Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo "Năng lực lãnh đạo và thích ứng với một thế giới đang thay đổi" và "Kinh tế Nhật Bản - Hiện thực, triển vọng và những tác động đến khu vực ASEAN"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Nhằm tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị, tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản và tăng cường hơn nữa sự hiểu biết về kinh tế, giao lưu văn hóa giữa hai nước, đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp hai nước, ngày 19/10/2017, trường Đại học Ngoại thương đã phối hợp với công ty TNHH Tư vấn Minami Fuji dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Ngoại Thương Nhật Bản – JETRO, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam – JBAV, Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản – VJCC đã long trọng tổ chức buổi lễ chào đón Ngài Takenaka Heizo đến thăm, làm việc với trường Đại học Ngoại thương và làm diễn giả cho chuỗi 2 buổi hội thảo.

Tham dự sự kiện về phía công ty TNHH Tư vấn Minami Fuji có ngài Sugiyama Himuro – Giám đốc công ty. Về phía trường Đại học Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Đào Thị Thu Giang – Phó hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Phó hiệu trưởng; PGS, TS Nguyễn Thu Thủy – Phó hiệu trưởng cùng toàn thể lãnh đạo các đơn vị trong toàn trường. Tham gia 2 buổi hội thảo còn có đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện JICA, nhân viên công ty Minami Fuji, học viên Viện đào tạo nhà quản lý toàn cầu (GMC), đại diện gần 150 doanh nghiệp iệt Nam - Nhật Bản cùng đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Ngoại thương.

GS Heizo Takenaka phát biểu tại Chương trình giao lưu kinh tế và văn hóa Nhật Bản

GS Heizo Takenaka là nhà kinh tế học và cựu chính trị gia nổi tiếng Nhật Bản. Hiện tại ông là Giáo sư tại Đại học Keio – một trong những trường Đại học hàng đầu Nhật Bản đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Pasona. Ngài Takenaka cũng là Nguyên Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Chính sách Tài Chính, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội Vụ - Truyền thông, Nguyên Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản. Ngoài ra, ngài Takenaka cũng là đại diện cho giới kinh tế gia Nhật Bản tham gia Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) trong nhiều năm liền. Hiện tại ông là thành viên trong Ban cố vấn kinh tế cho Thủ tướng NB Shinzo Abe và là nhân vật sức ảnh hưởng rất lớn tới cả giới kinh doanh và chính trị Nhật Bản thông qua những cuốn sách và bài phát biểu của ông.

Chương trình trao đổi Kinh tế - Văn hóa Việt Nam – Nhật Bản lần này có chủ đề “Dẫn dắt tương lai châu Á – Một cách tiếp cận từ góc nhìn kinh tế và nghệ thuật” với 2 phiên hội thảo gồm “Năng lực lãnh đạo và thích ứng với một thế giới đang thay đổi” dành riêng cho cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Ngoại thương và “Kinh tế Nhật Bản – Hiện thực, triển vọng và những tác động đến khu vực ASEAN” dành riêng cho các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Đây là một chương trình đưa đến góc nhìn từ hai khía cạnh của Kinh tế và Văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, theo đó, trường Đại học Ngoại thương và công ty Minami Fuji mong muốn nuôi dưỡng và phát triển những nhân tài trong tương lai sẽ chịu trách nhiệm xây dựng một Châu Á bền vững.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất tới ngài Heizo Takenaka và lời cảm ơn chân thành nhất tới công ty Minami Fuji đã phối hợp với trường Đại học Ngoại thương tổ chức sự kiện này. Thầy Hiệu trưởng khẳng định, trường Đại học Ngoại thương là một trong những đối tác đặc biệt của Minami Fuji, hội tụ đầy đủ những điều kiện và cơ hội lý tưởng cho mục tiêu phát triển của công ty. Thành quả của những nỗ lực không ngừng của hai đối tác có thể kể đến là những thế hệ sinh viên đã, đang và sẽ tham gia vào mạng lưới GMC; trụ sở văn phòng hợp tác của công ty Minami Fuji đặt tại trường Đại học Ngoại thương; kế hoạch hỗ trợ thành lập văn phòng Hợp tác quốc tế của trường Đại học Ngoại thương tại Tokyo; cũng như những bài thuyết giảng, chương trình hội thảo về vấn đề kinh tế khu vực và thế giới. Cuối cùng, PGS, TS Bùi Anh Tuấn hy vọng buổi hội thảo sẽ là cơ hội tuyệt vời cho hàng trăm đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, thuận lợi và xây dựng mạng lưới quan hệ hợp tác tiềm năng qua các phiên thảo luận và networking ngày hôm nay.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, đại diện công ty Minami Fuji, ngài Sugiyama Himuro – Giám đốc công ty đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành vì sự phối hợp rất tốt từ phía Nhà trường để tổ chức thành công buổi hội thảo ngày hôm nay. Ông nhấn mạnh hoạt động đào tạo con người đã luôn luôn là một trong những trọng tâm phát triển của công ty Minami Fuji, với mục tiêu là cung cấp những thế hệ lãnh đạo trẻ để có thể góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngay tại quốc gia mình. Ông cho rằng “Từ trước đến nay, định nghĩa về những nhà lãnh đạo hàng đầu vẫn luôn là những người có kinh nghiệm và tri thức ưu việt. Nhưng trong thời đại mà điều kiện biến đổi mạnh mẽ như hiện nay, thì quan trọng hơn cả kinh nghiệm và tri thức, cần có một cái đầu linh hoạt, một trái tim trung thực và một tinh thần đương đầu với thử thách”.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương vui mừng được đón tiếp GS Heizo Takenaka

