Ngày 22/11/2017, trường Đại học Ngoại thương đã vinh dự đón tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển, bà Margot Wallstrom đến trường Đại học Ngoại thương có bài nói chuyện với cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường.
Đón tiếp Bà Bộ trưởng, về phía Đại học Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng; cùng một số lãnh đạo các phòng ban trong trường và các em sinh viên của Nhà trường.
PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường tặng quà cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển bà Margot Wallstrom
Tại buổi tiếp xã giao, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường nhiệt liệt chào mừng bà Bộ trưởng mặc dù với lịch trình công tác bận rộn tại VN nhưng vẫn dành thời gian đến có bài nói chuyện với cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Ngoại thương. PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho rằng chuyến thăm của Bà Bộ trưởng có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống hữu nghị từ lâu đời giữa Việt Nam và Thụy Điển - quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với VN từ năm 1969. Thầy Hiệu trưởng đã bày tỏ vinh dự khi trường Đại học Ngoại thương được chọn làm nơi bà có bài giảng với thanh niên VN về chủ nữ quyền.
Bà Margot Wallstrom - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển phát biểu trong buổi nói chuyện
Bày tỏ cảm ơn và vô cùng xúc động trước sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu của trường Đại học Ngoại thương dành cho bà, bà Bộ trưởng được biết trường Đại học Ngoại thương là một trong những trường ĐH danh tiếng nhất VN, cho rằng được có cơ hội có bài giảng với sinh viên Đại học Ngoại thương là một niềm vinh dự cho cá nhân bà trong chuyến thăm VN lần này. Bà cũng bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp về đất nước VN tươi đẹp, nhân dân VN giàu lòng mến khách cũng như sự năng động của sinh viên Đại học Ngoại thương nói riêng, của thanh niên VN nói chung.
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng chụp ảnh lưu niệm với Bà Margot Wallstrom - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển
Bài nói chuyện của Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển có chủ đề "Chính sách ngoại giao nữ quyền vì một trật tự toàn cầu hòa bình".(A Feminist Foreign Policy for a Peaceful Global Order) bàn về chính sách bảo vệ nữ quyền, vì bình đẳng giới toàn cầu. Trong 3 năm hoạt động, dự án này đã gặt hái được nhiều thành công trong việc kết nối, hoạch định chính sách, phòng chống bạo lực, cũng như kí kết các hiệp định hợp tác từ phía Thụỵ Điển. Bà Margot khẳng định rằng: trái ngược với những ý kiến cho rằng chính sách này là thiên vị, tất cả các hoạt động này đều chung một mục tiêu là vươn tới bình đẳng giới toàn cầu, từ đó giúp người phụ nữ tự chủ hơn và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Sinh viên Đại học Ngoại thương đặt câu hỏi cho bà Ngoại trưởng
Toàn cảnh buổi nói chuyện của bà Ngoại trưởng
Khi trả lời các câu hỏi của sinh viên Đại học Ngoại thương về nữ quyền, bình đẳng giới, bà Ngoại trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục - là đòn bẩy dẫn tới mọi sự phát triển. Việc phổ cập giáo dục và đào tạo không chỉ cho nữ giới mà toàn dân là nhiệm vụ cần thực hiện đầu tiên. Đồng thời, bà Margot cũng khẳng định vai trò của nữ quyền trong các hoạt động liên quan đến kinh tế, chính trị, giáo dục, nhân đạo, từ đó chỉ ra bình đẳng giới là vấn đề cần giải quyết triệt để. Về phía Thuỵ Điển, hiện tại chính phủ đang hoạt động tích cực với EU để thúc đẩy cán cân thương mại nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Đối với những vấn đề cụ thể các bạn trẻ Ngoại thương đề cập về việc đấu tranh vì nữ quyền tại Việt Nam, bà Margot Wallstrom rất hi vọng có thể chia sẻ chi tiết hơn về kinh nghiệm cũng như lời khuyên dành cho Việt Nam tại các diễn đàn trong thời gian sắp tới.
Trong chuyến thăm lần này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã bày tỏ niềm vui và niềm mong đợi gặp gỡ với những người trẻ - thế hệ tương lai tạo nên một cộng đồng bình đẳng và phát triển vững mạnh. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã có những chuyển biến vô cùng tích cực ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bà Margot hi vọng mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước sẽ ngày càng bền chặt và trong tương lai cả 2 nước sẽ đạt được nhiều bước tiến hơn trong công cuộc đấu tranh vì nữ quyền và bình đẳng giới.