Ngày 30/6/2023, Trường Đại học Ngoại thương phối hợp cùng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0” vì mục tiêu phát triển bền vững”.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo lập diễn đàn mở để các nhà nghiên cứu trình bày các kết quả nghiên cứu, thực tiễn triển khai cũng như đề xuất các giải pháp thúc đẩy các hành động hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” tới năm 2050 như tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị COP26 (TP. Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021.
Tham dự Hội thảo, về phía các đơn vị quản lý nhà nước và các diễn giả, khách mời có: TS Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS, TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; cùng các diễn giả và nhà nghiên cứu, giảng viên từ các Trường đại học, viện nghiên cứu.
Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học; PGS, TS Hoàng Xuân Bình - Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế; PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh - Phó Trưởng Khoa KTQT; TS Lương Thị Ngọc Oanh - Phó Trưởng Khoa KTQT; Trưởng/ Phó một số đơn vị trong trường; Cùng các giảng viên, sinh viên Nhà trường.
Với chủ đề “Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0” vì mục tiêu phát triển bền vững”, Hội thảo đã thu hút nhiều nghiên cứu chất lượng gửi về tham dự, trong đó ngoài các bài viết từ trường ĐH Ngoại thương thì 60-70% bài viết là của các tác giả từ các trường đại học khác, các Viện nghiên cứu, các cơ quan ban ngành… Qua các vòng phản biện, 58 bài nghiên cứu chất lượng của gần 100 tác giả đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được lựa chọn đưa vào kỷ yếu Hội thảo. Hội thảo cũng đã quy tụ các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành đến từ trường Đại học, Cơ quan chính phủ, Viện nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Với chiến lược phát triển trở thành đại học đổi mới sáng tạo và để có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương đã tập trung xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, chương trình nghiên cứu, tư vấn, phục vụ cộng đồng gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều học phần mới như "Quản lý biến đổi khí hậu toàn cầu", "Kinh tế học về biến đổi khí hậu và môi trường", "Kinh tế về Biến đổi khí hậu"… đã được đưa vào giảng dạy trong các Chương trình đào tạo. Trong số 04 định hướng nghiên cứu hiện nay, Trường Đại học Ngoại thương đã xác định 02 định hướng nghiên cứu có liên quan trực tiếp đó là “Đổi mới thể chế kinh tế, xã hội hướng tới phát triển bền vững” và “Kinh tế xanh và trách nhiệm xã hội”. Với hai định hướng này, nhiều chương trình nghiên cứu gắn trực tiếp với các vấn đề phát thải, quản lý năng lượng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh… đã được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, tư vấn, chuyển giao tri thức, mô hình, công cụ, giải pháp cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng về tăng trưởng xanh, năng suất xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường…
Phát biểu tại Hội thảo, TS Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: “Tại Hội thảo này, tôi rất mong các chuyên gia, nhà khoa học và các quý vị tập trung thảo luận để nhận diện đúng, đầy đủ và toàn diện những thách thức về tài chính, công nghệ, quản trị và nhân lực cho lộ trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và chuyển dịch năng lượng để đạt được mục tiêu Net – Zero vào năm 2050, đặc biệt là những giải pháp, khuyến nghị tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, Hội thảo mong muốn được lắng nghe ý kiến của các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước. Tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao việc nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là các quý thầy cô Trường Đại học Ngoại thương đã tích cực tham gia viết bài đóng góp cho Hội thảo. Do thời gian có hạn nên chắc chắn sẽ có nhiều bài không có dịp được trình bày tại diễn đàn này. Nhưng chắc chắn kết quả thảo luận, các bài viết và khuyến nghị của Hội thảo sẽ là đầu vào và có giá trị tham khảo tốt cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan ra quyết định, nhất là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường”.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo khoa học này của Trường ĐH Ngoại, đơn vị đi đầu trong nâng cao nhận thức, thực hiện các cam kết nâng cao kinh tế xanh của Việt Nam. Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều của vấn đề này. Ông nhấn mạnh, với lợi thế và thách thức của người đi sau, Việt Nam cần tận dụng, học hỏi các mô hình, các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ từ các quốc gia phát triển, thông qua hợp tác quốc tế để từng bước giải quyết vấn đề này.
Mở đầu hội thảo, người tham dự đã được lắng nghe 3 tham luận chính dưới sự điều hành của PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
Tham luận thứ nhất: “Kinh tế tuần hoàn và các quy định thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường” do NCS Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày. Nghiên cứu đã tổng quan lý luận về Kinh tế tuần hoàn (KTTH) cũng như giới thiệu về một số chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả phân tích trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong nền KTTH và đi sâu phân tích các quy định hỗ trợ KTTH và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất hướng tới trung hòa các bon.
Bài tham luận thứ hai của TS Lý Hoàng Phú - Trưởng bộ môn Kinh tế phát triển, Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương về “Nghiên cứu tác động của du lịch tới mức phát thải CO2 tại các quốc gia ASEAN”. Đây là một bài nghiên cứu định lượng về tác động của du lịch tới mức phát thải khí CO2 tại các nước Đông Nam Á. Dựa trên cơ sở thực tiễn là sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch tại các nước ASEAN trong những năm gần đây và mối quan hệ giữa các yếu tố tác động tới việc phát thải CO2 trong đó có yếu tố du lịch. Nghiên cứu chỉ ra rằng du lịch (được đo bằng doanh thu từ du lịch quốc tế) có tác động cùng chiều tới mức phát thải CO2. Trên cơ sở đó, các tác giả đã đưa ra một số định hướng giải pháp hướng tới du lịch bền vững và giảm thải CO2 trong thời gian tới.
Bài tham luận thứ ba của TS Hà Huy Ngọc - Phó trưởng phòng Kinh tế vùng, Viện Kinh tế Việt Nam về “Huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh: kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Nghiên cứu đã phân tích Xu hướng huy động và đầu tư Nguồn lực cho Tăng trưởng xanh, phục hồi xanh sau Đại dịch COVID-19 trên thế giới. Tiếp theo, tác giả phân tích việc huy động các nguồn lực cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Cuối cùng, tác giả phân tích Cam kết phát thải ròng bằng “0” của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 làm cơ sở để đề xuất các kiến nghị và giải pháp.
Ngoài phần trình bày chia sẻ của các diễn giả, Hội thảo cũng là một diễn đàn để các diễn giả cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng thảo luận bàn tròn nhằm đưa ra các chính sách và giải pháp tối ưu để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu "Net zero" vào năm 2050. Phần thảo luận bàn tròn với sự tham gia trao đổi của các diễn giả chính là: TS Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương và PGS, TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, với sự tham gia điều phối của PGS, TS Hoàng Xuân Bình - Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương cùng sự tham gia chia sẻ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo.
Link báo đưa tin:
Đài PT&TH Hà Nội: https://hanoionline.vn/viet-
bang-0-nam-2050-175364.htm
Bản tin thời sự lúc 18h30 (Xem từ 16:55): https://hanoionline.vn/chuong-
thoi-su-18h30-30-06-2023-
Truyền hình Quốc hội: https://www.quochoitv.vn/giam-
cua-cac-doanh-nghiep-vua-va-
Truyền hình Thông tấn: https://vnews.gov.vn/
cho-phat-trien-ben-vung-85071.
Truyền hình Nhân dân: https://nhandantv.vn/muc-
thach-thuc-song-hanh-voi-co-
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường:
https://dttg.
phat-trien-ben-vung-360287.