Sidebar

Magazine menu

21
Sat, Dec

Hội thảo "CISG VÀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ 2020"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 10/12/2020, Hội thảo "CISG VÀ TRỌNG TÀI QUỐC TẾ 2020" đã được tổ chức bởi Khoa Luật phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam (VBLC) và Hội Luật Quốc tế Việt Nam (VSIL) dưới sự bảo trợ chuyên môn và truyền thông của UNCITRAL Châu Á – Thái Bình Dương và hỗ trợ chuyên môn của CISG Việt Nam. Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm CISG và 60 năm thành lập Trường ĐHNT.

Ngoài đại diện của các đơn vị đồng tổ chức, Hội thảo đã thu hút khoảng 160 người tham dự trực tiếp tại hội trường và trực tuyến qua ứng dụng Zoom, bao gồm các diễn giả, khách mời và đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở/trung tâm đào tạo luật sư, các trung tâm trọng tài, trung tâm hòa giải, trọng tài viên và hòa giải viên và đông đảo các bạn sinh viên.


Phát biểu khai mạc và dẫn đề, PGS, TS Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Khoa Luật đã giới thiệu về CISG – Công ước của Liên Hiệp Quốc về mua bán hàng hóa quốc tế, quá trình Việt Nam tham gia Công ước này, một số nét sơ lược về việc áp dụng CISG của Việt Nam trong bốn năm qua và ba vấn đề thảo luận chuyên sâu tại Hội thảo bao gồm phạm vi áp dụng Công ước, nguyên tắc giải thích và lấp chỗ trống và soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Công ước.


Tại phiên thảo luận thứ nhất, ông Ngô Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương làm chủ tọa đã nhấn mạnh vào điểm đặc biệt của CISG so với các điều ước quốc tế khác cũng như một số thông tin và số liệu cho thấy sự thay đổi đáng kể trong tư duy và hành động của doanh nghiệp trong việc áp dụng Công ước này. Tham luận mở đầu Hội thảo của ThS, NCS Trần Thanh Tâm – Giảng viên Trường ĐHNT đã tổng kết tình hình áp dụng Công ước này một cách khiêm tốn tại trọng tài và tòa án Việt Nam và lý giải nguyên nhân. Ngoài ra, hai vấn đề pháp lý phát sinh từ thực tiễn áp dụng CISG tại Việt Nam cũng được đề cập trong tham luận, đó là việc áp dụng trực tiếp CISG và loại trừ ngầm định việc áp dụng CISG. Luật sư, hòa giải viên và thành viên sáng lập Công ty Luật EP Legal – Ông Nguyễn Trung Nam – đã trình bày tham luận tập trung vào ba vấn đề chính: soạn thảo hợp động theo CISG từ góc độ luật sư, những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng CISG so với luật Việt Nam và xử lý tranh chấp khi áp dụng CISG.

Tham luận mở đầu phiên thảo luận thứ hai của Ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã trình bày tổng quan về yếu tố nước ngoài tại VIAC, trọng tài quốc tế và CISG cũng như một số ví dụ thực tiễn gần đây. Trình bày tham luận kết thúc Hội thảo, PGS, TS Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP. HCM đã khái quát một số vấn đề pháp lý về CISG tại trọng tài Việt Nam bao gồm khả năng áp dụng và vận dụng Công ước tại trọng tài Việt Nam. Các câu hỏi và ý kiến trao đổi khác tại Hội thảo đều xoay quanh vấn đề trọng tâm của Hội thảo về CISG và thực tiễn áp dụng bởi các chủ thể khác nhau tại Việt Nam.


Thành công của Hội thảo là cơ hội để các diễn giả đến từ các cơ quan chính phủ, các trung tâm trọng tài và các cơ sở đào tạo, cộng đồng luật sư và doanh nghiệp trao đổi thực tiễn áp dụng và diễn giải CISG bởi các doanh nghệp, tại tòa án và các trung tâm trọng tài Việt Nam, đánh giá mối quan hệ giữa CISG và trọng tài quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.