Sidebar

Magazine menu

02
Thu, May

Giới thiệu và nội dung Nghị định 97/2023/NĐ-CP

Văn bản - Quy định

Chính phủ ban hành quy định mới về học phí 2023-2024: xem link chi tiết tại đây!

Ngày 31-12-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 97).

Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, mức học phí năm học 2021-2022 bằng mức học phí năm học 2020-2021, từ năm học 2022-2023, mức trần học phí tăng theo lộ trình hàng năm. Nhưng, năm 2022, để chia sẻ khó khăn với phụ huynh và học sinh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/2022/NQ-CP đề nghị các cơ sở giáo dục công lập giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023 bằng mức học phí năm học 2021-2022. Như vậy, mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã giữ ổn định qua 3 năm học (2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023).

Năm học 2023-2024, nếu không có quy định mới, mức học phí sẽ áp dụng theo mức trần học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Theo đó, mức thu học phí sẽ tăng khá cao so với mức học phí năm học 2022-2023.

Nghị định số 97/2023/NĐ-CP đã điều chỉnh lộ trình tăng học phí.

Cụ thể, giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022.

Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, thì cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt.

Trường hợp HĐND các tỉnh và các cơ sở giáo dục đã ban hành khung học phí hoặc mức thu học phí năm học 2023-2024 theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP với mức học phí tăng so với năm học 2021-2022 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.

Trường hợp HĐND các tỉnh và các cơ sở giáo dục đã ban hành khung học phí hoặc mức thu học phí năm học 2023-2024 theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP với mức học phí tăng so với năm học 2021-2022 nhưng ngân sách địa phương không đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với mức thu học phí năm học 2021-2022 thì phải thực hiện điều chỉnh theo quy định của Nghị định 97.

Nghị định cũng lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập đã ban hành mức thu học phí năm học 2023-2024 theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP thực hiện rà soát, điều chỉnh theo quy định của Nghị định 97.

Đối với các cơ sở giáo dục đã được phê duyệt phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, được tiếp tục thực hiện cơ chế thu học phí tương ứng với mức độ tự chủ tài chính đã phê duyệt. Trường hợp việc thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định 97 dẫn đến có biến động về nguồn thu làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính đã được phê duyệt, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm rà soát lại các khoản thu, chi, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên rà soát, chịu trách nhiệm thẩm định để phê duyệt lại phương án tự chủ tài chính cho thời gian còn lại của thời kỳ ổn định theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP tiếp tục được giữ nguyên để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và có điều kiện khó khăn.