Trong 2 ngày 16 và 17 tháng 6, tại trường ĐHNT đã diễn ra Hội thảo quốc tế "The 13th Asia Pacific Trade seminars" với sự tham dự của các Giáo sư danh dự và các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu có uy tín, các quan chức chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp nổi tiếng đến từ các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Đài Loan, Hongkong, Australia, Singapore, Hàn Quốc, Viêt Nam...
Đến tham dự phiên khai mạc có PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Phó hiệu trưởng trường ĐHNT, GS Taiji Furusawa - ĐH Hitosubashi, Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy nhiệt liệt chào mừng các đại biểu từ các nước trong khu vực đã đến tham dự hội thảo quốc tế này. PGS, TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và các Hiệp định Thương mại tự do thế hê mới ngày càng phức tạp, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp rất cần những hiểu biết sâu hơn về các khía cạnh và tác động của thương mại tới phát triển kinh tế. Môi trường thương mại năng động và các chính sách thương mại trên toàn thế giới đặt ra yêu cầu tất cả các quốc gia cần hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến thương mại để hành động kịp thời và hiệu quả hơn.
Là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đang phải đối mặt với những cơ hội và thách thức mới. Trường Đại học Ngoại thương tự hào là một trong những trường đại học nổi tiếng của Việt Nam đã và đang cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu sâu về thương mại và cung cấp các dịch vụ cho chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại phát triển.
Hội thảo quốc tế đã tạo ra một diễn đàn cho tất cả mọi người chia sẻ những phát hiện nghiên cứu, trao đổi các ý tưởng sáng tạo, đề xuất các chính sách và xây dựng, kết nối mạng lưới về thương mại và đầu tư quốc tế. Các vấn đề chính được quan tâm bàn luận tại hội thảo có thể kể đến như: tự do hóa thương mại, rào cản thuế quan và phi thuế quan, vốn đầu tư nước ngoài FDI, vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp đa quốc gia, phúc lợi xã hội, tiền lương, các chính sách thương mại của WTO, GATT, tác động của hiệp định TPP lên dòng vốn FDI, biến động của tỉ giá tới chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tác động thương mại khi Trung Quốc gia nhập WTO, thuê nhân công nước ngoài và mạng lưới sản xuất nội địa, năng suất lao động và chuỗi giá trị toàn cầu...
Sau 2 ngày, Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các đại biểu tham dự.