Ngày 22/07/2020, Khoa KTKT đã tổ chức Hội thảo khoa học "Kế toán - Kiểm toán trong thời đại 4.0" với sự tham dự của PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Trần Thị Kim Anh - Trưởng Khoa KTKT, đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp hành nghề Kế toán - Kiểm toán, các giảng viên khách mời đến từ các trường ĐH bạn, đại diện lãnh đạo một số Khoa chuyên môn trong trường cùng cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa KTKT.
Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Phạm Thu Hương cho rằng Việt Nam đang trong tiến hình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và lĩnh vực kế toán, kiểm toán không thể nằm ngoài xu thế đó. Hơn nữa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động làm thay đổi cách tiếp cận về khoa học và thực tiễn nghề nghiệp kế toán kiểm toán trên phạm vi toàn cầu và ngày càng rõ nét ở Việt Nam. Cuộc CMCN 4.0 đặt ra cho ngành Kế toán - Kiểm toán nhiều thách thức yêu cầu cần phải thay đổi về nhiều mặt để nhanh chóng thích nghi với bối cảnh mới và vì thế đào tạo kế toán - kiểm toán cũng theo đó phải thay đổi phù hợp và linh hoạt với thực tiễn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, chỉ rõ cơ hội và thách thức đặt ra đối với kế toán kiểm toán. Từ đó, các nhà khoa học tham gia hội thảo cho rằng việc đổi mới đào tạo và nghiên cứu khoa học kế toán, kiểm toán trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra rất cấp bách. Trên cơ sở đánh giá thực trạng hệ thống đào tạo, quan điểm và chương trình, phương pháp đào tạo, nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo đã đề xuất định hướng, gợi mở và các biện pháp cụ thể nhằm đổi mới đào tạo và nghiên cứu khoa học kế toán, kiểm toán một cách toàn diện, từ đổi mới nhận thức, đổi mới mục tiêu đào tạo, cách tiếp cận, chương trình và phương pháp đào tạo…
Từ góc độ các doanh nghiệp, các chuyên gia thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã có nhiều ý kiến sâu sắc, trong đó nêu bật các nhu cầu của thực tiễn đối với nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, tác động của việc ứng dụng công nghệ đối với nghề nghiệp, thực hành kế toán, kiểm toán. Đây là căn cứ thực tiễn quan trọng có giá trị định hướng cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu, kế toán kiểm toán nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh mới. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán.