Sidebar

Magazine menu

21
Thu, Nov

Hội thảo “Phòng tránh rủi ro trong giao thương quốc tế - Góc nhìn từ người trong cuộc”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Sáng ngày 27/10/2022, Cơ sở II Trường ĐH Ngoại thương tại TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trường ĐH Luật Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo “Phòng tránh rủi ro trong giao thương quốc tế - Góc nhìn từ người trong cuộc”.

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, kết nối 2 đầu cầu Cơ sở II Trường ĐH Ngoại thương tại TP. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Luật Hà Nội.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có: Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Ông Vũ Xuân Hưng - Trưởng Phòng pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP. Hồ Chí Minh; Ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS); PGS TS Nguyễn Bá Bình - Trưởng Khoa Pháp luật Thương mại quốc tế Trường ĐH Luật Hà Nội cùng đại diện gần 200 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Về phía Cơ sở II có: PGS, TS Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc Cơ sở II, đại diện lãnh đạo một số đơn vị, cùng giảng viên và sinh viên Nhà trường.

Phát biểu khai mạc, PGS, TS Nguyễn Xuân Minh đánh giá cao sáng kiến của VIAC trong việc tổ chức buổi tọa đàm bởi trong xu hướng quốc tế hóa hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều vươn ra thế giới, các hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế phát triển mạnh mẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. PGS, TS Nguyễn Xuân Minh cũng khẳng định đây là cơ hội để các giảng viên, sinh viên của Cơ sở II được trao đổi, học hỏi các kiến thức, góc nhìn thực tế từ các chuyên gia trong ngành, đồng thời Thầy cũng gửi lời cảm ơn đến các đại diện từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) và Trường ĐH Luật Hà Nội đã cùng phối hợp tổ chức Hội thảo. 

Các đại biểu, báo cáo viên tham dự tại đầu cầu Cơ sở II. 

Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại hội nghị. 

Mở đầu hội thảo, ông Vũ Xuân Hưng trình bày tham luận về “Thực trạng hoạt động giao thương quốc tế và một số bài học kinh nghiệm từ chính người trong cuộc”. Chia sẻ về bức tranh hoạt động giao thương quốc tế trong bối cảnh nhiều biến động trên thị trường, ông Vũ Xuân Hưng nêu rõ và phân tích các thuận lợi và khó khăn trong vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa và chỉ ra các rào cản thuế quan, phi thuế quan cho doanh nghiệp. Ngoài ra, ông còn cung cấp các số liệu cụ thể từ các báo cáo về các vấn đề liên quan đến tranh chấp trong thương mại quốc tế và tình hình giải quyết tranh chấp của các doanh nghiệp trên khắp Việt Nam. 

Tiếp nối phiên tham luận, ông Bạch Khánh Nhựt chia sẻ từ thực tiễn khi xuất khẩu hàng hóa và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là rút kinh nghiệm thực tiễn từ sự việc “Containers Điều”. Ông Bạch Khánh Nhựt nhấn mạnh vai trò của việc tìm hiểu cụ thể về uy tín của đối tác trong giao dịch thương mại quốc tế và nhu cầu thực tế của thị trường. Ông cũng khuyến cáo các doanh nghiệp không nên vì những lời chào hàng hấp dẫn mà dễ dàng buông lỏng cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo đang ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi hơn. Theo đó, các doanh nghiệp trước khi quyết định ký kết hợp đồng cần phải tìm hiểu cẩn thận đối tác từ nước ngoài, đặc biệt phải lưu ý các dấu hiệu đáng ngờ dù là nhỏ nhất. 

Phần trình bày nội dung thảo luận cuối cùng của đại diện Trường ĐH Luật Hà Nội gồm: PGS, TS Nguyễn Bá Bình - Trưởng khoa Pháp luật Thương mại quốc tế cùng ThS Trần Phương Anh - Giảng viên Khoa pháp luật thương mại quốc tế chia sẻ về những rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng và một số tình huống thực tế, tranh chấp điển hình trong hoạt động kinh doanh quốc tế mà doanh nghiệp gặp phải. Các báo cáo viên chỉ rõ các loại rủi ro, cách phòng tránh và đưa ra các ví dụ minh họa điển hình để phân tích những điều khoản “bẫy”, mập mờ trong hợp đồng. Đặc biệt, PGS, TS Nguyễn Bá Bình khuyến cáo các doanh nghiệp không nên xem nhẹ vai trò của đơn vị môi giới, trung gian trong giao dịch thương mại quốc tế, phải làm rõ vai trò pháp lý và trong tư thế đề phòng, cảnh giác, không phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị này. 

Trong khuôn khổ buổi hội thảo, tại phần trình bày tham luận thứ hai với chủ đề “Phòng tránh tranh chấp và kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế”, TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Giảng viên Bộ môn Kinh doanh và Thương mại quốc tế, Cơ sở II tại TP. HCM đã chia sẻ về “Cách thức để doanh nghiệp tránh “bẫy” khi xuất khẩu hàng hóa – Xét các khía cạnh từ quá trình đàm phán hợp đồng”. TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga đặc biệt lưu ý điểm khác biệt giữa các phương thức thanh toán trong thương mại quốc tế và đưa ra lời khuyên cho các phương thức thích hợp, vừa đảm bảo nhanh chóng và an toàn cho lợi ích đôi bên. 

Hội thảo khép lại với phần trao đổi, thảo luận, hỏi đáp sôi nổi giữa người tham dự và các diễn giả xoay quanh những nội dung đã được trình bày cũng như chủ đề chung của hội thảo. Hội thảo đã mang lại nhiều thông tin bổ ích, thực tiễn, giúp sinh viên trau dồi kiến thức, góp phần hoàn thiện năng lực để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại quốc tế.