Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng nền kinh tế số nhằm phát triển bền vững và bao trùm”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm
  
Ngày 04/01/2022, Hội đồng Lý luận Trung ương đã phối hợp với Trường ĐH Ngoại thương đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế số nhằm phát triển bền vững và bao trùm”.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham dự của đông đảo các khách mời là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, học giả, diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế số, giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên, sinh viên.
 
Tham dự hội thảo về phía khách mời có PGS, TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản; Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI); TS. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; GS, TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, Phó Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0; TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc điều hành của Diễn đàn toàn cầu Boston tại Hoa Kỳ, Giám đốc Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và đổi mới, Đồng sáng lập Mạng lưới xã hội thế giới về Trí tuệ nhân tạo; Ông Florian J.Beranek - Chuyên gia phát triển kinh doanh có trách nhiệm, UNIDO Việt Nam; Ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Tập đoàn Novaon; Ông Patrick Kim - Giám đốc chi nhánh Việt Nam, Tập đoàn Megazone Cloud (Hàn Quốc); Ông Thomas G Giglione - Giám đốc điều hành Global Education Academy và Carbon Credits Group (Canada); GS. Jota Ishikawa - Trường ĐH Hitotsubashi (Nhật Bản); lãnh đạo của các vụ chuyên môn của Ban Kinh tế trung ương, Văn phòng Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo nhiều tập đoàn trong và ngoài nước. Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó hiệu trưởng; PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó hiệu trưởng; PGS, TS Hoàng Xuân Bình - Trưởng khoa Kinh tế quốc tế; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng Quản lý khoa học, lãnh đạo các đơn vị cùng cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên Nhà trường.
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn khẳng định, kinh tế số được xác định là 1 trong 3 trụ cột chuyển đổi số của Việt Nam bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển nền kinh tế số là một những nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của Việt Nam trong bối cảnh mới với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, sự ảnh hưởng sâu rộng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 như một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam. PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh để đạt được những mục tiêu này, trước hết cần phải có những luận cứ khoa học vững chắc từ các nghiên cứu chuyên sâu làm căn cứ để có thể đề xuất được các giải pháp và kiến nghị chính sách phù hợp với thực tiễn. Các nghiên cứu về những vấn đề liên quan tới phát triển nền kinh tế số cần phải nhanh chóng được thực hiện bao gồm: xác định phạm vi, phân tích đặc trưng, đo lường quy mô nền kinh tế số, đánh giá các điều kiện và các yếu tố tác động tới sự phát triển của nền kinh tế số.


Thầy cũng cho biết, trong những năm qua, thực hiện 1 trong 4 định hướng nghiên cứu mũi nhọn và dài hạn, trường ĐH Ngoại thương đã triển khai nhiều nghiên cứu mang tính lý luận liên quan tới phát triển nền kinh tế số và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới. Đồng thời, Nhà trường đã triển khai nhiều nghiên cứu ở cấp độ vi mô, từ đó chuyển giao tri thức, mô hình, công cụ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Nhà trường đã đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu thế chuyển đổi số hiện nay.
 
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS, TS Phạm Văn Linh nhấn mạnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với những biến cố và yếu tố khó lường của thế giới, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, là những xu thế chủ đạo đã và đang tác động sâu sắc tới nền kinh tế thế giới, khu vực và các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sự phát triển của nền kinh tế số, xã hội số đã trở thành xu thế tất yếu đối với mọi quốc gia. Nền kinh tế số giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và tối ưu hóa nền kinh tế để tăng trưởng và phát triển bền vững, bao trùm. Sự phức tạp của đại dịch Covid-19, càng khẳng định được vai trò của nền kinh tế số trong quá trình này.


PGS, TS Phạm Văn Linh nhận định: “Là một quốc gia đang phát triển, với một nền kinh tế năng động trong khu vực, dựa trên thế mạnh của ngành kinh tế mũi nhọn công nghệ thông tin và viễn thông, nền kinh tế số của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, dần trở thành một động lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Sự mở rộng của nền kinh tế số còn góp phần gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài như đại dịch Covid-19 hiện nay”. Tuy nhiên, theo ông sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số đặt ra nhiều yêu cầu mới trong thực tiễn, dẫn tới những đòi hỏi mạnh mẽ về sự thay đổi trong nhận thức và tổ chức thực hiện.

