Sidebar

Magazine menu

12
Thu, Dec

HỢP TÁC QUỐC TẾ

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HỢP TÁC

Hội nhập quốc tế được Trường Đại học Ngoại thương coi là phương thức trọng tâm để nâng cao năng lực và vị thế của Nhà trường trong khu vực và trên thế giới, xây dựng môi trường học tập và làm việc năng động, chuyên nghiệp và có tính quốc tế hóa cao, góp phần tạo nên những công dân toàn cầu.

Hội nhập quốc tế đã được triển khai với nhiều phương thức sáng tạo, chú trọng chiều sâu và tính hiệu quả. Thực hiện Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong những năm gần đây, hội nhập quốc tế được Nhà trường đặc biệt quan tâm nhất là trong đào tạo ra những công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Về phát triển các chương trình đào tạo:

Trường Đại học Ngoại thương là một trong những trường đại học đầu tiên tại Việt Nam phát triển các chương trình đào tạo chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh từ năm 2006 với cách tiếp cận đảm bảo tính liên thông với các chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín trên thế giới. Một số chương trình đào tạo phát triển trong những năm gần đây hướng trọng tâm vào đáp ứng yêu cầu cả thị trường lao động quốc tế, lấy mục tiêu đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế làm mục tiêu và chuẩn đầu ra trong đào tạo.như Chương trình kế toán kiểm toán ACCA, Chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, Chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng...vv.

Nhà trường đã xây dựng và triển khai chương trình tiến sĩ dành cho NCS từ các nước tiểu vùng sông Mekong. Hiện nay chương trình đang được triển khai với sự tham gia học tập nghiên cứu của nhiều NCS đến từ Lào, Campuchia và Thailand.

Bên cạnh các chương trình chính qui, nhà trường cũng phát triển mạnh các chương trình liên kết quốc tế với sự đa dạng về chuyên ngành đào tạo và đối tác nước ngoài, hiện này Nhà trường đang thực hiện hơn 20 chương trình liên kết đào tạo ở trình độ cử nhân và thạc sỹ.

Việc triển khai công nhận quốc tế đối với các chương trình đào tạo của Nhà trường cũng đã được quan tâm. Cho đến nay, các chương trình đào tạo của nhà trường đã được công nhận bởi 56 đối tác là các trường đại học tiên tiến từ 16 nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Canada, Anh, Úc, nhiều nước Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản,...vv.

Về tiếp nhận nhiều mô hình hợp tác, đào tạo từ nước ngoài:

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương đã không ngừng nghiên cứu, hợp tác và thực hiện tiếp nhận nhiều mô hình đào tạo từ các trường đại học tiên tiến của thế giới, của các doanh nghiệp nước ngoài. Một số điển hình đó là tiếp nhận chuyển giao Mô hình đào tạo V-BIZ từ Trường Đại học Kanto Gakuin (Nhật Bản), tiếp nhận chuyển giao mô hình GMC từ Công ty Minami Fuji (Nhật Bản)...vv. Nhà trường cũng đang nghiên cứu triển khai tiếp nhận mô hình, chương trình Kinh doanh Xã hội (Social Business) từ Đại học New Brunswick, Canada.

Về đào tạo và phát triển đội ngũ:

Đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nhà trường. Một mặt Nhà trường gửi giảng viên, cán bộ quản lý theo học các chương trình đào tạo ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ở các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài. Hiện nay số lượng các giảng viên và cán bộ quản lý đang theo học các chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là hơn 100 người. Năm 2018, đã có hơn 10 giảng viên đã hoàn thành chương trình đào tạo, được cấp bằng tiến sĩ và về trường tiếp tục công tác.

Một trong những biện phát thúc đẩy hội nhập và quốc tế hoá của Trường Đại học Ngoại thương đó là triển khai thực hiện công nhận đặt đẳng cấp quốc tế cho giảng viên của Nhà trường. Nhà trường đã có kế hoạch đào tạo, phát triển đổi ngũ giảng viên theo chuẩn của một số đại học tiến tiến của nước ngoài - là những đối tác chiến lược của Nhà trường. Cho đến nay đã có hơn 20 giảng viên của Nhà trường đã được một số trường đối tác nước ngoài công nhận đạt chuẩn.

