Hoạt động khoa học công nghệ là hoạt động quan trọng góp phần xây dựng trường Đại học Ngoại thương phát triển trở thành một trường đại học tự chủ với định hướng nghiên cứu được xếp hạng cao trong khu vực.
Hoạt động khoa học công nghệ của Trường được thực hiện dưới các hình thức: (1) triển khai các chương trình, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu ở trong và ngoài nước; (2) biên soạn giáo trình, sách, tài liệu và xuất bản tạp chí; (3) tổ chức và đồng tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế; (4) nghiên cứu khoa học của sinh viên; (5) hợp tác với các trường đại học, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong nghiên cứu, kiến tạo tri thức, chuyển giao công nghệ trong quản lý, đưa tri thức vào ứng dụng trong thực tiễn, giải quyết các bài toán thực tế của doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn hướng nghiên cứu chính của Trường hiện nay gồm: (1) kinh tế xanh và trách nhiệm xã hội; (2) đổi mới thể chế kinh tế xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; (3) tái cấu trúc tài chính và hành vi doanh nghiệp; (4) đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp. Các hoạt động khoa học công nghệ của Trường được triển khai xoay quanh 4 hướng nghiên cứu chính. Để triển khai thực hiện bốn hướng nghiên cứu này, Trường đã thành lập và đầu tư mạnh cho 24 nhóm nghiên cứu về cơ chế, tài chính và đặc biệt là nguồn nhân lực.
Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cộng tác viên của Trường có trình độ, năng lực nghiên cứu cao, được tăng cường đào tạo bài bản ở nước ngoài, có kiến thức và công cụ nghiên cứu hiện đại, có kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm, và tâm huyết với hoạt động khoa học công nghệ. Với mạng lưới các đối tác rộng bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức, hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, Trường đã quy tụ được đội ngũ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở trong và ngoài nước kéo dài cánh tay thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ. Nhiều đề tài được tài trợ bởi các tổ chức, dự án quốc tế như World Bank, WTI, MUTRAP… và có sự tham gia nghiên cứu chung của các nhà nghiên cứu uy tín trên thế giới. Nhờ đó, năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên của Trường được tiếp cận gần với chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế đã và đang tìm tới Trường để đặt hàng và đầu tư cho các nghiên cứu để giải quyết các bài toán của doanh nghiệp, tổ chức.
Với các chính sách thích hợp và sự đầu tư mạnh mẽ, Trường đã đạt được những kết quả đáng kể trong hoạt động khoa học công nghệ:
Giai đoạn 2015 - 2018, trường đã thực hiên:
+ 20 đề tài cấp quốc gia (6 đã hoàn thành, 14 đang thực hiện);
+ 41 đề tài cấp Bộ/Tỉnh (20 đã hoàn thành, 21 đang thực hiện);
+ 134 đề tài cấp cơ sở (88 đã hoàn thành, 46 đang thực hiện);
+ 116 bài báo công bố quốc tế (40 bài đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus, 76 bài đăng trên các tạp chí quốc tế khác);
+ 1188 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước;
+ 46 giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo được xuất bản
+ 73 hội thảo khoa học được tổ chức (21 hội thảo quốc tế, 52 hội thảo cấp Trường/Khoa).
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được Trường đặc biệt quan tâm và hỗ trợ. Các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên gắn với thực tiễn, giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các cuộc thi chuyên môn của sinh viên Đại học Ngoại thương ví dụ như Khởi nghiệp cùng Kawai, Cuộc thi I-invest và nhiều cuộc thi khác đã vượt ra khỏi phạm vi của Trường để trở thành các cuộc thi ở quy mô quốc gia. Tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sự năng động và niềm đam mê nghiên cứu được lan tỏa tới mọi sinh viên và được minh chứng bằng những giải thưởng cao trong nước và trên trường quốc tế.
Thông qua các công trình nghiên cứu được công bố ở trong nước và quốc tế, các kiến thức, công nghệ được kiến tạo và chuyển giao cho các doanh nghiệp, địa phương, trong nước và quốc tế, trường Đại học Ngoại thương không chỉ được biết đến là một trường đại học uy tín trong đào tạo mà còn là một trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở Việt Nam và trong khu vực.