Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo giới thiệu Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020: "Động lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 22/10/2021, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu “Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020”.

Đây là báo cáo thường niên về các vấn đề năng suất của Việt Nam, được thực hiện từ năm 2007. Năm 2020, Báo cáo được hoàn thành với sự phối hợp nghiên cứu của Viện Năng suất Việt Nam và Trường Đại học Ngoại thương.

Tham dự hội thảo có TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng trường, PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng cùng hơn 100 đại biểu ở trung ương và địa phương đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp cùng nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan.

Phát biểu khai mạc, PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho biết tăng năng suất được coi là giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Trong giai đoạn 2021-2030, một trong các đột phá chiến lược được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Thầy cũng thông tin thêm trong những năm gần đây, cùng với các đối tác là các trường đại học uy tín ở nước ngoài, các hiệp hội nghề nghiệp và tổ chức quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương đã triển khai nhiều mô hình và chương trình đào tạo tiên tiến gắn với vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng trong các doanh nghiệp. Nhà trường đặc biệt quan tâm tới xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên với nhiều kết quả được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận. Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, Nhà trường chú trọng đẩy mạnh chuyển giao tri thức, các mô hình, công cụ quản trị hiện đại cho các địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp. Thầy bày tỏ tin tưởng rằng sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các Cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp là chìa khóa để thúc đẩy năng suất quốc gia, ngành và doanh nghiệp.

Cuối cùng, Thầy cho biết việc hợp tác giữa Nhà trường và Tổng cục Đo lường chất lượng đã diễn ra trong một thời gian dài, cả 2 bên đã có nhiều hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020 này là thành quả của quá trình hợp tác đó. Thầy mong rằng Báo cáo là tài liệu hữu ích cho các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cho bạn đọc và Báo cáo sẽ góp phần thúc đẩy năng suất của Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết Báo cáo năng suất năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid mang lại, xu hướng chuyển đổi của Cách mạng công nghiệp 4.0, và nỗ lực thực hiện các chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Chính phủ. Báo cáo Năng suất Việt Nam 2020 cung cấp một bức tranh toàn cảnh về năng suất nền kinh tế, năng suất các ngành và năng suất của doanh nghiệp năm 2020 và giai đoạn 2011-2020. Báo cáo đã phân tích các động lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy nâng cao năng suất tại Việt Nam qua một số nghiên cứu doanh nghiệp tiêu biểu. Qua đó làm rõ hơn hiệu quả đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với cải tiến năng suất của các doanh nghiệp.

Cũng tại hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp đã gửi lời cảm ơn tới Nhà trường vì đã hỗ trợ, đồng hành cùng Viện Năng suất Việt Nam cùng thực hiện Báo cáo này. Ông bày tỏ kỳ vọng báo cáo sẽ nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học.

Tại hội thảo, hai cơ quan phối hợp thực hiện nghiên cứu cùng các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như đại biểu tham dự Hội thảo đã có những bình luận để làm rõ hơn những kết quả nghiên cứu về năng suất của Việt Nam, thảo luận về ý nghĩa và giá trị của báo cáo, cùng với đó, cũng chỉ ra những điểm cần làm rõ hơn để hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng báo cáo. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã trao đổi về những giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất quốc gia.

PGS, TS Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi tại Hội thảo

PGS, TSKH Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng Viện TV&ĐTDN trao đổi tại Hội thảo

Khách mời trao đổi tại Hội thảo

TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm thông tin và dự báo KTXH Quốc gia – Bộ KH&ĐT trao đổi tại Hội thảo

 Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020 phân tích vấn đề năng suất trên nhiều bình diện gồm quốc gia, các ngành và doanh nghiệp, đồng thời tập trung phân tích khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như là động lực then chốt để nâng cao năng suất của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ tiêu về năng suất gồm năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), năng suất lao động (NSLĐ) và năng suất vốn, Báo cáo đã chỉ rõ những kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong việc nâng cao năng suất của nền kinh tế nói chung cũng như năng suất của các doanh nghiệp nói riêng năm 2020 trong bối cảnh những biến động lớn của nền kinh tế thế giới và dưới tác động tiêu cực của Đại dịch Covid-19. Do đó, tăng năng suất đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng 2,91% của Việt Nam trong năm 2020.

Báo cáo cũng cho thấy những điểm nghẽn trong tăng năng suất của Việt Nam, đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để xóa bỏ các điểm nghẽn này. Để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình tăng năng suất cần phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được những đòi hỏi mới của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng suất của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là nơi kiến tạo và chuyển giao tri thức, các mô hình, công cụ quản lý, công nghệ mới tới cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia. Sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học và cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố quan trọng thúc đẩy năng suất, để tăng năng suất trở thành động lực quan trọng nhất cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Các báo đài đưa tin:

Đài PTTH Hà Nội:  https://hanoitv.vn/chuong-trinh-thoi-su-11h30-ngay-22102021-v179164.html (phút thứ 15:40)
Tạp chí Công thương: https://congthuong.vn/nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-tang-trung-binh-588-166179.html