Tại phiên hội thảo đầu tiên vào buổi sáng, GS Takenaka đã tập trung chia sẻ về những thay đổi căn bản trong nền kinh tế toàn cầu (toàn cầu hóa và nền kinh tế số), các nhân tố mới tác động tới nền kinh tế (chủ nghĩa dân tộc cực đoan và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0), khả năng lãnh đạo trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo toàn cầu (la bàn thay thế bản đồ, thế giới mà ở đó tri thức sẽ nhanh chóng lỗi thời, thời đại cần phải rèn luyện tính tự lập, bi quan là cảm xúc, lạc quan là ý chí, trao cơ hội để trở nên khác biệt).

Tại phiên hội thảo thứ 2 vào buổi chiều, GS Takenaka đã chia sẻ góc nhìn về kinh tế của Nhật Bản, ASEAN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu và những xu hướng, triển vọng của mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian sắp tới. Một điểm nhấn khác của buổi hội thảo là buổi networking và tiệc trà với sự tham gia của gần 150 lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài ra, tại buổi hội thảo, lần đầu tiên và duy nhất cuốn sách bán chạy nhất của Ngài Takenaka tại Nhật Bản “Nhật Bản và thế giới tới năm 2020 – Những thay đổi lớn về kinh tế” sẽ được giới thiệu bản dịch sang Tiếng Việt.

Ở cả 2 phiên hội thảo, các đại biểu đều đã có những trao đổi, tranh luận sôi nổi, những câu hỏi thú vị của các đại biểu tham dự đều được GS Takenaka giải đáp một cách thuyết phục, cung cấp những kiến thức và hiểu biết bổ ích.

Cũng trong khuôn khổ chương trình trao đổi Việt Nam - Nhật Bản, PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Nhà trường đã có buổi tiếp thân mật, chiêu đãi tiệc và làm việc với ngài Takenaka. Thầy Hiệu trưởng bày tỏ vui mừng và vinh dự khi được chào đón ngài Takenaka lần đầu tiên đến thăm Việt Nam và có 2 bài diễn thuyết tại trường Đại học Ngoại thương, cho rằng chuyến thăm của Ngài là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản nói chung, giữa trường Đại học Ngoại thương và công ty Minami Fuji nói riêng. Trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam trở về nước, ngài Takenaka đã bày tỏ sự xúc động và lời cảm ơn chân thành tới Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Ngoại thương và công ty Minami Fuji vì sự đón tiếp trọng thị, chu đáo và thắm tình hữu nghị mà Nhà trường và công ty đã dành cho ông, bày tỏ hy vọng sẽ sớm thăm lại Việt Nam và trường Đại học Ngoại thương trong tương lai.