Ngày 07/03/2023, Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐH Ngoại Thương đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Đối thoại: Bức tranh kinh tế Việt Nam 2023”, nhằm tạo lập thêm diễn đàn để các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên trao đổi về các vấn đề kinh tế Việt Nam, cập nhật thông tin cũng như dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2023.
Tọa đàm có sự tham gia của các vị diễn giả TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung Ương và TS Nguyễn Kỳ Sơn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Châu Mỹ, Ban Đối ngoại Trung Ương. Về phía Trường ĐH Ngoại Thương, có sự hiện diện của PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng Quản lý khoa học; PGS, TS Hoàng Xuân Bình - Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế (KTQT); PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh - Phó Trưởng Khoa KTQT; TS Lương Thị Ngọc Oanh - Phó Trưởng Khoa KTQT; Trưởng, Phó một số đơn vị trong trường, gần 200 giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên nhà trường.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS, TS Đào Ngọc Tiến nhấn mạnh những khó khăn của việc nhận định, dự báo cho kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động. PGS, TS Đào Ngọc Tiến hy vọng buổi tọa đàm sẽ làm rõ những cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và tin tưởng rằng các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên sẽ có thêm góc nhìn đa chiều về bối cảnh và hướng đi của kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Tọa đàm được chia thành hai phần, phần đầu gồm ba tham luận từ các chuyên gia, tiếp nối là phiên đối thoại giữa các chuyên gia, học giả khách mời, giúp người tham dự có cái nhìn tổng thể về bức tranh kinh tế tại Việt Nam năm 2023.
Mở đầu phần tham luận, TS Nguyễn Tú Anh đã trình bày về chủ đề "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam". TS Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. TS Nguyễn Tú Anh cũng chỉ ra việc xây dựng liên kết vùng ở Việt Nam còn có những khó khăn do không có cơ quan hành chính quản lý chung cũng như cơ chế điều phối chung cho các vùng. Do vậy, TS Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh, việc xây dựng liên kết vùng cần xuất phát từ chính nhu cầu của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần tự liên kết với nhau, còn nhà nước và các cơ quan quản lý đóng vai trò thúc đẩy mối liên kết đó.
Tham luận thứ 2 của TS Nguyễn Kỳ Sơn về chủ đề "Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và một số nước Châu Mỹ: Cơ hội và Thách thức". TS Nguyễn Kỳ Sơn cho biết Châu Mỹ là một thị trường lớn của Việt Nam, giá trị thương mại hai chiều tăng gần 5 lần trong 10 năm gần đây. Trong bối cảnh hợp tác và phát triển của quốc tế và khu vực, cùng với ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 và chính sách ngoại giao phục vụ kinh tế của Việt Nam, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và châu Mỹ còn nhiều cơ hội rộng mở. Trước những thực tế đó, TS Nguyễn Kỳ Sơn đã đưa ra những đề xuất để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ: đối với Nhà nước, cần tạo thuận lợi về khuôn khổ hợp tác và ý chí chính trị, nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác hiện có và mở ra cơ chế hợp tác mới phù hợp với tình hình thực tế; đối với các doanh nghiệp, cần tăng cường nghiên cứu, nắm bắt các xu hướng, công nghệ mới nổi để tìm chỗ đứng phù hợp trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Khép lại phần tham luận là bài trình bày về "Các vấn đề thương mại và đầu tư của Việt Nam năm 2023" của PGS, TS Đào Ngọc Tiến. Nhằm cung cấp cho tọa đàm những thông tin tổng quan về hoạt động đầu tư và thương mại của Việt Nam trong năm 2022 – 2023, PGS, TS Đào Ngọc Tiến đã đưa ra những con số thực tế về hoạt động thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cho thấy kinh tế Việt Nam có sự phục hồi nhưng không mấy sáng sủa, không đạt kỳ vọng đặt ra từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, có thể thấy được điểm sáng trong hoạt động thương mại khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 700 tỷ đồng và Việt Nam xuất siêu các mặt hàng chủ đạo. Để có thể giữ được lợi thế này trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn, PGS, TS Đào Ngọc Tiến cho rằng vai trò của chuyển dịch cơ cấu kinh tế và liên kết vùng để đảm bảo đủ lượng hàng xuất khẩu là vô cùng quan trọng.
Tiếp nối 3 bài tham luận là Phiên thảo luận được điều phối bởi PGS, TS Hoàng Xuân Bình cùng với 3 diễn giả TS Nguyễn Tú Anh, TS Nguyễn Kỳ Sơn và PGS, TS Đào Ngọc Tiến. Các diễn giả chia sẻ và thảo luận về các khía cạnh của nền kinh tế trong năm 2023, như: khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, tình hình thế giới còn nhiều bất ổn tác động tiêu cực đến tình hình trong nước, giải ngân đầu tư công, tận dụng thị trường ngách, giải pháp thực chất thúc đẩy liên kết vùng. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi đến từ những người tham dự.
Cuối phiên thảo luận, PGS, TS Hoàng Xuân Bình đã tổng kết lại bức tranh về kinh tế Việt Nam 2023 thông qua những trao đổi của các diễn giả tại tọa đàm.
Kết thúc Tọa đàm, PGS, TS Đào Ngọc Tiến và PGS, TS Hoàng Xuân Bình đã đại diện lãnh đạo nhà trường Trường ĐH Ngoại thương và Ban tổ chức gửi lời cảm ơn và trao quà kỷ niệm đến các diễn giả của tọa đàm. Tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp và nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên tham dự.