Sidebar

Magazine menu

29
Sun, Dec

Tọa đàm "Hoạt động Ngoại thương thời Covid - Thay đổi để thích ứng"

KỶ NIỆM 60 NĂM

Ngày 08/11/2020, Hội cựu sinh viên ĐHNT đã tổ chức tọa đàm "Hoạt động Ngoại thương thời Covid - Thay đổi để thích ứng" nhằm hướng tới chào mừng 60 năm thành lập Trường.

Tham dự tọa đàm có nhiều cựu sinh viên các thế hệ và kết nối trực tuyến với 5 điểm cầu tại 3 châu lục Á, Âu, Úc với sự tham gia của 10+ chuyên gia và chủ doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngoại thương.
Tại tọa đàm, các cựu sinh viên đã thảo luận, trao đổi về thực trạng tình hình hoạt động ngoại thương trong bối cảnh đại dịch Covid 19 diễn ra trên toàn cầu, cùng những cơ hội, thách thức và giải pháp vượt qua bối cảnh này. Theo đó, cuối năm 2020 và bắt đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 đã cơ bản thay đổi hoạt động kinh tế toàn cầu trong đó có ngoại thương Việt Nam và thế giới, dẫn tới Giai đoạn thứ 4 của ngoại thương Việt Nam.
CƠ HỘI
Thương hiệu Việt Nam đã lên tầm cao mới, đây là đánh giá của nhiều người chứ không phải chúng ta tự nghĩ. Không phải tự nhiên Thủ tướng mới nhậm chức của Nhật chọn Việt Nam là nước đầu tiên chính thức đến thăm. Không phải tự nhiên mà Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chọn Hà Nội làm nơi tổ chức. Cũng không tự nhiên chúng ta trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Không tự nhiên chúng ta có tiếng nói rất mạnh trước các diễn đàn kinh tế - chính trị thế giới những năm gần đây. Với các anh em đi nước ngoài nhiều thì sẽ thấy hai chữ Việt Nam có giá trị hơn hẳn trong 5-10 năm trở lại đây, khi chúng ta xuất trình hộ chiếu ở cửa khẩu, nói chuyện với anh taxi, tiếp xúc với doanh nhân bản địa, với cộng đồng người dân bản địa. Tôi cho rằng đây chính là giá trị thương hiệu của Việt Nam - là thời cơ cho các doanh nghiệp làm ăn kinh tế đặc biệt XNK.
Uy tín hàng Việt Nam. Cách đây 10 năm người tiêu dùng khi nhìn thấy hàng thủ công mỹ nghệ, công nghiệp nhẹ như dệt may, giày dép, người ta chỉ nghĩ đến hàng Trung Quốc. Nhưng nay hàng Việt Nam đã có uy tín trong những lĩnh vực này, đặc biệt là thuỷ sản, dệt may, lắp ráp… Đây là cơ hội cho hàng hoá Việt Nam khi có sự tín nhiệm cao hơn của thị trường thế giới.
Quan hệ Quốc tế: Việt Nam có 4 nhóm hàng xuất khẩu: công nghiệp & khoáng sản, công nghiệp nhẹ & tiểu thủ công nghiệp, nông lâm sản, thuỷ hải sản - tạo ra giá trị xuất khẩu hơn 200 tỷ USD. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong 4 nhóm hàng này là Trung Quốc. Nếu như trước đây chúng ta thường né các thị trường hàng Trung Quốc mạnh, thì sau Covid-19, các thị trường có những cái nhìn khác về hàng sản xuất tại Trung Quốc - đây chính là cơ hội ngàn năm có một của thị trường Việt Nam. Chưa tính đến các quan hệ vĩ mô, thì sự thay đổi này tạo ra lợi thế mới cho hàng hoá Việt nam.
THÁCH THỨC
Tác động lớn nhất của Covid là làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các cửa hàng đóng cửa, biên giới bị đóng, hàng không, du lịch đình trệ, hàng loạt nhà máy xí nghiệp dừng hoạt động. Nạn thất nghiệp tràn lan. Đây là thách thức lớn nhất.
