khi thành lập Khoa Quan hệ Quốc tế vào năm 1960, Bộ môn Ngoại thương- tiền thân của trường Đại học Ngoại thương ngày nay tồn tại trong khoảng 2 năm đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình là viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp đào tạo cấp đại học Ngoại thương Việt Nam.
Vai trò lãnh đạo của Đảng lúc đó là chi bộ Khoa Quan hệ Quốc tế (trực thuộc Đảng bộ Trường Kinh tế - Tài chính) các ông Lê Đức Dục và Nguyễn Doãn Đính của Bộ môn Ngoại thương là các chi uỷ viên, Bí thư chi bộ là người của bộ môn Ngoại giao. Công đoàn bộ phận (Công đoàn Khoa Quan hệ Quốc tế) cũng được thành lập và Thư ký Công đoàn là ông Nguyễn Xuân Thảo.
Tới năm 1962 Khoa Quan hệ Quốc tế mới thực sự tách ra khỏi trường đại học Kinh tế- Tài chính và Chính phủ thành lập trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương (bậc đại học) theo Quyết định số 74- CP ngày 20/6/1962. Trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đóng trụ sở tại Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội. Với mốc lịch sử quan trọng này, Trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương thực sự trở thành một cơ sở đào tạo đại học độc lập, có chức năng đào tạo chuyên sâu cán bộ làm công tác Ngoại thương có trình độ cao (Khoa Ngoại thương). Tuy nhiên, cho tới năm 1965 trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương mới được chính thức công nhận thuộc hệ thống các trường đại học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Theo Quyết định số 187/CP ngày 3/9/1965).
Về cơ sở vật chất ngày đầu mới thành lập: khu đất của trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương tọa lạc trên khu đất khoảng 4 ha (gồm khuôn viên của Học viện Ngoại giao và Trường Đại học Ngoại thương hiện nay) nguyên là cơ sở xay xát và nhà kho chứa thóc của Bộ Lương Thực (thời kỳ này Việt Nam có Bộ Lương thực). Lúc ban đầu, cơ sở này có khoảng 10 dãy nhà cấp 4 (tường gạch, lợp ngói đã cũ nát) và các dãy nhà này được cải tạo thành các lớp học và các phòng ở cho sinh viên và cho một số cán bộ, giảng viên của trường. Cơ sở xay xát còn có một nhà rất rộng đặt máy xay xát và được cải tạo thành hội trường lớn khoảng 400 chỗ ngồi. Nhìn chung, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, hầu như không có gì ngoài các dãy nhà cấp 4, phương tiện làm việc cũng còn rất thiếu thốn. Cũng may là thuở ban đầu ấy, số lượng sinh viên và cán bộ, giảng viên không nhiều nên cũng tạm đủ.
Trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương như đã nói ở trên, trực thuộc bộ Ngoại giao, nên hầu hết các cán bộ lãnh đạo trường đều do Bộ Ngoại giao bổ nhiệm, từ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cho tới các trưởng, phó phòng như: Tổ chức cán bộ, Quản trị - hành chính, Tài vụ…vv. Hiệu trưởng đầu tiên của trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương là ông Hoàng Văn Lợi (thứ trưởng Bộ Ngoại giao), còn Phó Hiệu trưởng thường trực là ông Nguyễn Văn Tuân (vì ông Hoàng Văn Lợi lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm chức hiệu trưởng nên mọi việc của nhà trường do ông Nguyễn Văn Tuân phó hiệu trưởng thường trực điều hành). Các Phó Hiệu trưởng khác là ông Nguyễn Đăng Hành (1963-1964) và ông Nguyễn Quang Tạo (1967).
Trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương chỉ có 2 khoa: Khoa Ngoại giao và khoa Ngoại thương (từ 2 bộ môn trước đây chuyển lên thành 2 khoa). Chủ nhiệm khoa Ngoại thương đầu tiên là ông Nguyễn Quang Phụng, phó chủ nhiệm khoa là ông Lê Đức Dục và ông Nguyễn Doãn Đính. Ngoài 2 khoa chuyên ngành còn thành lập thêm 2 bộ môn: Bộ môn Chính trị và bộ môn Ngoại ngữ, chánh, phó chủ nhiệm các bộ môn này cũng do Bộ Ngoại giao cử. Bộ Ngoại thương khi đó chỉ cử các cán bộ về phụ trách và làm giáo viên của Khoa Ngoại thương, ngoài ra cũng có điều 1 cán bộ - ông Nguyễn Văn Hồi, về làm ở Phòng Tổ chức – cán bộ để theo dõi các cán bộ, giảng viên được điều động về Khoa Ngoại thương.Thời gian sau đó, Bộ Ngoại thương cũng chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ cán bộ- giảng viên cho Khoa Ngoại thương nên đã tăng cường điều động cán bộ cho khoa, đặc biệt là những người tốt nghiệp ở nước ngoài về. Trong số giảng viên được đào tạo ở nước ngoài về Khoa Ngoại thương có các ông: Vũ Bình, Nguyễn Minh Đạo, Trần Văn Chu, Lê Minh Thật, Phan Văn Thợi, Nguyễn Văn Vy, Đào Văn Ước (tốt nghiệp ở Liên Xô); Trương Tấn Tài (tốt nghiệp ở Tiệp Khắc); Phạm Văn Luông, Nguyễn Ngọc Hiện, Phan Bá Trưng (tốt nghiệp ở Trung Quốc) và một số giảng viên dạy ngoại ngữ như: ông Đỗ Mộng Hùng,Nguyễn Văn Đăng, Khúc Lễ, Dương Kỳ Anh, Trung Sơn (dạy tiếng Anh); Vũ Đăng Ất, Thế Anh, Trần Văn Duẩn (dạy tiếng Nga); Nguyễn Dương, Trần Ngọc Hải, Hồ Hán (dạy tiếng Pháp), ông Nguyễn Thiện Đạt, Lý Chí Vinh ( dạy tiếng Trung Quốc). Ngoài ra, Bộ Ngoại thương cũng điều về một số giảng viên Chính trị như: ông Nguyễn Phước Đích, Trương Như Nghiệm, Lê Duy Hải, Nguyễn Hữu Dũng, Hồ Phúc, Nguyễn Thành Lan. Đồng thời Bộ Ngoại giao cũng điều động thêm người về trường nên đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã được tăng cường.
Về công tác đào tạo, cũng trong thời gian này Trường có 3 khoá Ngoại giao và 3 khoá Ngoại thương và mỗi khoá chỉ khoảng 50 sinh viên. Hầu hết số sinh viên thuộc diện cử tuyển và là cán bộ đang công tác trong Ngành Ngoại thương và một số học sinh tốt nghiệp cấp 3 (lớp 10 hệ phổ thông 10 năm). Thời gian học là 5 năm, theo chương trình được biên soạn riêng và theo chương trình chung của trường Kinh tế- Tài chính. Việc giảng dạy các môn nghiệp vụ Ngoại thương theo chỉ đạo của Bộ Ngoại thương. Cũng trong thời gian này, ngoài các khoá bậc đại học chính quy, Bộ Ngoại thương còn giao nhiệm vụ cho trường (thực chất là Khoa Ngoại thương) mở các lớp dạy các môn nghiệp vụ XNK chủ yếu cho các cán bộ từ phó phòng trở lên ở các Tổng công ty XNK, Văn phòng bộ và các đơn vị khác trực thuộc Bộ Ngoại thương. Mỗi lớp được tổ chức đào tạo trong 3 tháng và có khoảng 80 học viên. Các giảng viên được giao giảng dạy phải biên soạn bài giảng trên cơ sở chương trình của Liên Xô, Trung Quốc và nghiên cứu từ thực tiễn hoạt động ngoại thương tại các Tổng công ty XNK. Trong số các giảng viên được phân công giảng dạy các môn nghiệp vụ Ngoại thương phải kể đến là: Luật sư Lê Văn Ngọ được phân công giảng môn Luật áp dụng trong Ngoại thương, Thày Doãn Tường Vân dạy môn Nguyên lý Ngoại thương, thày Lê Đức Dục và thày Nguyễn Dức Dỵ giảng môn Thanh toán Quốc tế, thày Huỳnh Tấn Phát dạy môn Vận tải và giao nhận Ngoại thương, thày Nguyễn Doãn Đính dạy môn Thị trường và Giá cả. Riêng môn học Tổ chức và Kỹ thuật Ngoại thương (môn đặc trưng của trường Đại học Ngoại thương trong nhiều năm) được giao cho các thày Dục, Phát, Dỵ chia nhau chuẩn bị và giảng dạy.
Giáo trình, giáo án và bài giảng chủ yếu được in roneo trên giấy đen hoặc viết tay rất thủ công. Hiện nay, trong Nhà truyền thống của trường Đại học Ngoại thương còn lưu trữ các loại ấn phẩm này.
Trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương ra đời chưa được bao lâu thì ngày 15 tháng 8 năm 1964 Đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc bằng không quân và mở màn cho cuộc đánh phá ác liệt này là các cuộc doanh kích bằng máy bay ở Lạch Trường (Thanh Hoá) và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng quyết liệt về quy mô và mở rộng phạm vi trên toàn lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Để đảm bảo an toàn cho thày và trò cũng như các hoạt động đào tạo tiến hành bình thương, theo kế hoạch, Chính phủ chỉ thị cho tất cả các trường đại học phải tìm nơi sơ tán. Trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương cùng cả nước phải chuyển sang một thời kỳ mới hết sức khó khăn, gian khổ nhưng cũng vô cùng oanh liệt, hào hùng. Việc tìm nơi sơ tán để bảo toàn tính mạng cho thày và trò nhưng vẫn phải đảm bảo các hoạt động giảng dạy tương đối bình thường là một vấn đề không đơn giản. Lúc đầu, ý định của hai Bộ chủ quản (Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại thương) là đưa trường sơ tán tới một tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc (Cao Bằng, hoặc Lạng Sơn) để đề phòng nếu Mỹ đánh phá mở rộng ra thì sơ tán sang bên kia biên giới Việt- Trung. Sau khi đoàn cán bộ của trường đi tìm hiểu và khảo sát tại 2 huyện Trùng Khánh và Hoà An thuộc tỉnh Cao Bằng thấy rằng ở vùng sát biên giới chỉ thoả mãn một điều kiện an toàn tính mạng cho thầy và trò, còn các điều kiện khác như liên lạc thường xuyên với 2 bộ chủ quản, cung cấp nguồn thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống và dạy- học là không thể vì địa bàn quá xa, heo hút, dân cư chủ yếu là các dân tộc ít người. Cuối cùng, sau những ngày đi khảo sát vất vả Trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương đã tìm được một nơi vừa kín đáo, bảo đảm an toàn,vừa thuận tiện cho công tác hậu cần (thoả mãn cả 2 điều kiện: an toàn và thuận lợi), đó là: thôn Thù Lâm, xã Tiên Phong, Huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Thôn Thù Lâm, Phổ Yên cách Hà Nội khoảng 50 km, có thể đi xe đạp về Hà Nội, nằm xa đường quốc lộ, có ba mặt giáp sông, có thể từ Hà Bắc sang hoặc Thái Nguyên vào và khi cần cũng có thể rút nhanh sang bên kia biên giới Việt- Trung. Thôn Thù lâm có địa bàn khá rộng, có thể bố trí rải rác các lớp ở xa nhau để phòng tránh thương vong lớn khi máy bay địch oanh tạc.
Sau khi được hai Bộ chủ quản đồng ý, trường triển khai ngay chiến dịch sơ tán từ Láng Thượng lên Phổ Yên. Thầy trò “gồng gánh” đưa nhau về nơi sơ tán, hầu hết cán bộ, giảng viên và một bộ phận sinh viên đi bằng xe đạp từ ga Phổ Yên về địa điểm sơ tán, một số cuốc bộ. Các xe tải của Bộ để chuyên chở các hồ sơ, giấy tờ, bàn ghế, trang thiết bị và phòng thí nghiệm phục vụ cho hoạt động đào tạo về nơi sơ tán. Chỉ trong 3 ngày toàn trường đã di dời xong toàn bộ cơ sở Láng Thượng về nơi sơ tán an toàn.
Tới nơi sơ tán, các cán bộ, giảng viên và sinh viên bắt tay ổn định nơi ăn, ở và học tập. Tất cả sinh viên đều tích cực tham gia xây dựng trường sở. Các sinh viên được bố trí ở cùng các nhà dân, giáo viên, cán bộ thuộc khoa nào cũng về ở cùng với sinh viên khoa đó. Cán bộ, giảng viên và sinh viên ăn cùng nhau tại các nhà ăn tập thể được bố trí tại các xóm theo từng khoá và từng khoa. Các phòng học được bố trí rải rác ở các xóm và được xây dựng đơn sơ bằng tre, nứa, lợp bằng là gồi và do chính thày trò bỏ công sức ra làm. Do sự nỗ lực vượt bực của cán bộ- giảng viên và sinh viên, nên chỉ chưa đầy nửa tháng, trường đã tiếp tục thực hiện kế hoạch của năm học.
