Đại dịch Covid-19 bùng phát đã tạo ra tâm lý ngại “chạm” giữa người với người, qua đó khiến cho "Nền kinh tế không tiếp xúc" trở thành một xu thế tất yếu.
Khái niệm “Kinh tế không tiếp xúc” được đề cập và gắn với những yêu cầu về giãn cách xã hội của Chính phủ. Các hoạt động của nền kinh tế không tiếp xúc như làm việc tại nhà, mua sắm, giải trí trực tuyến,... đang diễn ra hàng ngày không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trước những thay đổi mang tính toàn cầu trong phương thức vận hành nền kinh tế, cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ số, việc phát triển “Kinh tế không tiếp xúc” đang ngày càng trở nên phổ biến và mang lại nhiều lợi ích. Nhằm giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện và rõ nét hơn về khái niệm mới này, ngày 09/01/2022, CLB Kinh tế toàn cầu trực thuộc Đoàn TNCS HCM trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công Hội thảo G'talk thường niên với chủ đề "Kinh tế không tiếp xúc - Khi khoảng cách không còn là rào cản" theo hình thức trực tuyến. Hội thảo năm nay đã bước sang năm thứ 9 tổ chức dưới sự bảo trợ chuyên môn của Khoa Kinh tế quốc tế.
Tham dự hội thảo có PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Các diễn giả: TS. Phạm Công Hiệp - Giảng viên cấp cao khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT; ThS. Nguyễn Thị Thanh Uyên - Thành viên Ban cố vấn Học viện Đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa Đông Nam Á tại Việt Nam, chuyên gia chuyển đổi số của Bộ KH&ĐT, Trưởng ban Hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP. HCM; Dịch giả Nguyễn Đức Dũng cùng đông đảo các thầy cô giáo và các bạn sinh viên.
Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Phạm Thu Hương đã hoan nghênh tinh thần sáng tạo vượt khó của các em sinh viên CLB Kinh tế toàn cầu khi vẫn tiếp tục duy trì tổ chức hội thảo thường niên với chủ đề hết sức bổ ích, cập nhật, có giá trị thực tiễn cao. Cô cũng gửi lời cảm ơn các diễn giả, các nhà tài trợ, bảo trợ đã luôn đồng hành cùng hội thảo ý nghĩa này trong bối cảnh mọi hoạt động của sinh viên Nhà trường đều diễn ra trên nền tảng trực tuyến.
Tại hội thảo, các diễn giả và người tham dự đã cùng nhau trao đổi về nhiều vấn đề nóng hổi, bổ ích, lý thú và nhất trí cho rằng trong bối cảnh đại dịch Covid 19 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, việc chuyển đổi sang nền “Kinh tế không tiếp xúc” sẽ giúp Việt Nam theo kịp xu hướng toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. "Kinh tế không tiếp xúc" đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến không ít những thách thức. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ sự thay đổi bất định nào trong tương lai. "Kinh tế không tiếp xúc" chính là một trong những chìa khóa quan trọng để thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới.