Sidebar

Magazine menu

21
Sat, Dec

Hội thảo khoa học “Các vấn đề pháp lý trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Trong khuôn khổ Tuần lễ nghiên cứu và kết nối nghề Luật năm 2022 và nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Khoa Luật, trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường với chủ đề “Các vấn đề pháp lý trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam” vào ngày 16 /11/2022 tại Hội trường D201.

 

Tham dự Hội thảo, về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng trường; TS Hà Công Anh Bảo – Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Luật; PGS, TS Bùi Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội đồng Khoa luật; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Phó Trưởng Khoa Luật; PGS, TS Hồ Thuý Ngọc – Trưởng Bộ môn Pháp luật thương mại quốc tế, Trưởng Khoa Đào tạo quốc tế, cùng đông đảo giảng viên, sinh viên Nhà trường. Về phía khách mời có ông Hoàng Anh – Phó Trưởng Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ; TS Đỗ Giang Nam – Phó Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, ĐH Quốc Gia Hà Nội; ThS Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số; ThS Lê Phương Hà – Phó Viện trưởng thường trực, Viện chiến lược chuyển đổi số.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ nhấn mạnh với động lực cho sự phát triển là đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, Trường ĐH Ngoại thương nỗ lực đẩy mạnh thông điệp: Mỗi thầy cô giáo, mỗi viên chức quản lý, mỗi sinh viên, mỗi học viên, mỗi nghiên cứu sinh phải là người “Biết đổi mới sáng tạo, Dám đổi mới sáng tạo và Truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo”. Nhà trường luôn khuyến khích và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Hội thảo khoa học với chủ đề “Các vấn đề pháp lý trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam” là diễn đàn để các bên liên quan trao đổi những ý tưởng, cách tiếp cận, học thuyết và thực tiễn mới nhằm giải quyết những thách thức về các vấn đề pháp lý liên quan đến kinh tế số ở Việt Nam.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các giảng viên, nhà khoa học, luật sư, chuyên gia pháp lý, người hành nghề thực tiễn và các đại diện cộng đồng doanh nghiệp. Từ nhiều đề xuất gửi về, Ban Biên tập đã làm việc cẩn thận, kỹ lưỡng và đã chọn lựa 17 bài viết có chất lượng tốt nhất để đưa vào Kỷ yếu hội thảo.

Hội thảo bắt đầu với phiên tham luận thứ nhất “Kinh tế số ở Việt Nam và các nội hàm” do PGS, TS Hồ Thúy Ngọc và ThS Lê Nguyễn Trường Giang chủ trì. Mở đầu phiên này, ThS Lê Nguyễn Trường Giang đã trình bày tham luận về “Xác lập nội hàm của kinh tế số để làm cơ sở xây dựng luật pháp và các văn bản pháp luật liên quan”. Chia sẻ về những trọng tâm cần xây dựng luật và các văn bản pháp luật thúc đẩy sự phát triển kinh tế số ở Việt Nam, ThS Lê Phương Hà đã nêu rõ và phân tích các thuận lợi và khó khăn trong vấn đề xây dựng pháp luật điều chỉnh kinh tế số.

Tiếp nối chương trình, phiên tham luận thứ hai “Một số vấn đề pháp lý trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam” do TS Hà Công Anh Bảo và PGS, TS Hồ Thúy Ngọc chủ trì. Người tham dự đã lắng nghe 4 tham luận trong phiên hai gồm: Tham luận “Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 - Kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu và gợi mở dành cho Việt Nam của ThS Nguyễn Thế Đức Tâm, Trường Đại học Kinh tế Luật - ĐHQG TP. HCM; Tham luận “Trách nhiệm dân sự của nhà điều hành nền tảng số: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” của TS Đỗ Giang Nam, Trường ĐH Luật, ĐH Quốc Gia Hà Nội; Tham luận “Thực trạng pháp luật về sở hữu trí tuệ dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kiến nghị giải pháp hoàn thiện” của Ông Hoàng Anh, Cục Sở hữu trí tuệ và Tham luận cuối cùng với chủ đề “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và lưu ý cho doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử” do PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà cùng Vũ Phương Mai - Sinh viên lớp Anh 2 – K60 V-LEX trình bày.

Hội thảo khép lại với phần trao đổi, thảo luận, hỏi đáp sôi nổi giữa người tham dự và các diễn giả xoay quanh những nội dung đã được trình bày cũng như chủ đề chung của hội thảo. Hội thảo đã mang lại nhiều thông tin bổ ích, thực tiễn, giúp sinh viên trau dồi kiến thức, góp phần hoàn thiện năng lực để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực luật kinh doanh, thương mại quốc tế.