Tất cả quốc gia đang phải cơ cấu lại theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, giảm thiểu nạn thất nghiệp, tăng tự cung tự cấp, tăng sản xuất trong nước. Vì vậy đợt rồi có một loạt nhà máy của Mỹ, Nhật rút về nước là nằm trong xu hướng này.
Tâm lý và văn hoá tiêu dùng trên thế giới có sự thay đổi cơ bản. Người tiêu dùng các nước văn minh, nước giàu có trước đây không có áp lực tích luỹ và làm giàu vì nhà nước lo hết, từ giáo dục đến y tế, an sinh xã hội; nhưng qua Covid người ta nhận ra rằng cần có tích lũy cho những lúc không thuận buồm xuôi gió. Vì thế đã và đang có sự chuyển dịch từ tiêu dùng nhiều hàng hiệu, hàng đắt tiền sang tiêu dùng bình dân hơn để giảm chi phí.
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM NÊN LÀM GÌ?
Phải thay đổi cách làm. Cách làm truyền thống là xây dựng một danh mục sản phẩm rồi sau đó đi tìm khách hàng thông qua hội chợ, hội thảo, các tổ chức trung gian để vào thị trường qua các kênh truyền thống. Nhưng giờ cần tiếp cận thị trường kiểu khác, cơ chế khác - dùng công nghệ, thương mại điện tử - tức là tăng cường online và hạn chế offline. Sau Covid, cơ hội cho ngành CNTT là rất nhiều từ xu hướng đó.
Xu hướng cắt giảm các đại lý trung gian. Trong khi ở nước ngoài chi phí cho các khâu trung gian rất cao, thì Covid mở ra cơ hội cắt giảm các đại lý trung gian. Người bán hàng ở các thị trường lớn có thể kết nối trực tiếp với nhà sản xuất ở Việt Nam để mua hàng.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lên đến 4 triệu người. Đây có thể không phải là thị trường chỉ để bán hàng, mà cần tận dụng mạng lưới này để vươn ra các thị trường nước ngoài.
Tính đến các giải pháp đối phó với rủi ro. Trong thời gian qua có nhiều vụ việc huỷ hàng, hủy đơn do khó khăn, thậm chí hàng đang trên biển rồi bị từ chối nhận. Nên cần có biện pháp phòng tránh rủi ro. Xu hướng mua hàng giá rẻ hơn và đại trà hơn đang là xu hướng - nên cần chú ý để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
CỘNG ĐỒNG DOANH NHÂN NGOẠI THƯƠNG
Hiện nay Việt Nam có hơn 56 cơ quan thương vụ tại nước ngoài, hàng hoá có mặt tại hơn 200 nước. Cơ quan sứ quán, thương vụ Việt Nam đến đâu thì cựu SV FTU có thể có mặt hoặc kết nối đến đó. Lực lượng này rất mạnh nhưng tản mát ở nhiều nước, nhiều vùng mà chưa kết nối lại được. Chúng ta rất nên xây dựng lại và xây dựng chuỗi doanh nghiệp Ngoại thương toàn cầu.
Chúng ta có thể kết nối trực tiếp ngay lập tức với 15 nước: Anh, Mỹ, Nhật, Pháp, Thuỵ Điển, EU,... Vì thế tôi rất mong chúng ta có thể lập cơ quan đầu não tại Việt Nam và kết nối đi khắp nơi. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Nguyên Chủ tịch Hội cựu sinh viên ĐHNT đánh giá cao sáng kiến của các bạn FAA trong việc tạo ra diễn đàn online giúp kết nối các thương vụ Việt Nam tại các nước - và dù chênh lệch múi giờ nhưng vì ý thức cao với cộng đồng ngoại thương, mọi người đều sẵn lòng dành thời gian kết nối, mang lại giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp ngoại thương.
Chúng ta có thể tổ chức hàng tháng, ngồi bất kỳ đâu có thể tham gia chương trình online. Nên sắp sẵn lịch cố định để ngồi thảo luận với nhau các chủ đề cụ thể. Ông kêu gọi các cựu sinh viên FAA ở HN và TP. HCM sớm thúc đẩy thành lập diễn đàn này.