Sidebar

Magazine menu

19
Tue, Mar

Chương trình hành động đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo tại trường Đại học Ngoại Thương giai đoạn 2010-2012

Sứ mệnh, tầm nhìn, triết lý giáo dục và các giá trị cốt lõi

Thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 05- NQ/BCSĐ của BCS Đảng Bộ GD&ĐT,

Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2012-2020, sau khi triển khai quán triệt chỉ thị 296, trao đổi, thảo luận tại các đơn vị, tại Hội nghị cán bộ chủ chốt mở rộng về vấn đề đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, trường Đại học Ngoại thương đề ra chương trình hành động chính như sau:

I. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý

- Hoàn thiện bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, hoạt động của các đơn vị trong toàn trường.

- Rà soát, hoàn thiện qui định về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị. Tăng cường phân cấp quản lý cho các đơn vị nhằm phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân.

- Đảm bảo công tác phối hợp và hợp tác tốt giữa các đơn vị trong toàn trường để hoạt động có chất lượng, hiệu quả cao.

2. Phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và giảng viên

- Có kế hoạch tuyển dụng bổ sung hàng năm cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường theo Chiến lược phát triển trường Đại học Ngoại thương đến năm 2015 đã được phê duyệt.

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giảng viên đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cả về số lượng và chất lượng.

- Thực hiện tốt qui định về thực tập tại các tổ chức doanh nghiệp đối với giảng viên để nâng cao năng lực thực hành. Khuyến khích mời doanh nhân giỏi, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cao, chuyên gia nước ngoài đến tham gia giảng dạy.

- Định kỳ đánh giá chất lượng cán bộ, giảng viên thông qua các tiêu chí cụ thể về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và hiệu quả công tác, đóng góp cụ thể đối với sự phát triển của Nhà trường.

- Xây dựng môi trường làm việc văn hoá, thân thiện, cởi mở hướng tới các giá trị cốt lõi của Nhà trường.

3. Đổi mới công tác quản lý tài chính

- Xây dựng và trình Bộ phê duyệt đề án tự chủ tài chính.

- Xây dựng cơ chế quản lý tài chính theo hướng tự chủ trong hạch toán của Trường, nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, dự toán ngân sách hàng năm một cách cân đối, hợp lý nhằm sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực tài chính của Nhà trường.

- Bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với tình hình thực tế hàng năm. Xây dựng chính sách phù hợp đãi ngộ đặc biệt cán bộ có trình độ cao, có đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhà trường. Xây dựng phương án chi trả hợp lý tiền lương tăng thêm, tiền phí quản lý, tiền thanh toán giờ giảng nhằm có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, khuyến khích sự đóng góp của các tập thể, cá nhân trong toàn Trường.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả việc tin học hoá công tác tài chính. Công bố công khai các thông tin học phí, lệ phí..và thực hiện tốt chính sách học bổng, miễn, giảm học phí đối với sinh viên.

4. Đổi mới quản lý và tổ chức quy trình đào tạo

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các qui chế, qui định về quản lý đào tạo, quản lý sinh viên theo h­ướng chuẩn hoá quy trình công tác và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

- Nâng cao vai trò của các Khoa, Bộ môn trong công tác quản lý giảng dạy, quản lý nội dung, chương trình đào tạo và chất lượng đào tạo; quản lý việc học tập và rèn luyện của sinh viên.

- Tổng kết đánh giá công tác đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Hoàn thiện các qui định quản lý và triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ

- Xây dựng và đưa hệ thống E-Learning vào sử dụng trong toàn trường.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy chế đào tạo nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý đào tạo và quản lý sinh viên nhằm xóa bỏ các hiện tượng gian lận, tiêu cực trong giảng dạy, học tập, thi cử.

5. Đổi mới chương trình đào tạo

- Đổi mới nội dung chương trình đào tạo các ngành học phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, thuận lợi trong học liên thông và chuyển đổi nghề nghiệp.

- Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh.

- Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, thực hiện hiệu quả các thoả thuận hợp tác đào tạo với các tổ chức, doanh nghiệp.

- Xây dựng và đưa nội dung giảng dạy kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo.

- Triển khai lấy ý kiến người học về chương trình đào tạo và khảo sát việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, tiến hành điều tra, nghiên cứu và dự báo nhu cầu việc làm, ngành nghề...để thực hiện tốt việc đào tạo theo nhu cầu xã hội.

6. Đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo

- Thực hiện tốt qui định “ba công khai” của Bộ Giáo dục & Đào tạo về qui chế công khai đối với các cơ sở giáo dục đại học. Tiếp tục rà soát hoàn thiện chuẩn đầu ra của các chuyên ngành đào tạo trong toàn trường theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo.

