Sidebar

Magazine menu

21
Sat, Dec

CHUỖI WEBINAR HƯỚNG NGHIỆP, TÌM HIỂU MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC THỰC TẾ TRONG LĨNH VỰC TỔ CHỨC QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC CÔNG NGÀY 14/08/2021

2021

[HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ NGƯỜI HỌC, VIỆN KINH TẾ & KINH DOANH QUỐC TẾ]

Tiếp nối sự thành công của 2 buổi tọa đàm trước về lĩnh vực “Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng” và “Marketing & Truyền thông” , ngày 14/08/2021 vừa qua, buổi tọa đàm cuối cùng nằm trong chuỗi tọa đàm trực tuyến: "Khám phá môi trường làm việc thực tế - Hướng đi nào cho sinh viên?" của Viện KT&KDQT phối hợp tổ chức cùng CLB Kinh doanh Quốc tế - IBC FTU về lĩnh vực “Tổ chức Quốc tế & Khu vực công” đã diễn ra và thu hút sự tham gia của hơn 180 bạn sinh viên đến từ nhiều chuyên ngành trong và ngoài trường.

Với các vị diễn giả đến từ những đơn vị uy tín tại Việt Nam và toàn cầu như Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương, Phòng Chính trị an ninh - Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế, Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC hay Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ (trong số 4 diễn giả, có 3 diễn giả là cựu sinh viên chuyên ngành KTĐN của Viện KT&KDQT), buổi tọa đàm đã đem lại cho các bạn sinh viên những góc nhìn chân thực nhất về môi trường làm việc và cơ hội tìm hiểu những thông tin chính xác, trực tiếp nhất về các đơn vị kể trên.
Trong buổi tọa đàm thứ ba này, các bạn sinh viên đã được tiếp cận với những kiến thức thực tế về môi trường làm việc và cơ hội thực tập tại các Tổ chức quốc tế & Khu vực công - một chủ đề không quá quen thuộc với phần đông các bạn sinh viên do cơ hội để tiếp cận thông tin trực tiếp liên quan đến những tổ chức này chưa nhiều.

Ở phần chia sẻ đầu tiên trong buổi tọa đàm với tên gọi “Khám phá môi trường làm việc khu vực công”, các bạn sinh viên được gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ rất sâu sắc, thực tế của 2 diễn giả là chị Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương và anh Nguyễn Hữu Phú - Trưởng phòng tại Phòng Chính trị An ninh - Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao. Những chia sẻ của hai anh chị đã giúp cho các bạn sinh viên hiểu hơn về kết cấu tổ chức, nhiệm vụ, chức năng của hai đơn vị thuộc khu vực công - nơi các anh chị hiện đang công tác. Không chỉ vậy, những thông tin về lộ trình phát triển sự nghiệp trong khu vực công trực thuộc bộ máy nhà nước cũng như những cơ hội nghề nghiệp tại đây đã được chị Bảo Linh và anh Phú chia sẻ rất cụ thể để các bạn sinh viên có thể hình dung rõ hơn về môi trường làm việc tại lĩnh vực này. Phần chia sẻ đầu tiên kết thúc giúp các bạn sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong bộ máy nhà nước, do đó khu vực công sẽ là một lĩnh vực tiềm năng các bạn sinh viên cần cân nhắc lựa chọn để có thể đóng góp sức mình vào sự phát triển đất nước trong dài hạn.

Phần chia sẻ thứ hai với tên gọi “Môi trường làm việc tại các tổ chức quốc tế” đã thực sự đem đến những thông tin, kinh nghiệm rất mới mẻ từ 2 vị diễn giả gồm chị Nguyễn Thúy Hằng - Cán bộ kỹ thuật tại Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và anh Lê Khương - Chuyên viên về các biện pháp phi thuế quan tại Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC. Trong phần này, các bạn sinh viên đã có cơ hội tiếp cận thông tin về môi trường làm việc, kết cấu tổ chức, chức năng của các tổ chức quốc tế như ITC, WTO, UNCTAD thông qua những chia sẻ của anh Khương hay về Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ thông qua những kinh nghiệm do chị Hằng chia sẻ. Hai anh chị đã lần lượt giải đáp hết những vấn đề mà nhiều bạn sinh viên trong chương trình quan tâm như: tìm kiếm các cơ hội làm việc tại các Tổ chức Quốc tế, kinh nghiệm ứng tuyển vào những Tổ chức Quốc tế, các kỹ năng, kiến thức liên quan cần chuẩn bị cũng như lộ trình phát triển sự nghiệp tại các Tổ chức Quốc tế. Sau phần chia sẻ với những thông tin rất thú vị và bổ ích được hai anh chị diễn giả tiết lộ, có thể thấy Tổ chức Quốc tế cũng là lĩnh vực rất tiềm năng để các bạn sinh viên nói chung và sinh viên trường ĐH Ngoại thương nói riêng tham gia làm việc và đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của toàn cầu.

Phần Q&A đã giúp giải đáp rất nhiều thắc mắc của các bạn sinh viên trong buổi tọa đàm. Đây cũng là phần mà các bạn sinh viên mong chờ nhiều nhất để có thể trực tiếp tương tác với các diễn giả của chương trình.