Trong năm vừa qua, được sự hỗ trợ của Vương quốc Bỉ và Chính phủ Việt Nam thông qua Dự án FCB, Nhà trường cũng triển khai thực hiện dự án nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung và lãnh đạo nhà trường. Thông qua Dự án này hơn 120 cán bộ quản lý và lãnh đạo nhà trường đã được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, 8 đề án phát triển của đơn vị cơ sở được xây dựng với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn,

Về hoạt động trao đổi giảng viên và sinh viên:

Hoạt động trao đổi giảng viên và sinh viên được chú trọng nhằm tạo lập môi trường quốc tế năng động cho giảng dạy và học tập. Xuất phát từ tính quốc tế hóa cao của các chương trình đào tạo, hàng năm Trường Đại học Ngoại thương thu hút được sự tham gia của các chuyên gia và giáo sư nước ngoài tham gia vào quá trình đào tạo, điều này giúp cho sinh viên có cơ hội tiếp cận với kiến thức và kỹ năng trên phổ rộng và đa dạng, có cái nhìn đa chiều hơn về những vấn đề trong ngành nghề đào tạo. Ngược lại, nhà trường cũng gửi hàng trăm lượt giảng viên, cán bộ đi học tập, làm việc, tham dự hội thảo, báo cáo chuyên đề, tham gia sự kiện ở nước ngoài, thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa nhân sự của trường.

Năm 2018 vừa qua, Nhà trường đón gần 800 sinh viên quốc tế đến học tập, trao đổi, giao lưu văn hóa tại trường và hơn 300 sinh viên của trường được gửi đi thực tập, trao đổi học thuật tại gần 80 nước trên thế giới. Việc tiếp nhận sinh viên quốc tế từ các nước như Anh, Đức, Bỉ, Pháp, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản,... tham gia học tập trao đổi một học kỳ hoặc một năm và các chương trình ngắn hạn hàng năm đã giúp cho tính tương tác và quá trình trao đổi học thuật, kiến thức và phát triển kỹ năng được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần tạo nên môi trường giáo dục quốc tế năng động và mang nét đặc trưng của "Ngoại thương”.

Về nghiên cứu và tổ chức hội thảo khoa học, diễn đàn hợp tác quốc tế:

Nhà trường đã có nhiều chính sách và giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các nghiên cứu chung, tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, các buổi hướng dẫn, thảo luận thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả, giảng viên, doanh nhân quốc tế.

Nhà trường thu hút các nguồn tài trợ cần thiết để phát triển trong bối cảnh nhà trường thực hiện tự chủ theo chủ trương của chính phủ về tự chủ đại học, điển hình là các dự án được tài trợ bởi chính phủ Thụy Sỹ, chính phủ Bỉ, Ủy ban Châu Âu,...

Với nền tảng hợp tác quốc tế khá vững chắc của mình, Diễn đàn quốc tế hóa giáo dục đại học - sáng kiến đột phá của Nhà trường, đã được tổ chức thường niên. Tiếp nối thành công của diễn đàn lần thứ nhất, diễn đàn năm 2018 tiếp tục được tổ chức với chủ đề “Công nhận lẫn nhau trong giáo dục đại học xuyên biên giới” với sự tham gia của hơn 50 trường đại học, tổ chức giáo dục trong và ngoài nước. Sự kiện đã tạo ra một diễn đàn mở cho đại diện của các trường đại học Việt Nam và quốc tế có cơ hội kết nối, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp để xây dựng được một hệ thống chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục đại học xuyên biên giới, góp phần làm cho nền giáo dục đại học Việt Nam phát triển bền vững.

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Triển lãm giáo dục quốc tế. Đây là một sự kiện quan trọng giúp các bạn sinh viên Nhà trường nói riêng và sinh viên các trường đại học Việt Nam nói chung hiện thực hóa giấc mơ du học chuyển tiếp đại học, sau đại học của mình tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

Về công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định:

Trường Đại học Ngoại thương luôn quan tâm tới công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Nhà trường đã đăng ký và trở thành thành viên của tổ chức AUN - QA. Nhà trường chủ trì nhiều hoạt động và hội nghị của AUN-QN.

Năm 2018 Nhà đã triển khai kiểm định theo tiêu chuẩn của AUN-QA đối với 4 chương trình đào tạo chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh của Nhà trường.

Về đón tiếp nhiều vị khách quốc tế quan trọng:

Trong những năm vừa qua, Nhà trường đã vinh dự đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả nổi tiếng thế giới đến thăm như: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamazaki Masaaki, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström, Nguyên Bộ trưởng, Cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Nhật Bản Heizo Takenaka, Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gury, Chủ tịch JETRO Hiroyuki Ishige, các đại sứ, trưởng đại diện một số cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. Đây là niềm tự hào to lớn mà không phải cơ sở giáo dục đại học nào ở Việt Nam cũng có được. Điều đó thể hiện uy tín, chất lượng cũng như danh tiếng của trường trong và ngoài nước.

Với tâm huyết phát triển của một tổ chức giáo dục uy tín và có tính quốc tế hóa cao, Trường Đại học Ngoại thương đang thực sự sải cánh bay xa, vươn mình ra biển lớn trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

DANH SÁCH CÁC TRƯỜNG ĐỐI TÁC CỦA ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG