Sidebar

Magazine menu

02
Thu, Jan

Giới thiệu về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính

Văn bản - Quy định

Toàn văn văn bản xem tại đây >>>

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Luật gồm 03 Điều với một số điểm mới, như sau:
Đối với nguyên tắc xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần, Khoản 2 Điều 1 Luật số 67 sửa đổi, bổ sung như sau: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng”.
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm trong các lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến, tinh vi, nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn, gây hậu quả lớn đến xã hội, làm thiệt hại kinh tế, thậm chí làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân nhưng mức phạt tối đa áp dụng đối với hành vi vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, thiếu tính răn đe và không đủ sức phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính mới. Do vậy, Khoản 10 Điều 1 Luật số 67 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực, như: Giao thông đường bộ; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Cơ yếu; Giáo dục; Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; Điện lực; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dung; Báo chí; Kinh doanh bất động sản...
Cùng với đó, Luật số 67 sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn tiền phạt đối với tổ chức bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thay vì chỉ áp dụng hoãn tiền phạt đối với cá nhân như Luật hiện hành; sửa đổi quy định về số tiền được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo hướng giảm số tiền được hoãn phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên ở Luật hiện hành xuống còn 2 triệu đồng trở lên đối với những cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo…
Bên cạnh đó, Luật số 67 đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể, đối với lực lượng Công an nhân dân, bãi bỏ 17 chức danh, bổ sung 22 chức danh, thay đổi tên gọi của 05 chức danh và giữ nguyên 25 chức danh để phù hợp với cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an. Luật số 67 cũng đã bổ sung thêm 08 nhóm chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.
Ngoài ra, để bảo đảm tính đầy đủ, khắc phục bất cập trong thực tế hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật, bên cạnh trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác, Khoản 61 Điều 1 Luật số 67 đã bổ sung 04 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy...
--------------------------------------------------