Ngày 30/03/2022, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức Hội nghị đối tác đào tạo năm 2022 trong lĩnh vực du lịch, khách sạn tại Khách sạn Sheraton Saigon Hotel & Tower - một trong các đối tác đào tạo của nhà trường.
Tham dự hội nghị về phía khách mời có Ông Tony Jones - Tham tán thông tin văn hóa giáo dục, Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. HCM; Ông Dominique Laffly - Tùy viên Hợp tác khoa học và Đại học, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch; Ông Đặng Minh Sự - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động thương binh & Xã hội TP. HCM; Ông Nguyễn Việt Anh - Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TP. HCM; Giám đốc nhân sự, giám đốc điều hành, trưởng các bộ phận chuyên môn của 42 khách sạn 5 sao ở Hà Nội, TP. HCM, Vũng Tàu; Chủ tịch, đồng sáng lập Hiệp hội F&B, Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam, Hiệp hội Sommelier Việt Nam.
Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Hồ Thúy Ngọc – Trưởng khoa Đào tạo quốc tế. Về phía Cơ sở II tại TP. HCM có PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Cơ sở II, cùng lãnh đạo các đơn vị, cán bộ, viên chức Nhà trường.
Mở đầu chương trình, Ông Julian Wong - Tổng Giám đốc Khách sạn Sheraton Saigon Hotel & Tower bày tỏ sự vinh dự khi khách sạn Sheraton được lựa chọn là nơi tổ chức một sự kiện quy tụ rất nhiều các khách mời cao cấp và có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực du lịch khách sạn.
PGS, TS Hồ Thúy Ngọc - Trưởng khoa Đào tạo quốc tế báo cáo trước hội nghị về những nội dung, học phần mà khối khách sạn 5 sao và nhà hàng thuộc phân khúc thị trường cấp cao đã và đang tham gia với Nhà trường trong đào tạo các chương trình cử nhân trong lĩnh vực du lịch và khách sạn.
Đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. HCM phát biểu.
Đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phát biểu.
Từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, những chia sẻ của bà Nguyễn Thanh Bình – Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã mang đến một bức tranh toàn cảnh cho ngành công nghiệp dịch vụ nước nhà, đồng thời hướng đến tầm nhìn chiến lược cho năm 2030. Theo chia sẻ của bà Bình, đây là thời kỳ đặc biệt để tái cơ cấu lại ngành dịch vụ, bổ sung các thiếu hụt về nguồn nhân sự quản lý cao cấp, đồng thời khẳng định vị thế của lao động Việt tại các cơ sở lưu trú 5 sao.
Phần thảo luận do PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó hiệu trưởng chủ trì đã ghi nhận các ý kiến đóng góp cho Nhà trường trong việc vận hành mối quan hệ ba bên giữa Doanh nghiệp (khách sạn 5 sao, F&B thuộc phân khúc thị trường cao cấp); Hiệp hội chuyên môn của ngành du lịch - khách sạn và Nhà trường chặt chẽ hơn, mang lại chất lượng đào tạo đáp ứng những thay đổi liên tục của công nghệ, dịch bệnh, môi trường tự nhiên. Các kỹ năng quản trị khách sạn quốc tế hướng tới phát triển bền vững trong du lịch, trong nền kinh tế số là những nội dung mà Nhà trường và doanh nghiệp phải đưa vào chương trình cũng như trong suốt quá trình kiểm tra, đánh giá để đạt được mục tiêu nâng số lượng người Việt Nam tham gia vào đội ngũ quản lý cấp trung và cấp cao của các khách sạn, nhà hàng ở phân khúc cao cấp trong nước, khu vực và trên thế giới.
Chia sẻ về việc tham gia vào các giai đoạn từ tuyển sinh, giảng dạy trên lớp, tại thực địa và triển khai học phần thực hành, thực tập cũng như kiểm tra đánh giá gần 200 sinh viên đến từ hai Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của Nhà trường tại Hà Nội và TP. HCM trong ba năm vừa qua (Chương trình cử nhân Quản trị khách sạn quốc tế do Trường Kinh doanh và du lịch Vatel (Pháp) cấp bằng và Chương trình cử nhân Quản trị khách sạn, nhà hàng do ĐH Niagara (Hoa Kỳ) cấp bằng), các khách sạn như InterContinental Landmark72, Sheraton Hanoi Hotel & The Grand Hồ Tràm Strip, Tập đoàn IHG ở Việt Nam và Lào,.. đều thể hiện sự hài lòng về sự nhiệt tình, năng động, chuyên nghiệp và khả năng thích ứng của các em sinh viên, đồng thời cũng chỉ ra những điểm mà Nhà trường và các khách sạn 5 sao cần giúp các em khắc phục để đạt tiêu chuẩn quốc tế .
Ông Thomas Chan – Chủ tịch Trường Quản lý Khách sạn CitySmart đã đưa ra lí giải vì sao nhân sự quản lý trong ngành thường là người nước ngoài cũng như chỉ ra yếu điểm của nhân sự Việt Nam trong ngành là tâm lý hay nhảy việc, ảo tưởng về việc làm quản lý ngay khi tốt nghiệp và thiếu kỹ năng quan sát, giải quyết vấn đề.
Đại diện cho Nhà trường, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy đã tổng kết hội nghị bằng những chia sẻ về sứ mệnh, triết lý đào tạo cùng những giá trị cốt lói của Nhà trường. Cô khẳng định hội nghị đã đạt được những mục tiêu kỳ vọng của Nhà trường, đó là lắng nghe những ý kiến đóng góp từ các bên, thông qua đó hoàn thiện các chương trình đào tạo trong ngành Du lịch – Khách sạn. Cô cũng giao nhiệm vụ cho Khoa Đào tạo quốc tế, Ban Đào tạo quốc tế, Trung tâm ICCC - Cơ sở II TP. HCM tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp ngay say hội nghị này để có kế hoạch cải tiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của 2 chương trình.
Hội nghị kết thúc thành công tốt đẹp mở ra nhiều triển vọng mới trong tương lai.