Về giảng dạy và học tập ở nơi sơ tán: trong thời kỳ này, lực lượng giảng viên đã được bổ sung thêm nên một số giảng viên đã có thời gian chuẩn bị và biên soạn giáo trình, bài giảng, đặc biệt Khoa đã cử một số giảng viên về các Tổng công ty XNK để tìm hiểu thực tiễn, thu thập tài liệu và nghiệp vụ ngoại thương thực tế. Nội dung các bài giảng đã bước đầu có liên hệ ít nhiều với thực tế ngoại thương Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn là cảnh dạy chay do giáo trình biên soạn chưa xong, không có tài liệu tham khảo, phương pháp giảng dạy chủ yếu thầy đọc- trò chép. Đội ngũ giảng viên chủ yếu vẫn là chọn những người học giỏi trong số học sinh tốt nghiệp của Trường.
Khi sơ tán lên Phổ Yên chỉ có khoá 2 và khoá 3 Ngoại thương và Ngoại giao cùng sơ tán theo trường, riêng khoá 1 chiêu sinh từ trường Kinh tế- Tài chính, chuẩn bị tốt nghiệp nên được phân công tất cả về các Tổng công ty XNK để thực tập và ôn thi tốt nghiệp. Các sinh viên khoá 1 về các đơn vị XNK được bố trí trực tiếp làm việc như các cán bộ, nhân viên của Tổng công ty. Nhà trường tổ chức thi tốt nghiệp cho sinh viên khoá 1 tại Hà Nội, và trong kỳ thi này Khoa Ngoại thương đã chọn ra một số sinh viên giỏi cho viết luận văn, còn lại thi tốt nghiệp. Các môn thi tốt nghiệp khi đó được quy định gồm: Chính trị, Ngoại ngữ, môn Lý luận Ngoại thương và môn Nghiệp vụ Ngoại thương. Sau kỳ thi, căn cứ kết quả Khoa Ngoại thương đã giữ lại một số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi để làm giáo viên, trong số đó có: sinh viên Đồng Văn Tiền (sau này đã làm trưởng phòng Đào tạo của trường Đại học Ngoại thương, sau đó chuyển về Đà Nẵng công tác với chức danh Giám đốc Chi Nhánh phòng thương mại và công nghiệp Đà Nẵng), Lê Quang Thịnh - dạy môn Luật áp dụng trong Ngoại thương, sau khi nghiên cứu sinh ở Liên Xô về ông chuyển lên Bộ làm Vụ trưởng Vụ Pháp luật, bộ Ngoại thương và đã mất, ông Võ Văn Cao (sau này chuyển sang cơ quan khác), ông Hoàng Vĩnh Phúc, ông Lưu Tiền Hải (sau này chuyển sang cơ quan khác) và ông Đinh Xuân Trình ( là Giáo sư, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Ngoại thương, đã nghỉ hưu tại trường).
Trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương được thành lập từ năm 1962 và chỉ tuyển sinh đào tạo được các khoá 1963-1964 (khoá 2), 1964-1965 (khoá 3) và khóa 4(1965-1966). Bắt đầu khóa 5 (1966-1967) trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương được chia tách ra thành 2 trường: Trường Ngoại giao- trực thuộc bộ Ngoại giao và Trường Ngoại thương- trực thuộc Bộ Ngoại thương (theo Quyết định số 123/CP ngày 14/8/1967 của Hội đồng Chính phủ). Như vậy, từ năm 1967 trường Đại học Ngoai thương mới chính thức ra đời, với tên là trường Ngoại thương (chúng ta sẽ xem ở phần II của cuốn sách này) và giai đoạn tiền thân của trường ta chỉ kéo dài có 6 năm (1960-1966).
Chặng đường đầu tiên khi mới ra đời ngành Đại học Ngoại thương, từ lúc ban đầu chỉ là một Tổ bộ môn Ngoại thương trong Khoa Quan hệ Quốc tế rồi thành Khoa Ngoại thương trong trường Cán bộ Ngoại giao- Ngoại thương dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Ngoại giao đã để lại cho các thế hệ sau này một nền tảng vững chắc tiếp tục sự nghiệp đào tạo cán bộ cho ngành và đất nước. Các thế hệ những người đi trước đã làm được những gì có thể làm trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ và thiếu thốn cho ngày hôm nay và cho mai sau. Những người thày giáo, những người cán bộ, nhân viên và những sinh viên các khoá đầu tiên, từ thuở ban đầu ấy đến nay những ai còn, ai mất, nhưng tên tuổi của họ vẫn mãi mãi ghi trong lịch sử 50 năm xây dựng và phát triển của trường Đại học Ngoại thương.