Sidebar

Magazine menu

21
Thu, Nov

Hội thảo khoa học quốc tế thường niên “Đổi mới sáng tạo và hội nhập vì phát triển” (Inovation and nIntegration for Development - VIID) lần thứ 3 năm 2024

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Tiếp nối thành công của Hội thảo khoa học quốc tế thường niên được tổ chức tại Trường Kinh doanh quốc tế SolBridge, ĐH Woosong, từ ngày 24/10 - 25/10/2024, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp cùng các đối tác tổ chức thành công Hội thảo “Đổi mới sáng tạo và hội nhập vì phát triển” (Innovation and Integration for Development - VIID) lần thứ 3 năm 2024 tại Trụ sở chính Hà Nội.

 

Hội thảo VIID được tổ chức bởi Trường ĐH Ngoại thương và ĐH Woosong (Hàn Quốc) với sự đồng hành của Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (ACI) thuộc Trường Chính sách công Lee Kuan Yew, ĐH Quốc gia Singapore. Năm nay, Hội thảo có sự đồng hành của các tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus/ACI với các số đặc biệt dành riêng cho Hội thảo gồm: Tạp chí Journal of Behavioral and Experimental Economics (JBEE); tạp chí Asia-Pacific Journal of Regional Science (APJRS); Tạp chí Journal of Financial Services Marketing (JFSM) và Tạp chí Journal of International Economics and Management (JIEM).

Tham dự Hội thảo, về phía đại diện đơn vị tổ chức quốc tế có GS Chia-Hsing Huang - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh quốc tế SolBridge; GS Paul Cheung - Giám đốc Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (ACI) tham gia trực tuyến.

Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng Quản lý Khoa học cùng các cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Nhà trường. Hội thảo đã quy tụ hơn 100 tác giả tham gia viết bài, là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các ban, bộ, ngành, viện nghiên cứu và các trường đại học trong nước.

Trước thềm Hội thảo, buổi tọa đàm khoa học của tạp chí JBEE, do GS Pablo Brañas - Tổng biên tập Tạp chí JBEE điều hành đã được tổ chức vào chiều ngày 24/10/2024. Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả và nhà nghiên cứu. Buổi tọa đàm đã có các bài trình bày về các bước đăng ký, chuẩn bị dữ liệu, nộp bản thảo. Buổi tọa đàm cũng đã thảo luận về các chủ đề liên quan đến kinh tế hành vi và kinh tế thí nghiệm.

Phiên chính của Hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy động lực khu vực cho phát triển bền vững giữa các thách thức toàn cầu” đã diễn ra sáng và chiều ngày 25/10/2024.

Phát biểu khai mạc, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới và hợp tác trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức. Hội thảo năm nay phản ánh nhu cầu về ổn định nền kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng và củng cố thể chế để đảm bảo sự phát triển lâu dài. Thầy giới thiệu quy mô hội thảo VIID năm nay và bày tỏ hy vọng các bài báo chất lượng sẽ được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín đồng hành. PGS, TS Bùi Anh Tuấn gửi lời cảm ơn đến các đơn vị đồng tổ chức, các diễn các, tác giả cũng như người tham gia đã góp phần tạo nên thành công cho hội thảo, đồng thời khẳng định rằng sự kiện này không chỉ đóng góp cho sự phát triển của Trường ĐH Ngoại thương mà còn giúp hiện thực hóa chiến lược phát triển mới của trường đến năm 2030, với tầm nhìn trở thành một trong những trường đại học hàng đầu khu vực châu Á.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng lắng nghe phát biểu chào mừng của GS Chia-Hsing Huang - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh quốc tế SolBridge và GS Paul Cheung - Giám đốc Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (ACI).

Với chủ đề thiết thực và mang tính thời sự, sau quá trình bình duyệt từ hơn 80 bài viết, Hội thảo đã lựa chọn được 34 bài viết có chất lượng của các nhà khoa học, các chuyên gia, các học giả đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trình bày, trong đó có bài viết của các giảng viên Trường ĐH Ngoại thương tại Trụ sở chính Hà Nội và Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã lắng nghe bài tham luận đề dẫn “Developmental meritocracy” (tạm dịch "Chế độ trọng dụng nhân tài") do diễn giả chính của hội thảo, GS Pablo Branas-Garza - Tổng biên tập Tạp chí Journal of Behavioral and Experimental Economics (JBEE) trình bày. Bài tham luận tìm hiểu cách mọi người nhìn nhận sự bất bình đẳng và ảnh hưởng của tài năng, nỗ lực đến việc chấp nhận chính sách phân phối lại tài sản. Thí nghiệm với trẻ em và thanh thiếu niên cho thấy hầu hết không thay đổi cách phân chia tài sản, nam giới thường có xu hướng công bằng hơn và tài năng được đánh giá cao hơn nỗ lực. Các yếu tố như sự đồng cảm, bối cảnh xã hội cũng rất quan trọng trong cách mọi người nhìn nhận tài năng khi phân chia tài sản.

Bên cạnh đó, tại Phiên thảo luận đặc biệt “Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3” (ASEAN+3 Regional Economic Outlook) vào chiều ngày 25/10/2024, các đại biểu đã lắng nghe bài trình bày của ông Allen Ng - Trưởng nhóm và Chuyên gia kinh tế chính của Nhóm giám sát khu vực - Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).

Nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu về chuyên môn được các đại biểu đưa ra trong phiên toàn thể và 7 phiên song song của hội thảo để thảo luận về chủ đề liên quan đến phát triển kinh tế bền vững và thích ứng với các thách thức toàn cầu. Các bài nghiên cứu được trình bày tại hội thảo tập trung vào các nội dung như:

Tác động của FDI đến việc giảm thiểu carbon ở các nước CPTPP, cùng với việc tìm hiểu vai trò của lãnh đạo trong việc công bố trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR).

Rủi ro và sự đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của chiến tranh và quy mô công ty.

Đổi mới và tăng trưởng kinh tế được phân tích qua vai trò của đầu tư nước ngoài và công nghệ xanh trong chuỗi cung ứng.

Quản lý khủng hoảng và phục hồi sau Covid-19, với sự nhấn mạnh vào các thực hành Kaizen tại Việt Nam.

Tham gia cộng đồng và khôi phục kinh tế, khám phá sự liên kết giữa vốn xã hội, khả năng tiếp cận tín dụng và phúc lợi.

Rủi ro khí hậu đối với sự phát triển thị trường chứng khoán và các chính sách tài chính để giảm thiểu tác động này.

Tác động của du lịch đến hành vi tiêu dùng, đặc biệt là trong bối cảnh du lịch về đêm và sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường.

Các nghiên cứu đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường tương tác để thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực và toàn cầu.

Sau nhiều đánh giá, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 08 bài viết xuất sắc nhất để trao giải “Outstanding Papers Awards”. Trường ĐH Ngoại thương vinh dự khi có 03 bài viết được trao giải thưởng này:

Bài viết “Managers’ risk preferences and firm investment: the moderating role of early-life war exposure and firm size” của tác giả chính PGS, TS Kim Hương Trang - Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng;

Bài viết “The impact of climate risk on stock market development” của tác giả chính Đỗ Khánh Hiền - Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng;

Bài viết “Governance and upgrading in global value chains of SMEs in Viet Nam: The moderation effect of dynamic capabilities” của tác giả chính Đoàn Quang Hưng - Giảng viên Khoa Công nghệ và Khoa học dữ liệu.

Hội thảo VIID 2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng với các đối tác và đại biểu tham dự, qua đó góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của Nhà trường, cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác quý báu trong thời gian tới.

-----