Phỏng vấn độc quyền sinh viên Trần Đặng Kim Nguyên, trưởng nhóm dự án công nghệ "Thinkmay", Quán quân cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai năm 2025 (mùa thứ 20) do FTU Times thực hiện.
Trần Đặng Kim Nguyên hiện là sinh viên Chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại, khóa 60 (2021-2025) và cũng vừa hoàn thành toàn bộ chương trình đào tạo theo đúng tiến độ. FTU Times - Chào Kim Nguyên! Trước hết xin một lần nữa được chúc mừng Thinkmay đã trở thành Tân Quán quân của Khởi nghiệp cùng Kawai 2025 và cảm ơn bạn đã nhận lời trò chuyện và chia sẻ câu chuyện của mình tới các độc giả của FTU Times. Điều có lẽ làm chúng tôi rất tự hào, nhưng cũng khá tò mò, là cơ duyên nào đã đưa bạn tới dự án khởi nghiệp công nghệ Thinkmay và nói một cách vắn tắt thì Thinkmay cung cấp giải pháp gì cho thị trường?
- Cơ duyên đến với Thinkmay bắt đầu từ một câu chuyện rất đời thường: mình là một sinh viên vừa đi học, vừa đi làm thêm, nhưng chiếc laptop cũ thì lại không đủ mạnh để chạy các phần mềm nặng như Adobe, Unity hay các phần mềm AI. Lúc đó, mình tự hỏi: “Tại sao lại không thể dùng tạm một chiếc máy cấu hình cao từ xa, miễn là có kết nối mạng?”
Khi ấy, những thành viên Thinkmay hiện tại đang cùng tham gia một khóa Coding Bootcamp, và câu chuyện này trở thành chủ đề bàn luận nghiêm túc. Tụi mình đã cùng nhau phân tích rất nhiều case study về các mô hình CloudPC trước đây: vì sao có ý tưởng hay nhưng vẫn thất bại?
Từ đó, bọn mình học được nhiều bài học về công nghệ, sản phẩm và tài chính.
Sau khoảng 2–3 tháng nghiên cứu và kiểm chứng, tụi mình nhận ra rằng bài toán này dù khó nhưng không hề bất khả thi. Và thế là Thinkmay bắt đầu, với sứ mệnh giúp mọi người truy cập máy tính cấu hình cao từ xa, để học, làm, chơi game hay chạy AI mà không cần phải đầu tư phần cứng đắt tiền. FTU Times - Như vậy có thể hiểu rằng bạn đã "bén duyên" với lĩnh vực công nghệ từ khá sớm. Nó có liên quan gì đến nền tảng bạn đã học từ bậc trung học phổ thông hay không, và liệu có gì sai sai khi một sinh viên kinh tế lại đi khởi nghiệp về công nghệ?
- Mình sinh ra ở một huyện nhỏ của Hà Tĩnh, không học trường chuyên, nên hoàn toàn không có background về Chuyên Tin hay Kỹ thuật bài bản. Nhưng mình may mắn được tiếp xúc với máy tính và Internet từ sớm, và thích tự mày mò, từ sửa máy, vọc game đến tìm hiểu cách máy tính hoạt động.
Khi đứng trước lựa chọn đại học, mình từng phân vân giữa Kinh tế Đối ngoại ở Ngoại thương và Trí tuệ Nhân tạo (ITE10) ở Bách khoa. Cuối cùng, mình chọn Ngoại thương theo định hướng của ba mẹ – một phần cũng không muốn chỉ thuần túy làm về kỹ thuật mà muốn có cái nhìn tổng hợp hơn về thị trường, về khách hàng, về kinh doanh để cuối cùng sẽ có khả năng vận hành toàn bộ dự án về công nghệ. Giờ nhìn lại thời điểm đó thì mình cũng thấy là khá mạo hiểm. Nhưng khi bắt đầu làm Thinkmay, mình nhận ra rằng việc mình học kinh tế lại là một lợi thế. Vì làm công nghệ không chỉ là code. Để một sản phẩm sống được với người dùng, cần rất nhiều yếu tố ngoài kỹ thuật: từ hiểu thị trường, định giá, hành vi người dùng đến mô hình kinh doanh và xây dựng đội ngũ. Mình không phải người giỏi code nhất trong team, nhưng mình biết cách nhìn ra bài toán đúng và đưa sản phẩm ra thị trường đúng thời điểm. Mình nghĩ đó chính là giá trị của một “người kinh tế” trong startup công nghệ. FTU Times - Khởi nghiệp công nghệ từ FTU, bạn đã gặp những thách thức gì và làm thế nào để có thể bền chí với dự án của mình?
- Cái khó đầu tiên là thiếu nền tảng kỹ thuật, nên mình phải học cách làm việc với kỹ sư công nghệ, học cách lắng nghe và giao tiếp “vừa đủ” để không làm khó nhau.
Cái khó thứ hai là áp lực duy trì động lực dài hạn. Có thời điểm Thinkmay không tăng trưởng, không người dùng, không doanh thu, tụi mình chỉ có một thứ: niềm tin rằng mình đang giải một bài toán đúng. Và mình thấy, ở những lúc khó nhất, thứ giữ mình lại chính là đội nhóm. Một nhóm bạn đồng hành, hiểu mình, cùng nhìn về một mục tiêu, chính là chỗ dựa để mình không bỏ cuộc.
Cuối cùng, là bài học về kiên nhẫn: công nghệ không phải ngày một ngày hai, và sản phẩm tốt không đồng nghĩa khách hàng sẽ dùng ngay. Phải thử, sai, lắng nghe và liên tục cải tiến.
Có một điểm khá thú vị mà sau này mình nhận ra, đó chính là network của FTU về công nghệ vượt xa hình dung của mình ban đầu: sếp lớn ở nhiều công ty công nghệ lớn đều là dân FTU, lead nhiều cộng đồng về code, AI cũng là dân FTU và ở Silicon Valley thì có vô số các anh chị FTU tốt nghiệp Kinh tế và đang giữ các vị trí quản lý cấp cao về phát triển sản phẩm công nghệ ở các startup công nghệ đình đám hay Big Tech trên thế giới. Thinkmay của tụi mình thì nhỏ xíu như hạt cát nếu so với thành tựu của các anh chị thôi, nhưng chính vì vậy mà cá nhân mình luôn có động lực để cố gắng hơn mỗi ngày (cho đến lúc thất bại, maybe).
FTU Times - Bạn có thể chia sẻ với chúng mình hình mẫu hay thần tượng, cũng như câu nói ưa thích của bạn?
- Mình rất thích một câu của Paul Graham – nhà sáng lập Y Combinator:
“Live in the future, then build what’s missing.”
Câu này định hình cách mình tiếp cận mọi ý tưởng. Khi mình cảm thấy mình đang sống "chậm hơn" vì máy yếu, đó chính là “thiếu” – và Thinkmay là thứ mình muốn xây để lấp vào khoảng trống đó.
Về hình mẫu, mình rất ngưỡng mộ Elon Musk – không phải vì độ giàu hay độ nổi tiếng, mà vì ông dám thử và thất bại ở những lĩnh vực mà ai cũng nghĩ là “bất khả thi”. FTU Times - Một lời nhắn nhủ từ Quán quân Kawai 2025 để "nhả vía" cho các bạn sinh viên và các em học sinh vừa đam mê công nghệ lại vừa muốn phát triển tư duy kinh doanh?
- Nếu bạn thích công nghệ, nhưng học kinh tế thì đừng nghĩ mình phải chọn một trong hai. Thế giới ngày nay không còn là “hoặc… hoặc…” mà là “và… và…”
Kinh doanh giúp bạn hiểu vì sao mình cần xây sản phẩm. Công nghệ giúp bạn hiểu làm sao để thực hiện điều đó.
Hãy bắt đầu từ những vấn đề bạn thực sự trải qua – đó là những insight quý hơn bất cứ bản nghiên cứu thị trường nào. Và hãy đi cùng những người mà bạn tin tưởng. Bởi vì ý tưởng có thể thay đổi, nhưng con người mới là nền tảng giữ bạn đi đến cùng.
FTU Times - Cảm ơn Kim Nguyên về cuộc trò chuyện này, chúc bạn nhiều niềm vui và thành công, chúc Thinkmay tiếp tục tăng trưởng để nhanh chóng chinh phục những dấu mốc phát triển mới trong tương lai!
-----