Ngày 27/10/2018, Trường Đại học Ngoại thương đã phối hợp cùng Hội các nhà Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Kinh nghiệm quốc tế về tự chủ đại học”.
Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm quốc tế về tự chủ đại học” đã được tổ chức trong khuôn khổ đề tài "Nghiên cứu xây dựng Sổ tay Kinh nghiệm quốc tế về tự chủ Đại học” do PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương làm chủ nhiệm, với mục tiêu tạo ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, lãnh đạo các Trường Đại học chia sẻ bài học kinh nghiệm quý giá trong và ngoài nước về tự chủ Đại học, đưa ra các hàm ý chính sách và dự báo xu hướng tự chủ Đại học ở Việt Nam trong thời gian tới.
Tham dự hội thảo có PGS, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo; GS, TS Nguyễn Đức Khương - Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trường Kinh doanh Ipag (Pháp), Chủ tịch Hội các nhà Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng các diễn giả chính là các nhà làm chính sách, nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả đến từ các trường Đại học, Học viện, Tổ chức giáo dục uy tín trong nước và quốc tế, Lãnh đạo các trường Đại học, Học viện, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Về phía trường Đại học Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường, GS, TS Hoàng Văn Châu - Nguyên Hiệu trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế đối ngoại, PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị cùng các Thầy Cô giáo trong toàn trường.
PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương đã khẳng định tự chủ Đại học đã trở thành một nhu cầu tự thân, một xu thế tất yếu và có tính khách quan. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho các cơ sở giáo dục Đại học tại Việt Nam phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.
GS, TS Nguyễn Đức Khương - Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trường Kinh doanh Ipag (Pháp), Chủ tịch Hội các nhà Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phát biểu tại Hội thảo
Trong bài phát biểu chào mừng, GS, TS Nguyễn Đức Khương - Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trường Kinh doanh Ipag (Pháp), Chủ tịch Hội các nhà Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) nhấn mạnh sự thay đổi nhanh chóng của giáo dục trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ông cho rằng trong bối cảnh ấy, tự chủ Đại học đang đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức cho các cơ sở giáo dục Đại học của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, quản trị hệ thống, liên kết với các đối tác...Vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này là rất cần thiết.
PGS, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo nhấn mạnh vai trò của cơ chế tự chủ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định, tự chủ Đại học không phải là vấn đề mới, nó là vấn đề đã được đặt ra từ cách đây hơn 20 năm, tuy nhiên thời điểm hiện tại là lúc cần phải nhìn lại những thành quả cũng như những hạn chế, khó khăn để có thể triển khai tốt hơn tự chủ Đại học trong tình hình mới. PGS, TS Nguyễn Thị Kim Phụng đánh giá cao giá trị học thuật và tầm quan trọng của hội thảo này trong việc nâng cao nhận thức của tất cả các chủ thể liên quan về tự chủ Đại học.
PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm đề tài trình bày tổng quan đề tài nghiên cứu tại Hội thảo
Trong phiên toàn thể, đại diện nhóm nghiên cứu AVSE Global và Trường Đại học Ngoại thương đã trình bày tổng quan về nghiên cứu. PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm đề tài đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày tổng quan đề tài nghiên cứu, khẳng định vấn đề tự chủ Đại học tuy không mới nhưng hiện nay vẫn đang là một vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của rất nhiều các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là nghiên cứu và tổng hợp những nội dung cơ bản và nội hàm của tự chủ đại học, tổng kết những kinh nghiệm quốc tế về tự chủ đại học trong một cuốn sổ tay, để các cơ quan nhà nước, các trường đại học và những người quan tâm có thể tham khảo.
Hội thảo đã được lắng nghe các ý kiến trao đổi, chia sẻ rất tâm huyết từ Ngân hàng Thế giới; từ các lãnh đạo, nhà nghiên cứu từ các trường ĐH của sứ Wales, UK, của ĐH Kyoto (Nhật Bản); ĐH Uppsala (Thụy Điển), ĐH Harvard và các trường ĐH của Việt Nam.