Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Tọa đàm khoa học “Xu hướng chuyển dịch quyền lực trên thế giới hiện nay và hàm ý chính sách đối với Việt Nam”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 30/11/2022, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức tọa đàm khoa học “Xu hướng chuyển dịch quyền lực trên thế giới hiện nay và hàm ý chính sách đối với Việt Nam” với sự tham gia trình bày của hai diễn giả, TS Lê Thị Thu Mai - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và TS Đàm Sơn Toại - Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

 Tham dự tọa đàm, về phía Nhà trường có PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam – Trường phòng Quản lý khoa học; PGS, TS Bùi Thị Lý – Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế; Trưởng, Phó một số đơn vị trong trường cùng đông đảo giảng viên Nhà trường.

Bên cạnh đó, tọa đàm cũng thu hút sự tham dự của nhiều nhà khoa học ngoài Trường: TS Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI); TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách; TS Lê Phan - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM); TS Đỗ Tiến Long – Chủ tịch Công ty tư vấn Quản lý OD Click…

Phát biểu tại chương trình, PGS, TS Phạm Thu Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi tọa đàm trong việc cung cấp các tri thức liên ngành trong nghiên cứu kinh tế và quản lý, tạo lập một không gian thảo luận cởi mở cho các vấn đề quản lý công trên bình diện quốc gia và quốc tế, đồng thời kết nối tới các định hướng phát triển của Nhà trường, trong đó có việc mở chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế chính trị quốc tế trong năm học 2023 – 2024.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, PGS, TS Bùi Thị Lý đã có bài tóm lược xúc tích xu hướng chuyển dịch quyền lực của các “siêu cường” trong suốt tiến trình lịch sử mấy trăm năm qua và đặt ra những vấn đề cấp thiết mà các nhà khoa học cần phải trả lời trong việc nắm bắt xu hướng chuyển dịch quyền lực trên thế giới hiện nay.

PGS TS Trần Thị Ngọc Quyên - Giảng viên Bộ môn Kinh tế và Quản lý đảm nhiệm vị trí chủ toạ chương trình.

Tại phần trình bày chính, TS Lê Thị Thu Mai đã giới thiệu các hình thái của quyền lực: Quyền lực cứng, Quyền lực mềm, Quyền lực thông minh và quyền lực sắc bén; Đồng thời chỉ ra bốn xu hướng chuyển dịch quyền lực chính: từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, từ quyền lực nhà nước sang quyền lực của chủ thể phi nhà nước; Cùng với xu hướng phân tán quyền lực trong nhà nước. Các nhân tố quyết định sự chuyển dịch quyền lực này có thể kể đến xu hướng toàn cầu hóa, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới định hình nên xu hướng chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và vạn vật kết nối. Biểu hiện rõ ràng nhất của xu hướng chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông là việc Châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành một khu vực liên kết đa tầng nấc, là trung tâm quyền lực kinh tế - chính trị toàn cầu, là địa bàn cạnh tranh chiến lược nước lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Xu hướng chuyển dịch quyền lực từ Bắc xuống Nam có thể nhìn thấy từ vai trò ngày càng tăng của khối G20 và khu vực ASEAN. Cuối cùng, TS Lê Thị Thu Mai trình bày các biến đổi trong các phương thức thực thi và phương pháp kiểm soát quyền lực.

Kết nối với bài trình bày của TS Lê Thị Thu Mai, TS Đàm Sơn Toại trao đổi về sự cần thiết phải có những thay đổi đột phá đối với Việt Nam, trong đó có việc phát triển tự thân trong nhận thức phát triển cũng như trong đường lối chính sách của Đảng, Đảng đã dùng thực tiễn trả lời các vấn đề lý luận và giải phóng nguồn lực to lớn cho phát triển. Thông qua phân tích một số ví dụ thực tiễn, TS Đàm Sơn Toại nhấn mạnh việc gắn kết vấn đề thể chế dân chủ với văn hóa, đồng thời chia sẻ chung nhận định văn hóa để lấp đầy các lỗ hổng thể chế của TS Lê Thị Thu Mai.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các nhà khoa học đã trao đổi và bình luận sôi nổi về nhiều nội dung liên quan tới xu hướng chuyển dịch quyền lực hiện nay. Gồm: Quan điểm phát triển của Trung Quốc với điểm nhấn là Đại hội XX hướng tới mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, các vấn đề về quyền lực tương lai của Trung Quốc; Bài học và những thách thức trong quá trình phát triển trong bối cảnh chuyển dịch quyền lực trên thế giới của Việt Nam

Phát biểu bế mạc toạ đàm, PGS, TS Bùi Thị Lý kết luận rằng để có được quyền lực dù ở hình thái nào chăng nữa thì Việt Nam cũng cần phải giải quyết được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ. Đây là những vấn đề then chốt cho con đường phát triển của Việt Nam.