- Xây dựng kế hoạch tự đánh giá, hoàn thành báo cáo tự đánh giá vào trước tháng 3 hàng năm. Triển khai công tác đánh giá ngoài theo kế hoạch của Bộ GD& ĐT.

- Triển khai rộng rãi việc sinh viên tham gia đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên và chất lượng phục vụ của các bộ phận chức năng.

7. Đổi mới quản lý và triển khai nghiên cứu khoa học

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Quy định về tổ chức quản lý và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học đối với cán bộ giảng viên và sinh viên nhà trường.

- Đẩy mạnh công tác biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo các môn học phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo các ngành học, đảm bảo các môn học đều có giáo trình/tài liệu tham khảo. Phối hợp với các Khoa, bộ môn rà soát danh mục giáo trình cần tái bản, xuất bản hàng năm.

- Xây dựng định hướng nghiên cứu phù hợp với các chuyên ngành đào tạo của Nhà trường. Kiểm tra giám sát chặt chẽ tiến trình và kết quả thực hiện đề tài. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học công nghệ. Tăng cường hợp tác nghiên cứu với các cơ quan doanh nghiệp để tăng tính ứng dụng của đề tài NCKH.

- Tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm, thông tin khoa học cấp đơn vị, trường và hội thảo quốc tế.

8. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo

- Mở rộng khuôn viên tại Hà Nội và Thành phố HCM.

- Thực hiện tốt qui chế mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản. Đầu tư mua sắm và sử dụng hiệu quả trang thiết bị nghe nhìn hiện đại: hệ thống âm thanh, máy chiếu đa năng trang bị cho các phòng học. Đảm bảo cơ sở vật chất hiện đại, chuyên nghiệp, môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp.

- Triển khai thực hiện tốt dự án xây dựng nhà ký túc xá sinh viên, quản lý tốt ký túc xá nhằm tạo thuận lợi về chỗ ở cho sinh viên.

- Tiếp tục đầu tư mua sắm tài liệu, giáo trình, phương tiện tra cứu để phục vụ tốt học tâp, nghiên cứu của cán bộ, sinh viên nhà trường. Tin học hoá thư viện, nâng cao năng lực quản lý hoạt động, khai thác có hiệu quả thư viện trường.

- Tăng cường công tác quản trị mạng và hỗ trợ kỹ thuật máy tính: nâng cấp đường truyền internet, máy chủ phục vụ hệ thống website, tăng cường cán bộ hỗ trợ công nghệ thông tin và máy tính cho các đơn vị.

- Ban hành các quy chế, qui định cụ thể để triển khai thực hiện tốt Thông tư 07/2010/TT-BGDĐT quy định về Tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học.

- Tăng cường hỗ trợ sinh viên trong việc khai thác mạng, ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và nghiên cứu khoa học.

9. Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế

- Triển khai thực hiện tốt định hướng phát triển hoạt động hợp tác quốc tế, tập trung đẩy mạnh liên kết đào tạo với nước ngoài ở các cấp cử nhân, thạc sỹ.

- Tiếp tục khai thác có hiệu quả các dự án quốc tế, tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho công tác đào tạo của Nhà trường.

- Tận dụng việc triển khai các dự án để chọn cử cán bộ đi đào tạo dài hạn, ngắn hạn ở nước ngoài.

- Mở rộng hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các nước phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Anh...

Tăng cường hỗ trợ hoạt động của sinh viên

Cung cấp đầy đủ cho sinh viên các văn bản, thông tin liên quan đến quá trình học tập, rèn luyện tại trường qua trang web.

Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, các qui định, qui chế của nhà trường, lối sống, văn minh học đường cho sinh viên

Hỗ trợ và tạo thuận lợi cho hoạt động của Đoàn thanh niên, Các câu lạc bộ sinh viên nhằm tạo môi trường rèn luyện thuận lợi cho sinh viên trong điều kiện học chế tín chỉ.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Căn cứ vào chương trình hành động của nhà trường, các đơn vị triển khai xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện trong 3 năm 2010 – 2012 và báo cáo tiến độ thực hiện với nhà trường vào thời điểm kết thúc mỗi học kỳ trong năm học.

- Các đồng chí trong BGH, theo lĩnh vực được phân công có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai.

- Việc triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình hành động sẽ thường xuyên được kiểm tra, đánh giá trong các cuộc họp giao ban định kỳ của Nhà trường. Kết quả thực hiện được đánh giá gắn với việc tổng kết năm học và tổng kết năm trong nhà trường.

- Chương trình hành động được phổ biến sâu rộng tới tất cả các đơn vị, toàn thể cán bộ giảng viên và sinh viên để triển khai thực hiện.