Sidebar

Magazine menu

24
Sun, Nov

Diễn đàn quốc tế hóa giáo dục đại học năm 2019 “Các phương thức hợp tác sáng tạo trong giáo dục đại học xuyên biên giới”

Hợp tác quốc tế

Trong bối cảnh giáo dục đại học trên thế giới đang chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hóa, số hóa và nhu cầu ngày càng đa dạng, quốc tế hóa trở thành một trong những phương thức được nhiều trường đại học, tổ chức giáo dục quan tâm. Ngày 01/10/2019, Trường Đại học Ngoại thương chủ trì và phối hợp với Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Chính trị & Công tác Học sinh, Sinh viên) đồng tổ chức Diễn đàn quốc tế hóa giáo dục đại học lần thứ ba với chủ đề “Các phương thức hợp tác sáng tạo trong giáo dục đại học xuyên biên giới”.

Diễn đàn năm nay có sự tham dự của 2 diễn giả chính gồm GS. Nguyễn Hữu Đức - Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, Ông Rob Humphrey - Thành viên Hội đồng tài trợ giáo dục đại học Wales (HEFCW). Tham dự Diễn đàn có Ông Bùi Văn Linh - Quyền vụ trưởng Vụ GDCT&CTHSSV, Bộ GD&ĐT; PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT, Bà Donna McGovan - Giám đốc QG Hội đồng Anh tại VN, Ông Andrea Pearlman - Giám đốc Chương trình Xã hội Đông Á, Bà Hoàng Vân Anh - Giám đốc Chương trình Giáo dục Xã hội Hội đồng Anh tại Việt Nam, đại diện 12 đại sứ quán các nước, các nhà khoa học, chuyên gia, học giả, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên gần 80 các trường Đại học, các tổ chức giáo dục uy tín trong và ngoài nước. Về phía trường ĐHNT có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng trường, PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng, TS. Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị, các thầy cô giáo và các bạn sinh viên toàn trường.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS, TS Bùi Anh Tuấn khẳng định trong bối cảnh giáo dục đại học trên thế giới đang chứng kiến những sự thay đổi mạnh mẽ đến từ thị trường lao động, nhu cầu người học và các yếu tố công nghệ, các trường đại học cần xây dựng các mô hình hợp tác sáng tạo, hiệu quả và phù hợp nhất để thực hiện mục tiêu, sứ mệnh và lan tỏa triết lý giáo dục của mình. Trong đó việc chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác là con đường hiệu quả nhất để giúp các đại học đạt được mục tiêu của mình. Sự ra đời của FIHE để giúp các trường thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Để có thể cùng nhau góp phần tạo ra những thế hệ sinh viên - công dân toàn cầu với ý thức trách nhiệm và tác động tích cực đến xã hội, có khả năng hợp tác và thích ứng cao với sự thay đổi, đã đến lúc các trường đại học ở Việt Nam cũng như trên thế giới cần chung tay KẾT NỐI (Connect), HỢP TÁC (Collaborate), ĐỒNG SÁNG TẠO (Co-Create) các mô hình mới nhằm phụng sự CỘNG ĐỒNG (Community) và trên hết, để nhà trường thực sự là nơi xây dựng và lan tỏa VĂN HÓA ĐỔI MỚI SÁNG TẠO (Culture of Innovation) một cách bền vững. Sáng tạo trong hợp tác quốc tế hướng tới khẳng định vai trò của cơ sở giáo dục đại học trong thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp vì sự phát triển của thế giới.

Phiên toàn thể gồm bài trình bày của 2 diễn giả chính: "Thúc đẩy sáng tạo xã hội trong giáo dục đại học thông qua hợp tác" của Ông Rob Humphrey và "Phát triển đại học thông minh định hướng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa" của GS. Nguyễn Hữu Đức. Tiếp đó là 2 phiên thảo luận chuyên đề "Mô hình hợp tác sáng tạo phục vụ phát triển cơ sở giáo dục đại học" và "Lồng ghép sáng tạo xã hội và tinh thần Doanh nhân xã hội trong các cơ sở giáo dục đại học - Chia sẻ kinh nghiệm từ Vương quốc Anh, Đông Nam Á và Việt Nam".

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm và góp phần thúc đẩy việc đổi mới các mô hình hợp tác quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học, tổ chức, doanh nghiệp tại nhiều quốc gia nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị cũng như tầm ảnh hưởng của các trường đại học cũng như các tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục đại học phi truyền thống; trao đổi về các cơ hội và thách thức, thế mạnh và điểm yếu của các mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc thúc đẩy sáng tạo xã hội và hình thành doanh nghiệp xã hội. Không dừng lại ở đó, các đại biểu tham dự diễn đàn cũng đã đưa ra những dự báo các xu hướng hợp tác mới trong giáo dục đại học xuyên biên giới; phát hiện các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và công nghệ sẽ đóng vai trò thay đổi xu hướng hợp tác giáo dục đại học trong tương lai. Ngoài ra, diễn đàn cũng tạo cơ hội cho các đại biểu thảo luận về các chủ đề liên quan tới phát triển quốc tế và hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học cũng như xúc tiến các cơ hội đàm phán, ký kết hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học nước ngoài.

Phát biểu tổng kết diễn đàn, PGS, TS Bùi Anh Tuấn bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm và những cam kết ban đầu của các đại biểu tham dự diễn đàn về sáng kiến của Nhà trường trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên trường đại học và xuyên biên giới được đặt nền móng ngay tại diễn đàn năm nay. Thầy cho rằng diễn đàn đã thực sự trở thành không gian kết nối linh hoạt, sáng tạo nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi giáo dục không chỉ giới hạn ở bậc đại học, hay trong các trường học mà còn trong phạm vi một quốc gia. Thế giới đang thay đổi, cách thức làm việc và giao tiếp trong môi trường làm việc cũng thay đổi, tâm lý, hành vi và những ưu tiên của thế hệ trẻ càng thay đổi mạnh mẽ và nhà trường, với sứ mệnh kiến tạo, chuyển giao và lan tỏa tri thức cùng các giá trị cộng đồng sẽ cần đi tiên phong để tận dụng tối đa các cơ hội từ chính xu thế này.

Với thành công của Diễn đàn năm nay, hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong giáo dục đại học xuyên biên giới trong những năm tiếp theo.

Song song cùng với Diễn đàn là Ngày hội Du học 2019 dành cho các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước có cơ hội được tiếp cận với hàng trăm sinh viên đại học và học sinh trung học phổ thông. Ngày hội năm nay thu hút gần 25 trường đại học, các tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế tham gia.

Những thông tin và cơ hội trong Ngày hội sẽ là tư liệu tham khảo quý giá đối với các học sinh, sinh viên có nguyện vọng du học nước ngoài và du học tại chỗ trong tương lai.