Sidebar

Magazine menu

22
Wed, Jan
48 Bài viết mới

Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS)

Các đơn vị

Website: https://fiis.ftu.edu.vn/

Tháng 04/2017, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (Trung tâm FIIS) được chính thức đi vào hoạt động, đưa các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của trường Đại học Ngoại Thương lên một nấc thang mới, bài bản và toàn diện hơn.
Trung tâm đã trở thành mái nhà chung, kết nối với các trường Đại học đối tác trên thế giới, mạng lưới cố vấn khởi nghiệp, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp.
Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU có chức năng tham mưu và giúp Hiệu trưởng trong việc quản lý, tổng hợp, đề xuất ý kiến và tổ chức thực hiện các công tác: đào tạo, tư vấn, hỗ trợ, hợp tác quốc tế, cung cấp dịch vụ thuộc hoạt động khởi nghiệp và sáng tạo.
Số cán bộ, viên chức cơ hữu của đơn vị gồm 6 thành viên.
Trung tâm hiện có 5 Ban chức năng (Ban Hành chính - Văn phòng, Ban Đối ngoại - Truyền thông, Ban Đào tạo, Ban Ươm tạo và Ban Nghiên cứu phát triển) với 6 cán bộ viên chức cơ hữu và hàng trăm các cộng tác viên là doanh nhân, chuyên gia và sinh viên.
Lãnh đạo đơn vị:
Giám đốc: PGS, TS Lê Thị Thu Hà
Phó Giám đốc: TS. Nguyễn Thu Hằng


Kể từ khi bắt đầu hoạt động cho đến nay, hàng loạt chương trình đã được Trung tâm triển khai, có thể kể đến một số hoạt động tiêu biểu như sau:
Chuỗi sự kiện kết nối cộng đồng:
Chuỗi sự kiện Ftalk được tổ chức hàng tháng xoay quanh chủ đề Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; Chương trình Vietnam Actnovation Summit (VAS) được tổ chức 6 tháng một lần nhằm thúc đẩy tinh thần doanh nhân và truyền cảm hứng đến cộng đồng trẻ về tinh thần khởi nghiệp;
Bên cạnh đó, FIIS cũng tham gia tích cực các sự kiện trong và ngoài nước như: Ngày hội khởi nghiệp quốc gia Techfest, Ngày hội khởi nghiệp của học sinh và sinh viên SWISS, Trại hè khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Bootcamp), Cuộc thi SVstarup, Diễn đàn kinh tế mới nổi tại Ba Lan, Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội SBC….
Hoạt động đào tạo:
Trung tâm thường xuyên cung cấp các khóa huấn luyện thực tiễn cho cộng đồng trẻ, startup, doanh nghiệp để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo. Tiêu biểu như: Khóa học Entrepreneur Z (EZ) đào tạo thế hệ doanh nhân tích cực và sáng tạo vì cộng đồng xã hội - doanh nhân thế hệ Z; Chuỗi khóa đào tạo “Tôi tự tin sáng tạo” (Turn on Innovation) nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và năng lực sáng tạo trong sinh viên; Chương trình Pre - Incubation Bootcamp/Hackathon huấn luyện nâng cao giúp các ý tưởng sáng tạo thành các dự án khả thi… Đồng thời, FIIS cũng phối hợp với các đối tác như Vietnam Silicon Valley (VSV), Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam Phần Lan (IPP), Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss EP) hay Trường Đại học Quốc gia Malaysia, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giảng viên, cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…
Từ năm 2018 đến nay, trong chương trình hợp tác với Trường ĐH HEC Montreal (Canada) và 7 hub khác trên thế giới, Trung tâm FIIS trở thành đơn vị quản lý Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội (Social Business Creation - SBC) tại Việt Nam, đây là một nền tảng đào tạo toàn cầu về kinh doanh tạo tác động xã hội và ươm tạo các nhà lãnh đạo và doanh nhân xã hội. Sinh viên và người tham gia cuộc thi SBC có thể được công nhận chuyển điểm môn học SBC tại trường Đại học Ngoại thương. Cán bộ giảng viên tham gia chương trình sẽ được đào tạo trở thành cố vấn và giảng viên nguồn về SBC, tham gia các hoạt động giảng dạy, cố vấn và nghiên cứu SBC ở Việt Nam và trên toàn cầu. SBC đã trở thành một hệ sinh thái toàn diện về đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của cộng đồng ở quy mô Việt Nam, khu vực và toàn cầu.
Từ năm 2022, chuỗi các khóa đào tạo TOT “Nhà giáo dục sáng tạo và truyền cảm hứng - The inspioneer” nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và truyền cảm hứng của đội ngũ cán bộ, giảng viên tại các trường đại học trong bối cảnh mới về chuyển đổi số và thách thức đại dịch Covid-19;
Hoạt động ươm tạo:
Chương trình Ươm tạo khởi nghiệp SIP 100 (Startup Incubation Program 100) do FIIS chủ trì phối hợp với các tổ chức/quỹ…Trải qua 6 mùa, SIP100 đã đã chọn lựa được hơn 50 nhóm khởi nghiệp để tham gia vào chương trình ươm tạo từ hơn 1000 ý tưởng của sinh viên và các nhóm khởi nghiệp trên toàn quốc. Từ 2021, chương trình SIP100 với chủ đề kinh tế tuần hoàn đã ươm tạo hơn 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững. Năm 2024, SIP100 với format đổi mới, đồng hành cùng các nhà sáng lập có tinh thần xã hội, thúc đẩy chuyển đổi kép: chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, thông qua việc phát triển kinh doanh bền vững toàn cầu và gia tăng tác động xã hội, tiến tới mở rộng thị trường quốc tế.
Tháng 7/2020, Chương trình Runway - Bringing Vietnam to the World, chương trình tăng tốc kinh doanh duy nhất tại Việt Nam dành cho các doanh nghiệp mong muốn phát triển thị trường quốc tế với đội ngũ cố vấn giàu kinh nghiệm và mạng lưới đối tác toàn cầu.
Từ năm 2021, với chiến lược phát triển bền vững, trường Đại học Ngoại thương đã xây dựng chương trình Kinh tế tuần hoàn - CE (Circular Economy), với sự hỗ trợ và đồng hành của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP). CE là hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua chuỗi các hoạt động sáng tạo, đào tạo, cố vấn, chuyển giao mô hình tinh gọn, kết nối với hệ sinh thái khu vực và quốc tế.
Hoạt động đầu tiên của chương trình CE là truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn thông qua chuỗi Hội thảo CE trực tiếp và trực tuyến thu hút hơn 3000 người tham dự. Hoạt động tiếp theo là xây dựng đội ngũ chuyên gia, trong năm 2021 trung tâm FIIS đã tổ chức thành công 2 khoá TOT - The CE Inspioneer thiết lập được mạng lưới 106 các chuyên gia, giảng viên có chuyên môn cao về Kinh tế tuần hoàn, luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng giới trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp - startup, và các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình Kinh tế tuần hoàn, hướng đến phát triển bền vững. Trung tâm FIIS triển khai chương trình CE Bootcamp - Tập huấn dành cho Doanh nghiệp chuyển đổi mô hình Kinh tế tuần hoàn nhằm cung cấp kiến thức và công cụ thực tiễn cho doanh nghiệp. Qua chương trình bootcamp, trung tâm FIIS chọn các doanh nghiệp phù hợp nhất đưa vào chương trình Uơm tạo CE trong giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ, đồng hành và kết nối nguồn lực cho các doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Song song với hoạt động ươm tạo, với sứ mệnh giúp các bạn trẻ trải nghiệm những góc nhìn chân thực, tiếp cận các case study thực tế từ doanh nghiệp và tích lũy được kinh nghiệm về khởi nghiệp và kinh tế tuần hoàn, trung tâm FIIS tổ chức chương trình Hackathon Kinh tế tuần hoàn vào đầu năm 2022.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển:
FIIS tập trung các nghiên cứu về Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó FIIS cũng là đối tác tin cậy của các cơ quan xây dựng chính sách, có thể kể đến “Chương trình nâng cao nhận thức của sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ” (Bộ Khoa học và Công nghệ); Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”, hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women); Dự án "Bản đồ các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và Đánh giá tình hình sử dụng các dịch vụ sở hữu trí tuệ của Doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp", hợp tác với Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO).
FIIS thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học nhằm tạo cơ hội để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, kết nối các bên liên quan và tăng cường hợp tác. Gần đây nhất là Hội thảo quốc tế "Sáng tạo kinh doanh xã hội: Thực tiễn và giải quyết các vấn đề xã hội thông qua khởi nghiệp sáng tạo", hợp tác với Đại học HEC Montreal (Canada), Đại học Northampton (Vương quốc Anh), và trường Đại học Kinh doanh EDC Paris (Pháp) tổ chức.
Trong quá trình hoạt động, FIIS luôn chú trọng xây dựng mạng lưới chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế và bồi dưỡng năng lực cho các nhà nghiên cứu Việt Nam. Từ năm 2021, trong khuôn khổ Cuộc thi Sáng tạo Kinh doanh xã hội, FIIS đã hợp tác với Đại học HEC Montreal Canada triển khai chương trình Hợp tác nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác và sự gắn kết giữa nghiên cứu với thực tiễn. Bên cạnh đó, FIIS cũng quan tâm đào tạo và hướng dẫn sinh viên trong và ngoài trường Đại học Ngoại thương thực hiện nghiên cứu khoa học.
Với các thành tích đã đạt được, Trung tâm đã được nhận Giải thưởng Én Xanh tiên phong “Hỗ trợ sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng”; Giải thưởng “Sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững” - Chương trình Én xanh 2019; Giải thưởng “Trường Đại học tạo tác nhân thay đổi lớn nhất” năm 2021 do Trường ĐH HEC Montreal (Canada) trao tặng; Giải thưởng “Trường đại học tiên phong trong Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo” do VCCI trao tặng 2021.
Lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ:
Giám đốc: PGS, TS Lê Thị Thu Hà (2017 - nay)