Ngày 11/5/2018, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức tọa đàm khoa học về cải tiến và đổi mới chương trình đạo tạo bậc đại học các chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Thương mại quốc tế và Kinh doanh quốc tế mà Viện hiện đang phụ trách về chuyên môn.
Tham dự buổi tọa đàm có PGS, TS Bùi Thị Lý - Phụ trách Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, TS. Võ Sỹ Mạnh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, TS Bùi Liên Hà - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, đại diện lãnh đạo các Khoa chuyên môn có tham gia giảng dạy một số học phần thuộc các chương trình đào tạo bậc đại học của ngành Kinh tế và ngành Kinh doanh quốc tế (Khoa Tài chính-Ngân hàng, Khoa Kế toán-Kiểm toán, Khoa Cơ bản, Khoa Lý luận chính trị, các Khoa ngoại ngữ) cùng cán bộ, giảng viên của Viện.
Sau khi Ban phụ trách Viện trình bày mục đích, ý nghĩa của buổi tọa đàm cũng như giới thiệu tổng quan về các chương trình đào tạo bậc đại học hiện nay Viện đang phụ trách chuyên môn, TS. Phan Thị Thu Hiền đã trình bày chi tiết về kết cấu và nội dung từng chương trình để những người tham gia tọa đàm trao đổi, thảo luận, góp ý kiến.
Buổi tọa đàm đã diễn ra rất sôi nổi và ban tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, thiết thực, trên tinh thần xây dựng từ đại diện tất cả các đơn vị có mặt, cũng như những lưu ý quan trọng từ Phòng Quản lý đào tạo và đặc biệt là từ Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng để Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế có thể hoàn thiện các chương trình đào tạo bậc đại học, đáp ứng tiến độ và yêu cầu chung của công tác rà soát, kiểm định các chương trình đào tạo của nhà trường.
Thay mặt Ban phụ trách và tập thể cán bộ, giảng viên của Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, PGS, TS Bùi Thị Lý trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tham gia ý kiến tích cực của các đơn vị chức năng và các khoa chuyên môn, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp thu các ý kiến và khuyến nghị nhằm đổi mới và cải tiến chương trình theo đúng mục tiêu và yêu cầu mà nhà trường đặt ra, trong bối cảnh đổi mới hoạt động giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo tính thích ứng với thị trường lao động trong tương lai.