Ông dẫn chứng: “Làm thế nào để xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ cho sự phát triển kinh tế số khi điểm xuất phát chưa cao, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; vấn đề xác định hướng ưu tiên, khâu đột phá, đo lường được chính xác quy mô và phạm vi của nền kinh tế số hiện nay ở là một câu hỏi lớn đang được đặt ra; vấn đề quản trị hiện đại trong quá trình chuyển đổi số; về nguồn nhân lực chất lượng cao; về lao động, việc làm trong chuyển đổi số. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, nguy cơ gia tăng phân hóa giàu nghèo, là những vấn đề cần có lời giải khi nền kinh tế số dần chiếm ưu thế”.

Cuối cùng, PGS, TS Phạm Văn Linh cho rằng để vượt qua những thách thức và hạn chế các rủi ro nói trên, các cơ quan quản lý của Nhà nước, các cơ sở giáo dục và đào tạo, viện nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân cần phải phối hợp chặt chẽ để quản lý và phát triển nền kinh tế số đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
 
Tiếp đó, hội thảo đã lắng nghe các tham luận từ các các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế số bao gồm: “Chiến lược Quốc gia phát triển Trí tuệ nhân tạo - Công nghệ hàm mũ trong nền kinh tế số tương lai ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030” của GS, TS Nguyễn Thanh Thủy.
 
Tham luận “Cơ hội và thách thức của chuyển đổi số đối với Việt Nam: Cách tiếp cận từ thị trường lao động” của TS. Nguyễn Bình Dương.
 
Tham luận “Bringing some Moral to the Bits and Bytes” của Ông Florian J. Beranek.
 
Phần thảo luận dưới sự chủ trì của PGS, TS Hoàng Xuân Bình và PGS, TS Vũ Hoàng Nam đã diễn ra sôi nổi với 12 ý kiến trao đổi của các chuyên gia, học giả khách mời, giúp người tham dự có cái nhìn đa chiều về nền kinh tế số hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm ở Việt Nam. Một số vấn đề chính được đề cập gồm: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong quá trình phát triển nền kinh tế số; Đổi mới tư duy và nhận thức về kinh tế số; Hoàn thiện thể chế, khung pháp lý và chính sách cho phát triển kinh tế số; Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số; Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước; Sự phối hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh trong chuyển giao tri thức để phát triển kinh tế số; Rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào nền kinh tế số; Vai trò của giáo dục - đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế số; Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ thống quản trị quốc gia,...
 
Ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản
 
TS. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
 
Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam
 
TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc điều hành của Diễn đàn toàn cầu Boston tại Hoa Kỳ, Giám đốc Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và đổi mới, Đồng sáng lập Mạng lưới xã hội thế giới về Trí tuệ nhân tạo
 
Ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Tập đoàn Novaon
 
GS. Jota Ishikawa - Trường ĐH Hitotsubashi (Nhật Bản)
 
Ông Thomas G Giglione - Giám đốc điều hành Global Education Academy và Carbon Credits Group (Canada)
 
Phát biểu bế mạc, PGS, TS Bùi Anh Tuấn khẳng định hội thảo đã được lắng nghe nhiều ý kiến trao đổi vô cùng quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học uy tín về rất nhiều vấn đề quan trọng có giá trị cả về lý luận và thực tiễn để xây dựng và phát triển nền kinh tế số. Thầy nhấn mạnh vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế số. Thầy khẳng định nguồn nhân lực cần phải đi trước một bước thì mới có thể có được một nền kinh tế số tăng trưởng bền vững và bao trùm. Thầy cũng thông tin thêm về việc trường ĐH Ngoại thương đã và đang tích cực xây dựng và triển khai nhiều chương trình đào tạo vệ tinh, đưa vào các chương trình đào tạo chính quy các học phần liên quan tới kinh tế số, đầu tư cho các chương trình nghiên cứu về kinh tế số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Đây là những bước đi cụ thể tạo tiền đề quan trọng để hiện thực hóa những gì được thảo luận tại hội thảo ngày hôm nay thành kết quả thực tiễn trong tương lai. 
 
Các báo đài đưa tin về hội thảo: