Sidebar

Magazine menu

26
Fri, Apr

Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục Đại học lần thứ 6 “Campus-in-campus: Mô hình đổi mới sáng tạo trong quốc tế hoá cơ sở giáo dục đại học”

Sự kiện tiêu biểu

Ngày 16/03/2023, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục Đại học lần thứ 6 với chủ đề “Campus-in-campus: Mô hình đổi mới sáng tạo trong quốc tế hoá cơ sở giáo dục đại học”.


Diễn đàn năm nay có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ hơn 80 cơ sở giáo dục, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước và 25 Đại sứ quán tại Việt Nam. Ba diễn giả chính của Diễn đàn FIHE lần thứ 6 gồm: Giáo sư Rongyu Li - Phó Hiệu trưởng Đại học Queensland (Úc); Ông Adrian Veale - Chuyên gia cao cấp tại Uỷ ban Châu Âu, và PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương.

Tham dự diễn đàn về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Cao Đinh Kiên - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế; Trưởng, Phó các đơn vị trong trường, cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường.

Với mục tiêu thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế giáo dục đại học tại Việt Nam, hoạt động quốc tế hoá tại các cơ sở giáo dục đại học hiện đang trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đem đến trải nghiệm học tập toàn cầu cho sinh viên Việt Nam cũng như trải nghiệm của sinh viên quốc tế tại Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa của một thế giới VUCA, hoạt động quốc tế hóa giáo dục đại học đứng trước áp lực lớn khi những phương thức hợp tác truyền thống đã không còn hiệu quả. Các cơ sở giáo dục đại học cần nhận thức được điều quan trọng là phải thay thế những phương thức tiếp cận truyền thống và xây dựng những mô hình hợp tác mới nhằm tận dụng tối ưu các nguồn lực không biên giới về con người, chương trình đào tạo, tài liệu, cơ sở vật chất, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững giáo dục đại học.

Nhận thức được sự quan tâm của các bên liên quan trong hoạt động quốc tế hoá giáo dục đại học và nhằm tạo ra một diễn đàn để các cơ sở giáo dục đại học, các nhà quản lý cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chia sẻ những hiểu biết, nghiên cứu, kinh nghiệm và bài học liên quan đến những mô hình đổi mới sáng tạo trong hợp tác quốc tế giáo dục đại học, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Diễn đàn Quốc tế hoá Giáo dục Đại học lần thứ sáu (FIHE 6) với chủ đề: Campus-in-campus: Innovative Models for Internationalization of Higher Education Institutions (Campus-in-campus: Mô hình đổi mới sáng tạo trong quốc tế hoá cơ sở giáo dục đại học).

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục là một sáng kiến của Trường ĐH Ngoại thương từ năm 2017 và được tổ chức thường niên với mục đích tìm kiếm các phương pháp sáng tạo, đổi mới và trở thành nơi cho các cơ sở giáo dục đại học trao đổi ý kiến, khám phá các cơ hội hợp tác và theo đuổi mục tiêu quốc tế hóa của mình. Với chủ đề năm nay là "Campus-in-Campus: Mô hình đổi mới sáng tạo trong quốc tế hóa cơ sở giáo dục đại học", diễn đàn FIHE kỳ vọng sẽ mang đến nguồn cảm hứng cho tất cả các cơ sở giáo dục trên hành trình hướng tới quốc tế hóa giáo dục. Nhà trường sẽ nỗ lực hết mình để duy trì Diễn đàn thường niên này, giúp các cơ sở và tổ chức giáo dục đại học ở khắp nơi trên thế giới có thể giao lưu và chia sẻ về quốc tế hóa giáo dục.

“Campus-in-campus” là một ý tưởng đột phá trong quốc tế hóa giáo dục dựa trên việc chia sẻ tài nguyên của các cơ sở giáo dục để sử dụng tối ưu không biên giới các nguồn lực về con người, chương trình đào tạo, tài liệu, cơ sở vật chất, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững giáo dục đại học.

Tiếp nối thành công của 5 mùa Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục trước đây, Diễn đàn FIHE 6 có sự hiện diện của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, học giả, lãnh đạo, giảng viên các trường đại học, các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức giáo dục uy tín trong và ngoài nước.

Diễn đàn đã lắng nghe 3 tham luận của 3 diễn giả chính gồm:

Tham luận “Phát triển bền vững trong quốc tế hóa giáo dục đại học” của Giáo sư Rongyu Li - Phó Hiệu trưởng Đại học Queensland (Úc);

Tham luận “Khi các trường đại học châu Âu xem xét tương lai - Vai trò của hợp tác xuyên biên giới” của Ông Adrian Veale - Chuyên gia cao cấp tại Uỷ ban Châu Âu;

Tham luận “Đề án “campus in campus” - Góc nhìn từ Giáo dục đại học Việt Nam” của PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương;

Các phần trình bày và thảo luận trong diễn đàn đều nhất trí cho rằng quốc tế hóa giáo dục không còn là một chủ đề mới. Tuy nhiên, sự phân bổ không đồng đều về nguồn lực, sự phân hóa trong phát triển kinh tế đã tạo ra những khác biệt lớn giữa các quốc gia. Đây chính là thời điểm các cơ sở giáo dục đại học cần có 1 tầm nhìn chiến lược, tận dụng các nguồn lực hiệu quả. Trong bối cảnh đó, hợp tác xuyên biên giới trong giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học và “campus- in campus” là mô hình có thể giúp các cơ sở giáo dục có thể tận dụng tối đa các nguồn lực của các bên để mang lợi ích tốt nhất đến cho các bên liên quan. Mô hình campus-in-campus có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như kết hợp các chương trình đào tạo của các bên liên quan vào chương trình học của các cơ sở giáo dục, thành lập các đơn vị thực hành/nghiên cứu của các doanh nghiệp/tổ chức/văn phòng tại các cơ sở giáo dục đại học và ngược lại, thúc đẩy sự dịch chuyển của sinh viên và cán bộ giảng viên, xây dựng các phân hiệu của các tổ chức giáo dục nước ngoài tại quốc gia sở tại.

Một điểm nhấn tại Diễn đàn FIHE 6 là triển lãm về quốc tế hóa giáo dục. Tại triển lãm, các đối tác của Trường Đại học Ngoại thương đã có các gian triển lãm, giới thiệu về hoạt động quốc tế hóa giáo dục, nhấn mạnh vào chủ đề “campus-in campus”. Triển lãm là nơi các bên liên quan trong hệ sinh thái giáo dục đại học chia sẻ kỹ hơn về kinh nghiệm, bài học và những điểm trọng yếu khi thực hiện hoạt động quốc tế hóa trong giáo dục đại học.