Ngày 30/05/2023, Khoa Tiếng Anh Thương mại, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công Hội thảo cấp khoa “Gắn kết lý thuyết với thực tiễn để thúc đẩy tính sáng tạo và xuất sắc trong giảng dạy ngoại ngữ trong thời đại số tại trường ĐH Ngoại thương”.
Tham dự hội thảo có sự hiện diện của PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu Trưởng Nhà trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng Quản lý Khoa học; TS Nguyễn Thị Dung Huệ - Trưởng Khoa Tiếng Anh Thương mại (TATM); ThS Vũ Thị Diễm Phúc - Phó Trưởng Khoa TATM; Trưởng/ Phó một số đơn vị trong trường; các giảng viên, nhà nghiên cứu trong và ngoài trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Thị Dung Huệ nhấn mạnh, “Khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn luôn là sự trăn trở với nhiều bên liên quan, đặc biệt với các giảng viên, các nhà viên cứu, sinh viên và các nhà tuyển dụng”. Trong giáo dục đại học, cầu nối giữa vấn đề lý thuyết và thực tiễn thông qua các hoạt động dạy và học đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang triển khai hết sức mạnh mẽ tại Trường ĐH Ngoại thương và trên cả nước. Việc gắn kết giữa kiến thức chuyên môn và thực tiễn sẽ góp phần quan trọng trong việc thay đổi hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên Nhà trường. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa hai trong những giá trị cốt lõi của Nhà trường - “Sáng tạo, xuất sắc trong dạy và học” gắn với sứ mạng của Nhà trường - “Phụng sự xã hội bằng sự xuất sắc trong giáo dục, sáng tạo và chuyển giao tri thức. Nhân dịp này, TS Nguyễn Thị Dung Huệ cũng gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học trong và ngoài trường đã tham gia gửi bài viết, các phản biện đã đóng góp ý kiến cho các nghiên cứu, góp phần vào thành công chung của Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, PGS, TS Phạm Thu Hương biểu dương ý tưởng ý tưởng sáng tạo, sự chỉn chu, nghiêm túc của Khoa TATM trong việc sắp xếp, chuẩn bị tổ chức Hội thảo. PGS, TS Phạm Thu Hương cũng bày tỏ sự ấn tượng với số lượng bài viết tham dự hội thảo cũng như sự đa dạng nội dung, thu hút nhiều tác giả không chỉ là giảng viên Khoa TATM mà còn từ các Khoa chuyên môn trong và ngoài trường. Cô bày tỏ mong Khoa TATM cùng các đơn vị trong toàn trường sẽ tiếp tục phát huy sự sáng tạo, nâng cao chất lượng trong các hoạt động thời gian tới, trên nền tảng những kết quả đã đạt được.
Là hoạt động thường niên của Khoa TATM, Hội thảo năm nay được tổ chức nhằm giải quyết các thách thức của các nhà giáo dục, các tổ chức phải đối mặt trong việc kết hợp các nguyên tắc lý thuyết và ứng dụng vào thực tiễn, nhằm thúc đẩy các sự đổi mới, sự sáng tạo trong dạy và học. Đây cũng là cơ hội để các giảng viên, nhà nghiên cứu được đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm, những hiểu biết sâu sắc của mình trong việc tích hợp lý thuyết và thực hành, nhằm thúc đẩy sự xuất sắc và trải nghiệm dạy học ngôn ngữ hiệu quả.
Hội thảo gồm 2 phiên, phiên thứ nhất với chủ đề “Giáo dục Đại học gắn kết với nhu cầu thực tiễn thị trường lao động Thế kỷ 21” và phiên thứ hai với chủ đề “Chiến lược Dạy và Học sáng tạo trong Thời đại kỹ thuật số”.
Trong phiên thứ nhất, hội thảo đã lắng nghe 2 tham luận, gồm: Tham luận “Tích hợp Khung năng lực khởi nghiệp vào chương trình đào tạo Tiếng Anh Thương mại” được trình bày bởi ThS Vũ Thị Phương Dung - Giảng viên Khoa TATM và Sinh viên Trần Thị Chúc và Phùng Thị Vân Anh - Khoá 59 chuyên ngành TATM; Tham luận “Xu hướng chuyển đổi số trong giảng dạy tại các trường Đại học tại Việt Nam” của ThS Nguyễn Thị Thảo Duyên - Giảng viên Khoa QTKD, Học viện Ngân hàng. Phiên thứ hai tiếp nối với 2 tham luận: “Sử dụng Chat GPT trong dạy học ngoại ngữ” của TS Phạm Thị Hồng Yến - Giảng viên Khoa TATM và “Sử dụng Google Sites giúp sinh viên phát triển khả năng đọc hiểu và tư duy phản biện” của ThS Nguyễn Thị Hiền Hoà - Giảng viên Khoa TATM.
Hội thảo khép lại với phần thảo luận sôi nổi giữa các diễn giả và người tham dự.