Nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học và các trung tâm sáng tạo và ươm tạo, ngày 19/12/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ, trường ĐHNT tổ chức hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp sáng tạo”.
Buổi hội thảo có sự tham dự của PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo FTU cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên, đại diện các trung tâm khởi nghiệp và đặc biệt là các nhóm sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, điều mà phần đông các start-up thường bỏ qua trong quá trình thành lập và phát triển doanh nghiệp. Thực trạng trên xuất phát một phần từ sự thiếu kiến thức về bảo hộ quyền SHTT cũng như tâm lý e ngại việc đăng ký quyền SHTT. Trong khi đó, SHTT chính là chìa khóa để các startup bảo vệ và thương mại hóa những ý tưởng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp mình trong nền kinh tế tri thức hiện nay.
Trên cơ sở này, các diễn giả đã lần lượt trình bày và thảo luận các vấn đề thực tiễn về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, các quy định, chính sách hỗ trợ và tình hình đào tạo SHTT trong các trường đại học và viện nghiên cứu. Các bài tham luận đều chỉ ra rằng hiện nay chỉ có một số ít các trường Đại học đưa SHTT vào chương trình giảng dạy cho sinh viên, tuy nhiên hiệu quả tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người trẻ về SHTT còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, vấn đề liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ trường đại học cũng được đề cập và phân tích cụ thể tại hội thảo. Đây cũng chính là trọng tâm của phần trình bày thực tiễn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của TS. Lưu Hải Minh - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải, một trong những doanh nghiệp đi đầu về công nghệ nano tại Việt Nam.
Kết thúc buổi hội thảo, PGS, TS. Lê Thị Thu Hà khẳng định doanh nghiệp khởi nghiệp là chính là những doanh nghiệp hình thành dựa vào những mô hình tăng trưởng và hàm lượng tài sản trí tuệ cao. Bởi vậy, việc đào tạo về khởi nghiệp trong các trường đại học, các trung tâm sáng tạo và vườn ươm luôn phải lồng ghép kiến thức về SHTT.