Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo khoa học quốc tế “Quản lý công và sáng tạo xã hội trong bối cảnh tái định hình toàn cầu hóa”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Sáng ngày 01/11 vừa qua, Trường ĐH Ngoại thương với đầu mối là Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (KT&KDQT) đã phối hợp với ĐH Meiji (Nhật Bản) đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế “Quản lý công và sáng tạo xã hội trong bối cảnh tái định hình toàn cầu hóa” (Public Governance and Social Innovation in the Re-globalization Context).

 

Tham dự Hội thảo, về phía ĐH Meiji có GS, TS Yuriko Minamoto – Phó Hiệu trưởng; GS, TS Hideaki Tanaka và GS, TS Harumichi Yuasa – Trường đào tạo sau đại học về Nghiên cứu chính sách, thuộc ĐH Meiji.

Về phía trường ĐH Ngoại thương, có PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam – Trưởng Phòng Quản lý khoa học; PGS, TS Bùi Thị Lý - Viện trưởng Viện KT&KDQT; PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương và TS Nguyễn Thị Việt Hoa – Phó Viện trưởng Viện KT&KDQT; PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên – Thư ký tòa soạn Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế (JIEM); Trưởng/ Phó một số đơn vị trong Trường. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự hiện diện của ông Lê Trung – Nguyên tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Philippine cùng nhiều đại diện cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các học viên cao học và sinh viên của trường ĐH Ngoại thương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Đào Ngọc Tiến đã nhấn mạnh đến một xu hướng rất nổi bật gần đây là quá trình tái định hình toàn cầu hóa cùng những tác động của nó đến nền kinh tế thế giới. Vai trò của quản lý công và sáng tạo xã hội đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc chung tay giải quyết những thách thức do quá trình tái toàn cầu hóa tạo ra.


Sau bài phát biểu khai mạc, Hội thảo được lắng nghe hai bài trình bày quan trọng (Keynote presentations) đến từ hai chuyên gia hàng đầu về quản lý công và sáng tạo xã hội của ĐH Meiji và Trường ĐH Ngoại thương. Bài đầu tiên được trình bày bởi GS, TS Yuriko Minamoto với chủ đề “Social Impact and Innovation: Challenges of Business and Social Sectors”. Tiếp theo là bài trình bày của PGS, TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS) với chủ đề “Multi-stakeholder collaboration for accelerating social innovation: The case of FTU and policy implication”. Cả hai bài trình bày đã làm nổi bật vai trò của quản lý công và sáng tạo xã hội trong bối cảnh tái định hình toàn cầu hóa, và một số mô hình sáng tạo xã hội thành công xuất phát từ các cơ sở giáo dục, qua đó cũng gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới về lĩnh vực này trong tương lai.

Sau hai bài trình bày quan trọng của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý công và sáng tạo xã hội, Hội thảo bước vào phiên thảo luận song song với hai chủ đề lớn là “Public Governance in the Re-globalization Context” do PGS, TS Trần Thị Ngọc Quyên – Thư ký tòa soạn tạp chí JIEM điều phối và “Innovation and Twin Transition” do TS Đỗ Ngọc Kiên – Trưởng Bộ môn Kinh tế và quản lý, Viện KT&KDQT điều phối.

Mở đầu phiên thảo luận song song thứ nhất, GS, TS Hideaki Tanaka- Đại học Meiji đã trình bày tham luận với nội dung về cải cách quản lý công ở bậc đại học và sau đại học ở Nhật Bản trong thời gian qua. Tham luận tiếp về chủ đề Quản lý nguồn cung cấp nước và vai trò của tính minh bạch được trình bày bởi TS Phạm Thị Cẩm Anh – Giảng viên Trường ĐH Ngoại thương. Bài tham luận cuối cùng đến từ ông Timothy Borsje, ĐH Meiji với chủ đề “Sự khác biệt hay tương đồng trong chính sách nhà ở trong đại dịch COVID-19? So sánh quốc tế giữa các quốc gia có phúc lợi tiên tiến.”

Trong phiên thảo luận song song thứ hai với chủ đề về “Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi kép” đã bắt đầu với bài tham luận trình bày bởi TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách với chủ đề “Đổi mới huy động nguồn lực đầu tư phát triển vùng kinh tế”. Tiếp theo là bài tham luận của GS, TS Harumichi Yuasa đến từ ĐH Meiji về vấn đề Chuyển đổi Kỹ thuật số tại Nhật Bản. Cuối cùng là bài tham luận của Bà Nguyễn Phương Thảo đến từ ĐH Meiji về tác động tiềm năng của Chương trình mua bán phát thải carbon ở Việt Nam.

Ngoài những tham luận trực tiếp, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm từ nhiều nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và giảng viên, học viên cao học đến từ Trường Đại học Ngoại thương và Đại học Meiji với hơn 30 bài viết đăng trên Kỷ hiếu hội thảo. Hầu hết các bài viết đã khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thay đổi và thích ứng của quản lý công và sáng tạo xã hội, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm tận dụng những cơ hội và giải quyết những thách thức mà bối cảnh tái định hình toàn cầu hóa mang lại.

Hội thảo thực sự đã trở thành một diễn đàn cho các học giả, cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cùng nhau thảo luận và hành động, góp phần mang lại những chính sách tốt đẹp đồng thời kiến tạo tri thức, từ đó tạo tác động tích cực cho các quốc gia trong bối cảnh tái định hình toàn cầu hóa.