Sidebar

Magazine menu

27
Fri, Dec

Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam thăm và chia sẻ với sinh viên Ngoại thương về chủ đề "Khám phá những quan điểm đa dạng về lãnh đạo"

Hợp tác quốc tế

Ngày 19/11/2024, Ngài Karl Hendrik Margareta Van den Bossche - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam và Giáo sư Patrick Faniel - Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Quản lý Châu Âu (MCE), đồng thời là tác giả của cuốn sách “What Leadership is For: Identifying the Three Drivers for Stand-out Performance” đã đến thăm và giao lưu với sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương (FTU) tại Tọa đàm “What Leadership Is For: From Different Perspectives”.

Toạ đàm đã mang đến cho sinh viên và giảng viên những góc nhìn sâu sắc và đa dạng về lãnh đạo trong thế giới hiện đại.
Tham dự tiếp đón các diễn giả, về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS, TS Cao Đinh Kiên - Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế; ThS Nguyễn Huyền Minh - Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ đối ngoại.


Phát biểu khai mạc chương trình, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy đã gửi lời chào mừng nồng nhiệt tới các vị khách quý, giảng viên và toàn thể sinh viên. PGS, TS Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, cũng như cam kết của nhà trường trong việc truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Với thông điệp rằng “lãnh đạo không chỉ là giữ vị trí quyền lực mà còn là khả năng dẫn dắt, đưa ra quyết định đúng đắn và thích ứng trong một thế giới thay đổi nhanh chóng,” PGS, TS Lê Thị Thu Thủy khuyến khích các sinh viên lắng nghe và học hỏi từ những câu chuyện và bài học của các diễn giả.


Tại chương trình, Ngài Đại sứ Karl Hendrik Margareta Van den Bossche đã mang đến một bài phát biểu sâu sắc, chia sẻ kinh nghiệm từ hơn 20 năm hoạt động ngoại giao tại các tổ chức quốc tế như WTO và Liên Hợp Quốc. Ông nhấn mạnh rằng lãnh đạo trong bối cảnh địa chính trị không chỉ đơn thuần là việc đưa ra quyết định, mà còn đòi hỏi khả năng thích ứng, dẫn dắt và tạo dựng sự tin tưởng trong môi trường toàn cầu đầy biến động. Ông nêu rõ rằng, để thúc đẩy hòa bình và phát triển, cần có những nhà lãnh đạo biết hợp tác và tuân thủ các quy tắc quốc tế, thay vì dựa vào sức mạnh áp đặt.
Ngài Đại sứ cũng chia sẻ những câu chuyện thực tế từ các sự kiện quan trọng mà ông đã chứng kiến, như hội nghị WTO tại Cancun năm 2002 và hiệp định TRIPS về y tế. Qua đó, ông nhấn mạnh rằng lãnh đạo không chỉ thuộc về các quốc gia mà còn mở rộng ra các tổ chức phi nhà nước, nhấn mạnh vai trò của sự đoàn kết và sáng tạo trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu. Ông kêu gọi sinh viên FTU hãy “chia sẻ sự lạc quan, suy nghĩ đột phá nhưng thực tế,” để chuẩn bị trở thành những nhà lãnh đạo có trách nhiệm trong tương lai.

Tiếp theo, Giáo sư Patrick Faniel đã trình bày về “Mô hình Lãnh đạo Tăng Cường Hiệu Suất.” Ông đưa ra các dữ liệu từ khảo sát của Gartner năm 2023, cho thấy những ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo hiện nay bao gồm: hiệu quả của lãnh đạo và quản lý (60%), thiết kế và quản lý tổ chức (53%), trải nghiệm nhân viên (47%), tuyển dụng (46%), và tương lai của công việc (42%). Với mô hình này, Giáo sư Faniel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn lọc và tập trung vào tối đa ba yếu tố chính để đạt hiệu suất tối ưu. Ông giải thích rằng, khi các nhà lãnh đạo chọn những yếu tố này, họ có thể tránh được sự phân tán và đạt hiệu quả cao hơn trong việc thúc đẩy tổ chức phát triển bền vững. Ngoài ra, ông cũng trình bày thêm về những thách thức mà các nhà lãnh đạo hiện nay đang đối mặt, từ công nghệ mới, kỳ vọng từ thế hệ Z, cho đến yêu cầu về tính bền vững và cạnh tranh toàn cầu. Thêm vào đó, ông có đưa ra kết quả nghiên cứu từ Các Công ty đáng ngưỡng mộ nhất thế giới (WMAC), thì 82% nhân sự làm cho các công ty trên nói rằng tài năng quan trọng hơn là công nghệ trong việc điều hướng sự phát triển trong công ty, và nghiên cứu chỉ ra rằng 63% động lực cho sự phát triển trong các công ty trong WMAC là đến trực tiếp từ con người, từ nhân sự trong công ty. Vậy nên, dưới sự lãnh đạo và văn hoá đúng đắn mới có thể đưa đến sự phát triển cho các doanh nghiệp, tổ chức và công ty.


Cuốn sách “What Leadership is For: Identifying the three drivers for stand-out performance” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn các yếu tố ưu tiên và tập trung vào chúng để dẫn dắt tổ chức đạt được mục tiêu cao nhất. Giáo sư Faniel cũng nhấn mạnh rằng, trong một thế giới không ngừng biến động, khả năng phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định nhanh nhạy là chìa khóa giúp các nhà lãnh đạo đứng vững và thành công.
Đặc biệt, Giáo sư Faniel đã tặng cuốn sách của mình cho các sinh viên tham gia, như một món quà tri thức và công cụ hữu ích để giúp họ rèn luyện và phát triển kỹ năng lãnh đạo. Điều này thể hiện sự quan tâm của ông đến việc hỗ trợ thế hệ trẻ phát triển và trang bị những kiến thức cần thiết để vượt qua thử thách trong sự nghiệp tương lai.


Sau phần chia sẻ của các diễn giả, sinh viên cùng đại biểu tham dự đã có cơ hội tham gia vào phần hỏi đáp, trực tiếp trao đổi và học hỏi từ những kinh nghiệm thực tiễn của hai diễn giả. Qua phần giao lưu hỏi đáp đã giúp sinh viên Ngoại thương hiểu rõ hơn về những thách thức và phẩm chất cần thiết của một nhà lãnh đạo trong thời đại mới.


Sự kiện này đã mang đến cho sinh viên cơ hội học hỏi từ những nhà lãnh đạo quốc tế, giúp các em có thêm hành trang và động lực để trở thành những nhà lãnh đạo tiềm năng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.