Sidebar

Magazine menu

21
Sat, Dec

Hội thảo “Dự báo kinh tế số 2022: Cú hích từ đại dịch đến kinh tế số”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 23/12/2021, trong khuôn khổ “Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp”, Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp đã tổ chức hội thảo “Dự báo kinh tế số 2022: Cú hích từ đại dịch đến kinh tế số”.

 Tham dự hội thảo có PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TSKH Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp cùng các diễn giả chính: PGS, TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo trường ĐH Ngoại thương; TS Nguyễn Bình Dương - Giảng viên khoa Kinh tế quốc tế trường ĐH Ngoại thương; Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Công nghệ thông tin, BECAMEX IDC CORP; Ông Nguyễn Hồng Lam - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hồng Lam; Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần EUBIZ Việt Nam và Công ty Cổ phần EUBIZ Bình Phước, Giảng viên về nông nghiệp 4.0, Thương mại điện tử của FAO cùng đại diện các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, học viện.

Mở đầu chương trình, PGS, TS Đào Ngọc Tiến bày tỏ vui mừng khi hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, giảng viên, doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số, chủ động thích ứng trong tình hình căng thẳng hiện nay.

PGS, TSKH Nguyễn Văn Minh đã nêu lên vấn đề các “ông lớn" về kỹ thuật số đang dẫn dắt thế giới, hưởng lợi lớn về “cú hích đại dịch”. Chính vì vậy các doanh nghiệp phải tư duy lại về lợi thế cạnh tranh khi môi trường đang thay đổi.

TS. Nguyễn Bình Dương với tham luận "Tổng quan nền kinh tế số Việt Nam: hiện trạng và xu hướng" khẳng định kinh tế số đang đi vào mọi lĩnh vực trong đời sống, giờ đây kinh tế số không phải sự lựa chọn mà là con đường mà doanh nghiệp phải đi.

Trong tham luận về “Thương mại điện tử xuyên quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp”, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa đã chỉ rõ để phát triển lĩnh vực này thì doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát quá trình, chuẩn hóa thông tin và đào tạo nội bộ. Tất cả điều này đều có thể thực hiện thông qua chuyển đổi số. Đặc biệt nông nghiệp số cũng đã tạo ra giá trị rất lớn cho thương mại Việt Nam.

Với tham luận “Tùy biến hàng loạt – Mass Customization: Xu hướng của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0”, ông Phạm Tuấn Anh đã trình bày về các vấn đề xoay quanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc chuyển đổi từ sản xuất sang tuỳ chỉnh hàng loạt, sản xuất thông minh và nhà máy thông minh và thông tin về Trung tâm sáng tạo và sản xuất thông minh Becamex.

Tham luận “Một số vấn đề chuyển đổi số trong quản lý nhà máy sản xuất Hồng Lam” của ông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ xoay quanh câu chuyện kết nối giá trị văn hóa Việt Nam và những đổi mới trong kinh doanh vươn tầm sản phẩm ra thế giới.

Tham luận của PGS, TS Lê Thị Thu Hà về “Kinh tế tuần hoàn: Xu hướng trên thế giới và triển vọng áp dụng ở Việt Nam” đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa kinh tế số và kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh “cú hích của đại dịch” cũng như những diễn biến tương tự trong tương lai.

Hội thảo đã đưa ra bức tranh toàn cảnh từ tác động của “cú hích" đại dịch tới quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Các đại biểu tham gia hội thảo đều nhất trí kinh tế số hiện nay là cấu phần không thể tách rời, quá trình thích ứng số là một quá trình vô cùng phức tạp và doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống mở để tiếp nhận thông tin hữu ích nhất cho mô hình kinh doanh của mình. Để thực hiện chuyển đổi số bền vững, doanh nghiệp cần tập trung vào đào tạo và nâng cao chất lượng các yếu tố nội lực, đặc biệt là đội ngũ nhân viên trong công ty. Cú hích tiếp theo sau đại dịch có lẽ là cú hích kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Khi chúng ta trở nên thông minh hơn, làm việc năng suất hơn thì yêu cầu đặt ra là làm sao để xây dựng và bảo vệ một cuộc sống xanh, an toàn và hạnh phúc, phục vụ chính nhu cầu của con người.