Sidebar

Magazine menu

13
Tue, May

Hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 27/3/2025, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề "Góp ý Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo".

Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các bên liên quan để đóng góp vào việc hoàn thiện Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Đây là bước đi quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tham dự hội thảo có nhiều chuyên gia đầu ngành như TS Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; PGS, TS Vũ Văn Phúc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế; Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp cùng nhiều nhà khoa học, giảng viên và khách mời quan tâm đến chủ đề hội thảo.
Về phía Trường Đại học Ngoại thương có sự hiện diện của PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo; Các cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Đào Ngọc Tiến nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thầy bày tỏ kỳ vọng hội thảo sẽ là diễn đàn học thuật hiệu quả, góp phần đưa ra những kiến nghị thiết thực để hoàn thiện Dự thảo Luật, qua đó thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.


Hội thảo được gồm 04 phiên thảo luận chuyên sâu.
Phiên thứ nhất với chủ đề "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Những đột phá về cơ chế, chính sách" do PGS, TS Vũ Văn Phúc tập trung thảo luận về cải cách chính sách và hoàn thiện khung pháp lý. Các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của việc điều chỉnh quy định tài chính, thương mại hóa nghiên cứu và quản lý quỹ KH&CN, đồng thời đề xuất thể chế hóa các cơ chế thí điểm đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 193/2025/QH15, tạo điều kiện thuận lợi cho khoa học công nghệ phát triển.


Phiên thứ hai với chủ đề "Tổ chức khoa học công nghệ và phát triển nguồn lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo", do TS Hà Công Anh Bảo và PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên điều phối, nhấn mạnh yêu cầu tăng quyền tự chủ cho tổ chức khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế và đầu tư hạ tầng nghiên cứu, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hành chính. Các đại biểu cũng chỉ ra những vướng mắc trong thủ tục đấu thầu, thanh quyết toán dự án KH&CN và đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng.


Phiên thứ ba với chủ đề "Quản lý chương trình, nhiệm vụ và đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo" do TS Nguyễn Thị Thu Hiền và TS Phùng Thị Yến điều phối. Nội dung thảo luận xoay quanh các cơ chế quản lý chương trình và nhiệm vụ khoa học công nghệ, chính sách tài trợ và đầu tư, cũng như các mô hình tài chính hiệu quả để huy động nguồn lực từ nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. Các diễn giả đã phân tích thực trạng, những rào cản trong thực thi chính sách hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tối ưu hóa quản lý và phân bổ nguồn lực, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và bền vững trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.


Phiên thứ tư với chủ đề "Đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ" do PGS, TS Lê Thị Thu Hà và TS Trần Lê Hồng điều phối, tập trung vào các đề xuất cải thiện quy trình thương mại hóa sáng chế và khởi nghiệp khoa học công nghệ. Các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải đơn giản hóa thủ tục đăng ký sáng chế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất việc cải thiện cơ chế xử lý vi phạm SHTT và phát triển hệ sinh thái ĐMST để tạo môi trường thuận lợi cho các sáng chế khoa học và đổi mới sáng tạo. Các vấn đề về luật viên chức, luật đấu thầu, thuế và quyền thành lập doanh nghiệp cũng được đưa ra bàn luận để thúc đẩy hiệu quả thương mại hóa.


Với những ý kiến đóng góp sâu sắc, hội thảo đã góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng pháp lý vững chắc, khơi thông nguồn lực và phát huy hiệu quả các thành tựu khoa học – công nghệ. Đây là dấu mốc quan trọng không chỉ trong công tác hoạch định chính sách mà còn trong quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước.
-----