Ngày 17/11/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã long trọng tổ chức lễ trao tặng danh Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.
Trong đợt này, hai nhà giáo của Trường Đại học Ngoại thương là PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Trường và PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh - Phó Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại thương đứng hàng đầu, thứ 7 từ trái sang.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại thương.
Theo Bộ GD&ĐT, từ năm 1986 đến năm 2020, qua 15 lần xét tặng, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng 650 Nhà giáo nhân dân và 9081 Nhà giáo ưu tú. Đây là sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung, đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, thể hiện truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh - Phó Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương.
PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh - Phó Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương đứng hàng đầu, thứ 2 từ trái sang.
Đối với việc xét tặng lần thứ 16 vào năm 2023, thực hiện Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các Bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16. Việc tổ chức xét tặng được triển khai thực hiện theo các cấp hội đồng từ Hội đồng cấp cơ sở (tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học và cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương) đến Hội đồng cấp huyện, Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước.
Theo đó, các nhà giáo đủ tiêu chuẩn, điều kiện về tài năng sư phạm, có công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, có uy tín về chuyên môn, có ảnh hưởng trong ngành và lĩnh vực được lựa chọn để trình cấp có thẩm quyền xét, trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú năm 2023 đã nhận được 1.225 hồ sơ, trong đó có 24 hồ sơ đề nghị Nhà giáo nhân dân và 1.201 hồ sơ đề nghị Nhà giáo ưu tú, trong đó, có 33 nhà giáo người dân tộc thiểu số. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng cấp Nhà nước đã họp, bỏ phiếu, trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước. Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 21 nhà giáo và Nhà giáo ưu tú cho 1.167 nhà giáo.
Phát biểu tại lễ trao danh hiệu và tri ân các thầy cô giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó. Để đạt được danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, đã vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân và lan tỏa các giá trị tốt đẹp”. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng trong cuộc đổi mới giáo dục đang triển khai hiện nay, vai trò của con người rất quan trọng. Trong đó các nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân là hạt nhân để lan tỏa kinh nghiệm, trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo tới cộng đồng nhà giáo để tạo nên sức mạnh chung giúp ngành giáo dục bứt phá.