Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo khoa học quốc tế “Dạy, học tiếng Trung thương mại và nghiên cứu liên ngành”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 6/6/2023, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp cùng ĐH Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải, Trung Quốc) và Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Dạy, học tiếng Trung thương mại và nghiên cứu liên ngành” theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

 Nhằm mục đích thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia, học giả và doanh nghiệp trong lĩnh vực tiếng Trung, tiếng Trung thương mại trong nước và quốc tế nghiên cứu và trao đổi những vấn đề học thuật liên quan đến đào tạo tiếng Trung bậc đại học và giáo dục liên ngành, từ đó tăng cường hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp, Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải, Trung Quốc) và Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Dạy, học tiếng Trung thương mại và nghiên cứu liên ngành”.

 

Hội thảo hướng tới nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên, tạo điều kiện công bố quốc tế, chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp, cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Trung nói chung và tiếng Trung thương mại nói riêng tại các trường Đại học trong nước và quốc tế.

 

Tham dự Hội thảo, về phía Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam có Ông Trịnh Đại Vĩ – Tham tán Giáo dục; Ông Vương Đình Quán - Bí thư thứ nhất. Về phía lãnh đạo các đơn vị đồng tổ chức Hội thảo có: Bà Lục Hiểu Đồng - Giám đốc Hành chính Cơ sở đào tạo giáo viên tiếng Trung quốc tế, ĐH Sư phạm Hoa Đông; Bà Trương Uý - Chủ nhiệm Trung tâm đào tạo giáo viên của Cơ sở đào tạo giáo viên tiếng Trung quốc tế, ĐH Sư phạm Hoa Đông; PGS, TS Cầm Tú Tài - Trưởng Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự đông đảo của các vị đại diện doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước, các chuyên gia, các nhà khoa học, các tác giả và các thầy cô giáo đến từ các trường đại học Việt Nam.

 

Về phía Trường ĐH Ngoại thương có: PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng Quản lý Khoa học; TS Lê Quang Sáng - Trưởng Khoa tiếng Trung Quốc; ThS Lê Thanh Thùy Dương - Phó Trưởng Khoa tiếng Trung Quốc; Trưởng/ Phó một số đơn vị trong trường cùng đông đảo giảng viên, sinh viên Nhà trường.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, với bề dày lịch sử hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Ngoại thương đã trở thành một trong những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán - kiểm toán, luật kinh tế và ngôn ngữ thương mại. Là một trong những trường tiên phong đào tạo ngôn ngữ thương mại ở bậc cử nhân, Nhà trường đã có bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm đào tạo, nghiên cứu liên ngành ngôn ngữ và thương mại với các chuyên ngành như Tiếng Anh thương mại (1999), tiếng Trung thương mại (2006), tiếng Pháp thương mại (2006), tiếng Nhật thương mại (2006). Nhà trường luôn coi trọng và đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học theo hướng hợp tác quốc tế, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, xây dựng và phát triển các chương trình nghiên cứu liên ngành, thúc đẩy các công bố quốc tế uy tín, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, thực hiện chuyển giao tri thức và phục vụ cộng đồng. Trường ĐH Ngoại thương mong muốn được tăng cường hợp tác với các trường đại học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao trí thức. Nhân dịp này, Thầy Hiệu trưởng đã gửi lời cảm ơn chân thành tới các nhà khoa học, các thầy cô giáo ở trong nước và quốc tế đã gửi bài tới hội thảo, cũng như các nhà khoa học đã dành công sức để thẩm định, biên tập các bài viết cho hội thảo. PGS, TS Bùi Anh Tuấn cũng ghi nhận những cố gắng, đóng góp và sự phối hợp hiệu quả của các thành viên Ban tổ chức đến từ 3 trường đại học, góp phần nên thành công của sự kiện ý nghĩa này.


Hội thảo đã được sự quan tâm của nhiều học giả quốc tế và trong nước, thu hút 90 bản tóm tắt, 57 bài viết toàn văn gửi tham gia. Sau hai vòng phản biện và kiểm tra chống đạo văn nghiêm ngặt, Ban biên tập đã thống nhất lựa chọn 46 bài viết trong đó có 20 bài từ học giả quốc tế để đưa vào Kỷ yếu hội thảo có mã ISBN.


Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Đại Vĩ – Tham tán Giáo dục Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng hữu nghị, núi liền núi sông liền sông, có những lợi thế riêng và đặc biệt trong hợp tác đầu tư và kinh tế, thương mại. Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 16 năm liên tiếp. Ngôn ngữ là công cụ thúc đẩy giao lưu và giao tiếp, trao đổi, hợp tác với nhau, là cầu nối tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị, là chất xúc tác hiện thực hóa hợp tác hai bên cùng có lợi. Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng sâu sắc đã tạo ra nhiều cơ hội và tương lai rộng mở hơn cho sinh viên Việt Nam học tiếng Trung Quốc. Việt Nam hiện có hơn 50 trường đại học có khoa tiếng Trung Quốc hoặc chuyên ngành tiếng Trung Quốc, có hơn 20.000 sinh viên đại học đang theo học tiếng Trung Quốc. Sự phát triển trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc đòi hỏi người học tiếng Trung Quốc trong các trường đại học không chỉ thông thạo ngôn ngữ này, mà còn phải nắm vững kiến thức, kĩ năng các môn học về thương mại, đầu tư, tài chính, du lịch, kế toán, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và năng lượng xanh,... Hội thảo hôm nay với nội dung chính là giảng dạy tiếng Trung thương mại và nghiên cứu liên ngành, đã kịp thời đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của việc xây dựng và phát triển chuyên ngành tiếng Trung trong giai đoạn hiện nay, đồng thời cũng đưa ra được định hướng dẫn dắt quan trọng cho sự phát triển của chuyên ngành tiếng Trung trong tương lai.


Ngay sau phiên khai mạc, Hội thảo được lắng nghe phần tham luận chính của 3 đại diện đến từ 3 đơn vị đồng tổ chức Hội thảo: TS Lê Quang Sáng – Trưởng Khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Ngoại thương trình bày tham luận: "Nghiên cứu mô hình mới trong đào tạo nhân tài kép ngành ngôn ngữ thương mại - Thí điểm trong đào tạo liên ngành ngôn ngữ thương mại tiếng Trung trường ĐH Ngoại Thương"; GS Kỳ Phong – Chủ nhiệm khoa Hán ngữ, Viện Văn hóa Hán ngữ Quốc tế, ĐH Sư phạm Hoa Đông trình bày tham luận: “Thực trạng và triển vọng giảng dạy tiếng Trung thương mại bậc đại học - lấy ví dụ từ ĐH Sư phạm Hoa Đông”; PGS.TS Cầm Tú Tài – Trưởng Khoa Ngôn ngữ TQ, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường ĐH Công nghiệp HN với tham luận: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong dạy học tiếng Hán thương mại cho sinh viên các trường ĐH Việt Nam”.


Tiếp nối chương trình, các phiên báo cáo chuyên đề được tổ chức dưới 2 hình thức: Hình thức trực tiếp gồm 2 chuyên đề: Tiếng Trung thương mại; Đầu ra và đào tạo Tiếng Trung thương mại. Hình thức trực tuyến gồm 3 chuyên đề: Văn học, Ngôn ngữ; Tiếng Trung thương mại; Giảng dạy Tiếng Trung thương mại. Các phiên báo cáo đều nhận được các ý kiến thảo luận, đóng góp sôi nổi từ phía các diễn giả, khách mời và người tham dự, đồng thời mở ra nhiều vấn đề thú vị, bổ ích liên quan đến chủ đề của Hội thảo.