Sidebar

Magazine menu

21
Sat, Dec

Hội nghị Tổng kết Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế năm học 2021-2022

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 11/04/2023, Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế (KT&KDQT), Trường ĐH Ngoại thương đã trang trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế năm học 2021-2022.

 Tham dự Hội nghị có TS Nguyễn Phúc Hiền – Giám đốc Trung tâm Khảo thí & Đảm bảo chất lượng; PGS, TS Bùi Thị Lý – Viện trưởng Viện KT&KDQT; TS Nguyễn Thị Việt Hoa – Phó Viện trưởng cùng toàn thể các cán bộ viên chức Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS, TS Bùi Thị Lý khẳng định công tác kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo (CTĐT) là vô cùng quan trọng, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện Chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040. Tính đến tháng 3/2023, Viện KT&KDQT đã thực hiện thành công đánh giá ngoài 5 CTĐT bậc cử nhân (bao gồm Chương trình Tiêu chuẩn Kinh tế đối ngoại, Chương trình Tiêu chuẩn Thương mại quốc tế, Chương trình Tiêu chuẩn Kinh doanh quốc tế, Chương trình Chất lượng cao Kinh tế đối ngoại, và Chương trình Tiên tiến Kinh tế đối ngoại). Trong thời gian sắp tới, Viện KT&KDQT sẽ tiến hành đánh giá ngoài với tất cả các CTĐT do Viện quản lý, bao gồm cả các chương trình bậc cử nhân và sau đại học.

Căn cứ trên kết quả và khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các đơn vị chuyên môn như Viện KT&KDQT là cải tiến chất lượng đào tạo. Vì vậy, “Hội nghị Tổng kết Kiểm định CTĐT của Viện KT&KDQT năm học 2021-2022” là hoạt động đầu tiên sau kiểm định, nhằm tóm tắt lại những điểm mạnh, những điểm còn tồn tại trong quá trình thực hiện đánh giá ngoài cũng như đề xuất những cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng thực hiện đánh giá ngoài của Viện KT&KDQT.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Nguyễn Phúc Hiền nhận định Viện KT&KDQT là đơn vị chuyên môn lớn nhất của Nhà trường về số lượng CTĐT cũng như số lượng sinh viên. Theo quy định của Nhà trường, các CTĐT ở tất cả các bậc đào tạo đều cần được kiểm định theo chu kì 5 năm/lần. Hiện nay, Nhà trường đang thực hiện đánh giá ngoài theo hai bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT và AUN QA. Trong thời gian sắp tới, Nhà trường đặt mục tiêu thực hiện kiểm định các CTĐT với những bộ tiêu chuẩn cao hơn như ACBSP, AACSB nhằm đưa các CTĐT của Nhà trường vào nhóm những CTĐT về kinh tế, kinh doanh hàng đầu thế giới. “Hội nghị Tổng kết Kiểm định CTĐT của Viện KT&KDQT năm học 2021-2022” đã giúp hiện thực hóa mục tiêu cải tiến chất lượng CTĐT của Nhà trường, giúp công tác kiểm định đi vào thực chất và hiệu quả hơn. TS Nguyễn Phúc Hiền cũng đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của Viện KT&KDQT trong thành công chung của hoạt động đảm bảo chất lượng của nhà trường thời gian qua.

Tại phần thứ nhất của Hội nghị vơi nội dung “Tổng kết và rút kinh nghiệm về kiểm định chất lượng CTĐT của Viện trong năm học 2022-2023”, TS Đỗ Ngọc Kiên – Trưởng Bộ môn Kinh tế & Quản lý và TS Vũ Thành Toàn – Trưởng Bộ môn Thương mại quốc tế đã lần lượt trình bày tham luận về Tổng kết & rút kinh nghiệm kiểm định hai CTĐT Kinh tế đối ngoại và Thương mại quốc tế trong năm học 2021 - 2022. Các bài tham luận đã tổng hợp lại những điểm mạnh và những hạn chế cần khắc phục trong công tác thực hiện kiểm định hai chương trình, đồng thời cũng đề xuất một số kiến nghị đối với Trung tâm Khảo thí & Đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới.

Phần thứ hai của Hội nghị tập trung vào thảo luận kinh nghiệm thực hiện Quy chế kiểm tra, đánh giá học phần theo QĐ số 1641/QĐ-ĐHNT. Theo đó, hội nghị đã lắng nghe tham luận về chủ đề “Xây dựng cấu trúc đề thi, ngân hàng đề thi và đánh giá theo Rubic” của PGS, TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng Bộ môn Marketing & Truyền thông và tham luận về chủ đề “Lưu trữ và quản lý bài thi” của ThS Lê Minh Trâm – Giảng viên Bộ môn Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng.

Sau khi lắng nghe các bài tham luận, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đưa ra các ý kiến, trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng nhằm đưa ra đóng góp có giá trị giúp nâng cao chất lượng các CTĐT của Viện, cũng như tăng cường sự gắn kết với thực tiễn hơn, phù hợp với định hướng ứng dụng chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.